Bộ Công thương khuyến cáo nhà nông không nên tăng sản lượng quả dưa hấu và thanh long trong thời điểm này. Ảnh: Lam Nghi |
Thời gian qua, dịch viêm hô hấp cấp do vi rút Corona mới (Covid-19) bùng phát đã gây ảnh hưởng nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nói riêng, nhất là các mặt hàng nông sản, trái cây.
Đến nay, lượng nông sản, trái cây vận chuyển lên cửa khẩu phía Bắc để xuất sang Trung Quốc đang ngày càng nhiều; song trước diễn biến phức tạp, khó lường và có nguy cơ kéo dài của dịch Covid-19, các lô hàng nông sản, trái cây Việt Nam dù được làm thủ tục thông quan nhưng tiến độ đã và đang chậm hơn rất nhiều so với trước đây.
Đồng thời, cần biết rằng, dù đã có nhiều nỗ lực để chuyển phương thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc thành hình thức chính ngạch, song hoạt động xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân tại chợ biên giới vẫn là phương thức chủ yếu đối với một số loại nông sản của Việt Nam, trong đó có nhiều loại trái cây tươi.
Thế nên, việc chính quyền hai tỉnh Quảng Tây, Vân Nam kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm ngưng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc xuất khẩu các loại nông sản này.
Do đó, Bộ Công Thương ngày 18/2/2020 đã có công văn hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương về việc rà soát công tác sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây qua biên giới đất liền phía Bắc.
Link bài viết
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các uỷ ban phối hợp, chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn, đặc biệt là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể, chi tiết sản lượng từng loại nông sản, trái cây đã, đang và sắp thu hoạch, tiêu chuẩn chất lượng, năng lực cạnh tranh của các loại hàng hóa nêu trên để đánh giá khả năng và xây dựng kế hoạch chuyển hướng tiêu thụ.
Đối với bà con nông dân, Bộ Công Thương khuyên nên điều tiết sản lượng, ít nhất là không tăng sản lượng vào lúc này, đối với các loại nông sản, trái cây đang dựa mạnh vào xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân biên giới. Còn đối với những diện tích chưa gieo trồng, cần xem xét chuyển sang các loại nông sản khác dễ tiêu thụ hơn.
Đối với các doanh nghiệp, tổ chức, Bộ Công Thương khuyến cáo hạn chế đưa hàng hóa lên biên giới, trừ trường hợp đưa lên để xuất khẩu theo hình thức chính ngạch và đối tác phía Trung Quốc có khả năng nhận hàng; liên hệ với đối tác Trung Quốc để đàm phán chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…
Hiện, Bộ Công Thương đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý Xuất nhập khẩu khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.