Dù chưa được triển khai xây dựng nhưng tuyến tàu điện ngầm Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) đã giúp không ít dự án nhà ở cạnh đó tăng giá trị vùn vụt; cụ thể là các dự án chung cư nằm dọc Xa lộ Hà Nội, thuộc quận 2, quận 9 và khu vực quận 12 (TP.HCM).
Đọc E-paper
Trong khi đó, ngay chính bản thân các cao ốc, đặc biệt ở khu vực trung tâm (CBD), phần ngầm hóa (tầng hầm) cũng được xem là tiêu chuẩn để đánh giá xếp hạng A, B; giá cả cho thuê và quyết định của khách thuê. Điều này cho thấy, việc quy hoạch và phát triển không gian ngầm - KGN (công trình công cộng và gắn liền với công trình nhà ở) tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không chỉ đơn thuần là để giảm tải về mặt giao thông (tàu điện ngầm thường chiếm từ 25 - 30% khối lượng giao thông ở các quốc gia phát triển).
Phối cảnh không gian ngầm nhà ga metro số 1 tại nhà ga trung tâm Bến Thành. Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM. |
Đứng về phương diện phát triển đô thị (PTĐT), KGN có liên quan mật thiết đến vấn đề đất đai, thường được nhìn nhận dưới 3 dạng: trước hết là phát triển KGN gắn với phát triển diện tích đô thị (thường áp dụng cho các đô thị nhỏ); dạng thứ hai là PTĐT bằng cách tăng mật độ tại các khu đô thị hiện có và dạng cuối cùng là tổng hợp của hai dạng trên (một số đô thị lớn ở ta đang phát triển theo dạng này).
Một khi tăng mật độ lên thì phải tăng khả năng chịu tải của đô thị đó, như: tăng tầng cao các tòa nhà, sử dụng KGN. Hiện nay, trên thế giới, người ta chuộng mô hình đô thị hóa dựa trên diện tích đất sẵn có chứ không mở rộng. Đặc biệt, đối với Việt Nam, biến đổi khí hậu làm diện tích đất đai giảm.
Trong khi, theo quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2025, dân số đô thị sẽ tăng gấp đôi và diện tích tăng gần 300.000ha so với 2010. Do đó, chúng ta phải suy nghĩ, nếu tăng như thế, diện tích đất nông nghiệp sẽ tiếp tục bị thu hẹp từ biến đổi khí hậu lẫn đô thị hóa. Vì thế, PTĐT phải đi theo chiều sâu. Khuynh hướng này gọi là đô thị nén, ở đây, việc phát triển KGN đô thị rất quan trọng.
Trên thế giới, sử dụng KGN mạnh mẽ nhất là Canada, họ không chỉ xây dựng hệ thống giao thông ngầm công cộng, mà còn phát triển cả đô thị dưới lòng đất, với 600 cửa hàng, 200 khách sạn, 40 ngân hàng và 30 rạp chiếu bóng, bể bơi... Ở châu Á, Trung Quốc cứ mỗi năm phát triển thêm 180km đường giao thông ngầm. Tại Việt Nam, một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng cũng đã quy hoạch nhiều công trình ngầm.
Ưu điểm của KGN không ít nhưng phải thận trọng khi phát triển vì không thể đảo ngược, phải kết hợp được KGN với không gian trên mặt đất, kết hợp được lợi ích giữa thời bình và khi có chiến tranh và kết hợp nhu cầu trước mắt lẫn lâu dài để tạo tính bền vững. Muốn vậy, chúng ta phải hoàn thiện khung pháp lý, chủ yếu là về đất đai, quy hoạch và tài chính.
Về đất đai, hiện chúng ta chỉ quy định quyền sở hữu trên mặt đất chứ chưa quy định rõ ràng về chiều cao và độ sâu. Nhiều cao ốc tại các thành phố lớn đã khoan sâu từ 60 - 70m và nghiễm nhiên coi không gian bên dưới là của mình. Chính vì không rõ ràng như thế nên rất khó để quản lý.
Trong khi đó, việc tổ chức thực hiện phát triển KGN phải thống nhất được kế hoạch đầu tư, thiết kế - thi công, quản lý và tài chính (huy động vốn như thế nào, thu hồi ra sao...). Theo đó, những doanh nghiệp (phát triển kinh doanh lẫn doanh nghiệp bất động sản tại nơi có công trình đi qua) phải có trách nhiệm tham gia góp vốn thông qua việc đóng thuế, phí phát triển hạ tầng..., vì công trình hạ tầng này sẽ làm tăng giá trị và mức độ thu hút của khu vực.