Cẩn trọng với tín dụng ngoại tệ: Rủi ro do cung ảo

25/07/2011 09:47

Rủi ro hiện nay của thị trường hối đoái là doanh nghiệp vay USD của ngân hàng bán ra thị trường tạo ra cung ảo. Tức là, USD từ tài khoản của ngân hàng được chuyển sang tài khoản của doanh nghiệp để bán ra thị trường.

Cẩn trọng với tín dụng ngoại tệ: Rủi ro do cung ảo

“Rủi ro hiện nay của thị trường hối đoái là doanh nghiệp vay USD của ngân hàng bán ra thị trường tạo ra cung ảo. Tức là, USD từ tài khoản của ngân hàng được chuyển sang tài khoản của doanh nghiệp để bán ra thị trường.

USD từ tài khoản ngân hàng đang được chuyển sang tài khoản doanh nghiệp để bán ra thị trường

>Thị trường ngoại tệ: Liệu có bình ổn lâu dài?
>
Thêm 2 tỉ USD dự trữ ngoại tệ

Nhưng đến lúc đáo hạn, cung ảo này trở thành cầu thực vì doanh nghiệp phải mua ngoại tệ ngoài thị trường để trả nợ cho ngân hàng” - TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia - chia sẻ bên lề hội thảo do Cty chứng khoán Tân Việt tổ chức cuối tuần trước. TS Lê Xuân Nghĩa cho biết: Cung ảo thể hiện rất rõ ở chỗ, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ lên tới 23% trong khi tăng trưởng tín dụng nội tệ chỉ có 3%.

Như thế rất nguy hiểm vì đến thời điểm đồng loạt các khoản vay đáo hạn, cộng với những khan hiếm của ngoại tệ như trục trặc nhất định nào đó của thị trường xuất khẩu có thể làm cho thị trường hối đoái căng thẳng. Và đặc biệt, nhìn vào hai con số chênh lệch huy động và cho vay của ngoại tệ 6 tháng đầu năm nay chênh tới 85.000 tỉ đồng (quy đổi); trong khi con số chênh của năm ngoái chỉ 41.000 tỉ đồng (quy đổi); như vậy sẽ có một nhu cầu rất lớn ngoại tệ vào cuối năm nay sẽ đẩy thị giá tăng lên.

Nhưng NHNN cho biết đã mua được 4 tỉ USD bổ sung cho dự trữ, điều này sẽ giải tỏa phần nào sức ép tỉ giá, thưa ông?

- Từ đầu năm tới nay, NHNN đã mua được là 4 tỉ USD bổ sung cho dự trữ. Nhưng con số này chưa tính số lượng bán ra. Nếu tính cả mua vào và bán ra thì số lượng còn khoản trên 3 tỉ USD. Cán cân thanh toán cũng sẽ dương đúng bằng con số đó. Giả định trong trường hợp khó khăn, NHTƯ bán ngoại tệ ra thì vẫn đủ sức ổn định thị trường. Có chăng, ba tháng cuối năm tỉ giá có thể căng thẳng một chút. NHTƯ ngay từ bây giờ có thể mở rộng cung ứng VND ra một tí.

Trong 6 tháng đầu năm, cung tiền ra thị trường được thắt chặt. Vậy theo ông, cung tiền nên được mở rộng như thế nào là hợp lý tránh tính trạng nới lỏng đột ngột?

- Nói là mở rộng cung tiền nhưng không có nghĩa là nới lỏng tiền lệ. Mở rộng ở đây là với chỉ tiêu Chính phủ giao tăng trưởng cung tiền 16% là đã tính toán là đảm bảo tăng trưởng kinh tế ở mức 6 - 6,5%. Do đó, cần điều hòa trong suốt cả năm cho đồng đều, đừng chặt quá vào một thời điểm và đừng lỏng quá. Trong 6 tháng đầu năm đã thắt rất chặt rồi, nhưng từ nay tới cuối năm thì chưa biết NHNN sẽ điều hòa như thế nào. Nhưng nếu cố cho đủ 16% thì rất nguy hiểm. Việc tính toán điều hòa cung tiền cũng phải tránh tình trạng thắt chặt quá mức làm sản lượng hàng hóa sụt giảm; điều này sẽ đẩy lạm phát tăng, vì tiền tăng mà sản lượng lại ít đi. Chúng ta cần tránh cái gọi là lạm phát đình đốn. Trong văn bản gần đây nhất, Chính phủ đã dùng từ “điều hòa cung tiền một cách hợp lý”.

