Thế giới ngày càng mê tín

THÙY VY| 13/07/2010 06:08

Thật lạ khi một dân tộc duy lý như người Đức lại đi tin vào một chú bạch tuộc tên Paul, được nhốt trong bể kính ở Viện Hải dương học Oberhausen, để rồi sau đó lại cay cú khi Paul dự đoán Đức thua Tây Ban Nha ở bán kết.

Thế giới ngày càng mê tín

Thật lạ khi một dân tộc duy lý như người Đức lại đi tin vào một chú bạch tuộc tên Paul, được nhốt trong bể kính ở Viện Hải dương học Oberhausen, để rồi sau đó lại cay cú khi Paul dự đoán Đức thua Tây Ban Nha ở bán kết.

Không chỉ người Đức, mà cả thế giới cũng phát cuồng vì “thầy Paul”, cứ như thể loại động vật nhuyễn thể có 9 xúc tu này mới là ngôi sao thực sự của World Cup 2010. Phải chăng, khoa học càng phát triển, con người lại càng mê tín (không nói đến dị đoan)?

Sức thu hút của “thầy Paul” lôi kéo cả kênh NTV của Đức, rồi Rai Sport của Ý và thậm chí cả kênh CNN của Mỹ cũng đã truyền hình trực tiếp dự đoán của Paul. Rồi những phóng viên của nhiều hãng thông tấn lớn có mặt tại chỗ để cập nhật dự đoán của "ông thầy" này một cách nhanh nhất.

Tuy vậy, nhiều khả năng Paul sẽ không thể phát huy tài “tiên tri” của mình ở những giải đấu lớn lần sau như Euro 2012 tại Ukraina và Balna, hay World Cup 2014 ở Brazil. Đơn giản bởi “thầy” đã quá “già”. Tuổi thọ trung bình của loài bạch tuộc chỉ là ba năm. Thế nên, quá lắm Paul cũng chỉ sống được khoảng một năm nữa mà thôi, nghĩa là còn cách Euro 2012 cả một năm nữa.

Thế nhưng, Paul này mất đi thì sẽ có Paul khác thay thế. Bởi chú bạch tuộc ở Oberhausen đã mở đầu một trào lưu dùng động vật làm nhà tiên tri. Giống như Paulina, một chú vẹt ở Singapore cũng cho rằng Hà Lan mới là đội giành chiến thắng trong trận chung kết. Ở vườn thú Tallinn tại Estonia, người ta đã thử nghiệm với một chú tinh tinh có tên Pino và chú lợn rừng Apfelsin.

Còn ở Úc, một ông chủ trang trại đã cậy nhờ đến con cá sấu bằng cách bỏ vịt vào hai chiếc lồng có hai quốc kỳ khác nhau xem nó chọn lồng nào. Cứ với cái đà này, hẳn người Thái sẽ chọn một con voi, người Trung Quốc sẽ dùng gấu trúc, người Pháp sẽ lấy gà trống làm thầy bói tiên đoán hậu vận của họ...

Tóm lại, những hiện tượng trên cho thấy, khoa học càng phát triển thì con người dường như càng tin vào những điều có tính chất mê tín, hoặc tìm cách lý giải những điều mà khoa học không (hay chưa) giải thích nổi bằng những yếu tố phi khoa học. Thế nên, có một điều chắc chắn, dù tỷ lệ thất nghiệp có tăng cao đến đâu, nghề thầy bói cũng vẫn có đất sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Thế giới ngày càng mê tín
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO