Căng thẳng leo thang liên tục
Sau chuyến thăm hòn đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc đã ngay lập tức tổ chức đợt tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có xung quanh Đài Loan từ ngày 4-7/8/2022 để phản ứng. Vị trí diễn tập nằm trong khu vực eo biển Đài Loan, kênh Ba Sĩ, biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, bao quanh đảo Đài Loan. Một trong 6 khu vực diễn tập nằm cách thành phố Cao Hùng ở phía nam hòn đảo chưa đến 20km.
Trong ngày đầu diễn tập, quân đội Trung Quốc đã phóng 11 tên lửa Đông Phong vào vùng biển quanh đảo Đài Loan, trong đó 4 quả được cho bay qua hòn đảo. Đến ngày 7/8/2022, giới chức Đài Loan cho biết nhiều tàu chiến, máy bay Trung Quốc tiếp tục diễn tập mô phỏng tấn công hòn đảo và chiến hạm của Đài Bắc. Lực lượng phòng vệ Đài Loan đã triển khai máy bay và tàu chiến để "phản ứng phù hợp" với cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc.
Đáp lại, Đài Loan dự kiến sẽ tổ chức hai cuộc diễn tập vào tuần sau nhằm kiểm tra năng lực sẵn sàng chiến đấu. Theo đó, các cuộc diễn tập bắn đạn thật sẽ được tổ chức ngày 9 và 11/8/2022 tại xã Phương Sơn thuộc huyện Bình Đông, miền Nam đảo. Nguồn tin cũng cho biết phòng vệ Đài Loan sẽ điều 78 pháo tự hành 155mm và 6 súng cối 120mm tham gia diễn tập.
Chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan khiến Mỹ - Trung thêm căng thẳng |
Sau Hồng Kông, Đài Loan đã trở thành vấn đề nóng trong quan hệ song phương Mỹ - Trung thời gian gần đây. Trung Quốc luôn xem Đài Loan là một tỉnh chờ thống nhất và tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần. Mỹ cam kết tôn trọng nguyên tắc "một Trung Quốc", nhưng tiếp tục duy trì quan hệ với Đài Loan và cung cấp cho hòn đảo các loại khí tài hiện đại.
Mới đây, quan chức đại sứ quán Trung Quốc ở Washington nói cách duy nhất để chấm dứt khủng hoảng trong quan hệ Mỹ - Trung do chuyến thăm của bà Pelosi gây ra là Mỹ phải lập tức "sửa chữa sai lầm". Trong khi đó, ông Kirby khẳng định Mỹ không có gì phải "sửa" liên quan đến chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi.
Được biết, Trung Quốc đã leo thang phản ứng bằng thông báo cắt liên lạc với Washington trên 8 lĩnh vực hợp tác then chốt, nổi bật trong số đó có quốc phòng, chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu. Ngoài ra, nhiều cuộc gọi trong tuần này từ các quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Mark Milley, đến những người đồng cấp ở Trung Quốc đều không được phản hồi.
Theo giới phân tích, cắt liên lạc quân sự là một trong những biện pháp quen thuộc của Trung Quốc khi xuất hiện căng thẳng với Mỹ. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc lo ngại chiến thuật trả đũa ngoại giao hiện nay của giới chức Bắc Kinh sẽ làm gia tăng rủi ro xung đột, đặc biệt khi căng thẳng dâng cao trên eo biển Đài Loan.
Đòn thương mại và tác động đến thị trường tài chính
Bên cạnh các động thái diễn tập quân sự, Trung Quốc cũng đã tạm ngừng nhập khẩu một số hàng hóa từ Đài Loan. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 3/8/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết một số hoạt động nhập khẩu cá và trái cây sẽ bị đình chỉ. Nguyên nhân là cơ quan này "nhiều lần" phát hiện lượng thuốc trừ sâu quá cao trong trái cây kể từ năm 2021, trong khi các gói hàng cá đông lạnh bị phát hiện nhiễm Covid-19 trong tháng 6/2022.
Trong một tuyên bố khác, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ cấm xuất khẩu cát tự nhiên dựa trên các quy định liên quan, nhưng không đưa ra thông tin cụ thể hơn. Trước đó, ngay từ đầu tháng 8, truyền thông Đài Loan cho biết Trung Quốc đã cấm nhập khẩu hơn 100 loại thực phẩm từ Đài Loan, gồm nhiều loại bánh kẹo, bánh quy, bánh ngọt và bánh mì từ hàng trăm nhà máy thực phẩm của Đài Loan đã bị Trung Quốc thêm vào danh sách các mặt hàng cấm nhập khẩu, trước thông tin Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể sắp đến thăm Đài Bắc.
Việc bà Pelosi thăm Đài Loan cũng gieo nên những tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính, vốn đã chịu nhiều tác động từ rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát tăng vọt tại nhiều quốc gia, khiến các ngân hàng trung ương phải sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.
Được biết, Trung Quốc đã leo thang phản ứng bằng thông báo cắt liên lạc với Washington trên 8 lĩnh vực hợp tác then chốt, nổi bật trong số đó có quốc phòng, chống ma túy, chống tội phạm xuyên quốc gia và ứng phó biến đổi khí hậu.
Cụ thể, các thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đỏ rực trong ngày 2/8/2022 khi căng thẳng địa chính trị leo thang vì chuyến viếng thăm tới Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Theo đó, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc đã giảm 2,26% trong ngày này, còn Shenzhen Component đóng cửa rớt 2,37%, sau khi cả hai chỉ số trong phiên có lúc lao dốc hơn 3%. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông cũng bốc hơi 2,42%, với các cổ phiếu vốn hóa lớn Alibaba và Meituan đều giảm tương ứng 2,79% và 2,56%.
Tại Đài Loan, dù là nơi tâm điểm của căng thẳng địa chính trị, nhưng chỉ số chứng khoán Taiex lại giảm thấp hơn với mức giảm chỉ 1,56%, đáng lưu ý là cổ phiếu Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TMSC) giảm 2,38%. Các thị trường chứng khoán châu Á khác cũng chứng kiến hiệu ứng tiêu cực tương tự. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,42%, còn Topix mất 1,77%. Ở Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 0,52% trong khi Kosdaq lùi 0,4%.
Dù các thị trường đang hồi phục trở lại gần đây, khi tác động từ chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể đang mờ dần, nhưng các nhà quản lý quỹ đang phải nghĩ cách chèo lái danh mục vượt qua mối quan hệ xích mích giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nền kinh tế toàn cầu chưa bao giờ ổn định khi các cường quốc lớn đối đầu với nhau.
Ngoài ra, giới quan sát cũng lo ngại chuỗi cung ứng mong manh đang đứng trước một áp lực mới và công chúng đang đồn đoán rằng liệu Bắc Kinh có vũ khí hóa lượng trái phiếu kho bạc Mỹ khổng lồ mà nước này đang nắm giữ. Trong khi đó, các nhà đầu tư nhận định rằng chuyến thăm đảo Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể có tác động lâu dài đến thị trường toàn cầu.