Vấn đề là lạm phát của VN cao hơn của Mỹ. Như vậy có nghĩa là VND được định giá cao hơn so với tỉ giá thực. Do đó, kỳ vọng phá giá VND vẫn còn. Đấy là rủi ro mà chúng ta cần cảnh giác. Và với rủi ro này chúng tôi cũng sẽ báo động với Chính phủ, với trung ương để đưa ra cách xử lý ngay từ bây giờ để cuối năm không xảy tình trạng trên. Các biện pháp như tới đây NHTƯ sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống đôla hóa như giảm tỉ lệ trạng thái ngoại hối của các NH xuống còn 20%. Đồng thời, rất có thể sẽ tăng tỉ lệ dự trữ ngoại tệ lên. Đi đôi với đó là tăng cung ứng, giúp VND không quá khan hiếm như hiện nay để giữ tỉ giá ổn định cuối năm.

TS Lê Xuân Nghĩa

Hiện nay, tăng trưởng tín dụng từ hệ thống NH là 7%. Nhưng con số này chưa tính cung tiền từ nguồn trái phiếu chính phủ (mà đây cũng là loại làm tăng tín dụng). Nếu cộng thêm 2% tăng trưởng ròng từ trái phiếu chính phủ thì con số tăng thực đã là 9%. Điều này cũng chưa phải ghê gớm lắm vì chỉ tiêu tín dụng cho cả năm là 20%, nhưng cũng cần lưu ý.

Trái phiếu chính phủ trong mấy phiên đấu thầu gần đây lại tăng nhẹ. Tín hiệu này có đi ngược với mong muốn giảm lãi suất không, thưa ông?

- Lãi suất trái phiếu chính phủ tăng là phải thôi. Vì khi các NH đã mua một mớ rồi nhưng họ thấy rằng rất có thể lãi suất sẽ giảm không nhanh như dự đoán nên họ lại không mua nữa. Nhưng cũng phải nói là lãi suất trái phiếu chính phủ giảm nhanh như thời gian qua cũng là điều không bình thường. Nếu lãi suất trái phiếu chính phủ thấp quá cũng không phải là tín hiệu tốt, mà nên ở mức gần với lãi suất tái cấp vốn của NHTƯ.

Thị trường liên NH vừa rồi cũng được NHNN can thiệp và đã đi vào ổn định, liệu lãi suất có cơ hội giảm trong ngắn hạn?

- Thị trường liên NH vừa rồi cũng được can thiệp khá nhiều bằng động tác kỹ thuật để tăng cường thanh khoản cho các NH yếu. Hiện nay, thanh khoản các NH này đã bớt căng thẳng, các “ông” lớn không còn làm khó mấy NH nhỏ nữa và kéo lãi suất liên NH giảm xuống. Đáng lẽ, điều này là NHTƯ phải làm từ sớm để giữ ổn định thị trường liên NH chứ không phải là giữ ổn định lãi suất ở bên ngoài thị trường.

NHTƯ các nước họ không cần biết lãi suất huy động và lãi suất cho vay của các NH như thế nào, mà người ta quan tâm tới lãi suất của thị trường liên NH để ngang bằng và xoay quanh lãi suất của thị trường mở. Nếu làm được như vậy, lãi suất ngoài thị trường cũng sẽ ổn định theo. Còn ở ta, NHTƯ đã bỏ qua lãi suất thị trường liên NH để “thò tay” xuống tận lãi suất trần tiền gửi của tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó còn quy định cả tỉ lệ cho vay, tỉ lệ cho vay tiêu dùng, đầu tư... Đấy không phải là việc của NHTƯ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cẩn trọng với tín dụng ngoại tệ: Rủi ro do cung ảo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO