Văn hóa nghệ thuật

Cần chung tay nâng tầm văn hóa thư pháp Việt

Bài và ảnh: Đào Văn Sử 03/09/2023 17:00

Những ông đồ đủ mọi lứa tuổi tặng chữ và bán chữ ở các khu trung tâm đô thị, các nhà chùa không còn là chuyện lạ. Đã có nhiều cuộc triển lãm về thư pháp và nhiều nghệ nhân thư pháp được vinh danh kỷ lục quốc gia, kỷ lục châu Á và cả kỷ lục thế giới. Chính sự nổi trội này khiến nhiều người tò mò về nghệ thuật thư pháp Việt nói chung và những người sống bằng nghề viết thư pháp nói riêng.

Chữ thư pháp thường được viết theo cảm xúc riêng của từng người qua nét bút tài hoa, uyển chuyển, bay bướm… tạo cảm xúc thẩm mỹ cuốn hút người xem.

Thư pháp có nguồn gốc từ cách viết thảo chữ Hán ở các triều đại phong kiến của Trung Quốc, lan rộng ra các nước, nhất là những nước viết chữ tượng hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên và các nước hồi giáo. Riêng ở Nhật Bản, thư pháp là loại hình nghệ thuật cao siêu do các thiền sư đua tài; ở đó, thư đạo gắn với thiền đạo, dùng nét chữ tượng hình biểu lộ thâm ý.

Ở nước ta, việc viết thư pháp đã hình thành và phát triển hàng nghìn năm nay, nhất là thời Lý - Trần, cùng với sự hưng thịnh của đạo Phật. Từ khi chữ quốc ngữ ra đời, thư pháp Hán chuyển dần sang thư pháp Việt. Đó hẳn là thể hiện tình yêu chữ Việt, tôn vinh chữ Việt của các ông đồ.

Bỏ việc ở sân bay để viết thư pháp

Nhà của nghệ nhân thư pháp Võ Dương cũng là không gian thư pháp của ông, ở quận 10, TP.HCM. “Trăm nghe không bằng một thấy”, tới đây tôi mới thấy được sự đam mê và tình yêu thư pháp Việt của ông rất đặc biệt.

duong-vo.jpg
Nghệ nhân thư pháp Võ Dương

Ông là người con của quê hương Quảng Nam, vào TP.HCM lập nghiệp. Với kiến thức về điện gia dụng học trong trường, ông làm nhân viên sửa chữa, bảo quản thiết bị điện tại sân bay Tân Sơn Nhất hơn 10 năm.

Dù bận công việc nhưng ông vẫn tranh thủ tìm hiểu về thư pháp, học viết thư pháp tại Nhà văn hóa Thanh Niên. Tình yêu và tài hoa viết thư pháp đến với ông lúc nào không hay, cuối cùng ông bỏ công việc ở sân bay để chuyên tâm viết thư pháp.

Hơn 20 năm nghiên cứu, luyện viết pháp, cuối cùng ông đạt đỉnh vinh quang. Năm 2014, ông xác lập kỷ lục quốc gia; từ năm 2019-2020, ông xác lập kỷ lục châu Á và kỷ lục thế giới. Hiện nay, ông là kỷ lục gia thế giới về thư pháp, Chủ tịch Câu lạc bộ Nghệ nhân thư pháp Việt và Giám đốc Công ty CP Thư pháp Việt.

Ông chia sẻ: “Hơn 12 năm qua, tôi đã giảng dạy, đào tạo hàng nghìn người viết thư pháp Việt, cũng như tạo nên nhiều sản phẩm độc đáo lưu truyền trong nước và ra nước ngoài. Nghề nào cũng cần niềm đam mê, song nghề viết thư pháp thì cần sự đam mê hơn hẳn. Tôi luôn đau đáu vì nó, vừa ngẫm nghĩ nghiên cứu vừa học hỏi, rèn tay nghề viết hàng ngày, hàng giờ… và phải tạo ra dấu ấn riêng của mình”.

hd.jpg
Nghệ nhân thư pháp Võ Dương hướng dẫn viết thư pháp

Nói về sự phát triển của nghề viết thư pháp hiện nay, ông tâm sự: “Một thực trạng khiến tôi lo ngại là phong trào viết thư pháp đang phát triển tự phát. Có những người học chưa đến nơi đến chốn đã làm thầy đồ mở lớp dạy. Từ đó tạo nên những ông đồ viết ngẫu hứng, không căn bản, không đúng bộ, nét quy định, làm ảnh hưởng đến nghệ thuật thư pháp Việt. Với những người trong câu lạc bộ, tôi luôn hướng dẫn, đào tạo, trao đổi với nhau để nâng cao trình độ mỗi ngày. Nhờ vậy, chúng tôi sống được bằng nghề viết thư pháp”.

Bạn đọc đề cử 10 doanh nhân truyền cảm hứng 2023 nhấn vào ảnh bên dưới:

part-1_3.gif

Cựu chiến binh mê thư pháp Việt

Nghệ nhân dân gian thư pháp, cựu chiến binh Phan Thanh Sơn ở quận Gò Vấp. Ông là Phó chủ tịch Câu lạc bộ Nghệ nhân thư pháp Việt, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thư pháp Đồ Túc Thiện; vừa nhận bằng kỷ lục Việt Nam từ tác phẩm viết thư pháp tập thơ Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là công trình văn hóa độc đáo, ông chép 133 bài thơ do Bác Hồ sáng tác trong nhà tù năm xưa và 133 lời dạy của Bác Hồ, chào mừng 133 năm ngày sinh của Người và 80 năm ngày Người hoàn thành tập thơ nhật ký...

son-nhan-ky-luc.jpg
Nghệ nhân Phan Thanh Sơn nhận xác lập kỷ lục Việt Nam

Nghệ nhân Phan Thanh Sơn chia sẻ: “Với ý nghĩa thiêng liêng của tác phẩm Nhật ký trong tù, tôi dồn hết tâm sức, tình cảm, sự đam mê để viết với trách nhiệm cao nhất và nghiêm túc nhất trong hơn một năm qua”.

Từng là giảng viên dạy ở trường quân đội, rồi kinh doanh thành đạt nhiều ngành nghề, nhưng nghệ nhân Phan Thanh Sơn đã rẽ hướng sang viết thư pháp.

Ông cho biết: “Sinh trưởng trong gia đình cách mạng, có truyền thống Nho học ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, từ bé tôi đã tìm hiểu chữ Nho và yêu nét chữ Việt. Tôi thường nắn nót từng nét chữ Việt và dày công luyện tay viết, thổi hồn vào từng nét chữ ấy mỗi ngày thêm bay bổng, uyển chuyển hơn. Để có những nét chữ như rồng bay phượng múa, tôi phải lao tâm khổ tứ nhiều, nghiền ngẫm nghĩ suy và nâng niu từng nét chữ… Sự đam mê ấy khiến tôi dứt bỏ tất cả công việc kinh doanh để dành cho thư pháp. Đó cũng là tình yêu nước, yêu chữ Việt, muốn chữ Việt mình bay bổng, nên thơ hơn”.

Lạc quan với phong trào viết thư pháp Việt ở nước ta hiện nay, nghệ nhân Phan Thanh Sơn chia sẻ: “Tôi rất mừng vì phong trào viết thư pháp ngày càng phát triển, nhiều người viết thư pháp, nhiều tầng lớp nhân dân quan tâm đến thư pháp và muốn sử dụng thư pháp trong các lễ hội, các sản phẩm của thờ cúng và gia dụng…”.

Dẫu vậy, nghệ nhân Phan Thanh Sơn vẫn đau đáu một nỗi lo về sự tùy tiện, dễ dãi trong việc viết chữ thư pháp Việt.

Ông cho hay: “Hiện nay có nhiều câu lạc bộ thư pháp, nhiều nhóm viết thư pháp ra đời tạo thêm sân chơi mới cho nhiều người, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là nhiều người viết thư pháp trong vai ông đồ nhưng viết còn tùy tiện quá, không biểu đạt được tâm ý và nội dung của câu chữ. Tình trạng này nếu không được uốn nắn sẽ dẫn đến trào lưu viết thư pháp dễ dãi, không chuẩn, khó đọc, sai cấu trúc, nói cách khác là phá hỏng nghệ thuật thư pháp Việt. Tôi luôn dùng giáo trình chuẩn mực để dạy học trò viết thư pháp, buộc các em tuân thủ các bộ nét sổ, phớt, xước, chấm, lượn, vòng… Và còn phải dạy cả đạo đức người thầy, tâm thế của ông đồ trước công chúng…”.

Ước muốn thư pháp gắn với hội họa và nghệ thuật trang trí

Bà Cao Kim Châu ở huyện Bình Chánh (TP.HCM), từng là cô giáo nuôi dạy trẻ, sau đó vẽ thuê cho các tiệm áo dài nghệ thuật, đồng thời dành nhiều thời gian học thư pháp Việt.

Bà tâm sự: “Khi xem các ông đồ viết thư pháp, tôi chỉ ước muốn mình viết được như vậy. Hơn nữa, nếu tôi kết hợp nghề vẽ tranh trên áo dài với viết thư pháp thì sẽ thành tác phẩm hoàn hảo hơn. Khi thầy Phan Thanh Sơn tặng tôi chữ tâm, tôi về vẽ hoa sen lồng vào, được thầy khen. Từ tác phẩm đó, thầy Sơn nảy ra ý tưởng xây dựng Câu lạc bộ Thư - Họa. Tôi mong sao câu lạc bộ ấy sớm ra đời để thư pháp gắn với hội họa hơn, và thư pháp thêm gần gũi với nghệ thuật trang trí…”.

ba.jpg
Bà Cao Kim Châu với ước muốn thư pháp gắn với hội họa và nghệ thuật trang trí

Qua đó cho thấy, thư pháp Việt đang “trăm hoa đua nở”. Không khó để chúng ta tìm thấy các đường nét của thư pháp Việt nơi đình, chùa, quán ăn, nhà hàng, các biển hiệu, bao bì sản phẩm…

Rõ ràng, thư pháp Việt đang gắn với đời sống kinh tế - văn hóa của nhân dân. Mong sao Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Câu lạc bộ Nghệ nhân thư pháp Việt có giải pháp quản lý, định hướng tốt hơn đối với việc đào tạo, phát triển “mầm non” thư pháp Việt để ngày càng nâng tầm văn hóa, tính nghệ thuật cho thư pháp Việt. Thiết nghĩ, các cơ quan văn hóa từ Trung ương đến các địa phương cũng nêu cao trách nhiệm với môn nghệ thuật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cần chung tay nâng tầm văn hóa thư pháp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO