Cách nào để học, chọn nghề không sai lầm?

Lê Thanh Lâm| 28/02/2021 08:13

Việc có công cụ hỗ trợ giúp học sinh phổ thông trung học hiểu được sở thích, thế mạnh, điểm yếu để xác định được ngành nghề phù hợp là một nhu cầu bức thiết.

"Nghề chọn mình, chứ mình không chọn nghề", đó là một trong những câu nói phổ biến của rất nhiều sinh viên, người đi làm và cả những người đã không còn lao động. 

Theo khảo sát tuyển sinh từ năm 2017 đến năm 2020, mỗi năm có từ 15-20% sinh viên sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm, 20% có việc làm cho rằng mình đã chọn sai ngành học và công việc hiện tại. 

Mẫu số chung của hai vấn đề trên chính là việc hướng nghiệp từ cấp trung học phổ thông chưa được quan tâm đúng mức, còn triển khai theo hình thức và thiếu công cụ hỗ trợ. Điều này dẫn đến học sinh đăng ký chọn trường đại học theo số đông, theo ý muốn bố mẹ, theo ý thích cá nhân hay thậm chí là đăng ký cho có mà không hề có chính kiến hay quan điểm cụ thể về sự nghiệp trong tương lai. 

Chính từ thực tế ấy, việc có công cụ hỗ trợ giúp học sinh phổ thông trung học hiểu được sở thích, thế mạnh, điểm yếu để xác định được ngành nghề phù hợp là một nhu cầu bức thiết. Do đó, công cụ phân tích hành vi con người (Extended DISC) được xem như một trong những công cụ hữu ích để hỗ trợ các em tìm được ngành nghề phù hợp ngay từ khi chưa bước chân vào giảng đường đại học.

HUONG-NGHIEP-1-8521-1614312876.jpg

Extended DISC là gì?

Như đã đề cập ở trên, Extended DISC  là công cụ phân tích hành vi dùng để chỉ ra được điểm mạnh, điểm cần cải thiện,  hành vi của con người trong hiện tại và tương lai. Công cụ này được ra đời từ  thập niên 1920 của thế kỷ trước, dựa trên thuyết của ông Carl Gustav Jung và được ứng dụng toàn cầu bởi hàng triệu doanh nghiệp trong rất nhiều lĩnh vực, như quản trị nhân sự, bán hàng, tuyển dụng...

Công cụ này dựa trên 4 xu hướng hành vi chủ đạo của con người: hướng về kết quả công việc, hướng về mối quan hệ con người, hướng ngoại năng động và hướng nội bảo thủ.

Từ 4 xu hướng chính này, có 4 nhóm hành vi chủ đạo:

Nhóm D (Dominance: Kiểm soát) là giao nhau của xu hướng hướng về kết quả và hướng ngoại. Nhóm này rất quyết đoán, nhiều tham vọng, mạnh mẽ và chủ động trong công việc. Họ là người luôn muốn đạt được kết quả tốt nhất trong thời gian nhanh nhất, muốn kiểm soát mọi thứ, chấp nhận rủi ro để tiến về phía trước. Điểm yếu của nhóm D là dễ mất kiểm soát cảm xúc, dễ nổi nóng, giao tiếp áp đặt và ít quan tâm đến cảm xúc người khác, có thể gọi là độc đoán. 

Nhóm I (Influence: Tạo ảnh hưởng) là nhóm giao nhau của hướng về mối quan hệ con người và hướng ngoại. Nhóm I có xu hướng nhiều năng lượng, vui vẻ, lạc quan, có khả năng tạo ra ảnh hưởng lên người khác nhờ ngoại hình được chăm chút, khả năng giao tiếp và truyền đạt tốt, truyền cảm hứng. Đây là nhóm sáng tạo, nhiều ý tưởng và thích luôn là trung tâm của đám đông. Điểm yếu của nhóm này là đôi khi bốc đồng, dễ bị ảnh hưởng bởi cảm xúc và đám đông, sự tập trung và tính tuân thủ không cao trong công việc.

Nhóm S (Steadiness: Ổn định) là kết quả của xu hướng hướng về con người và hướng nội bảo thủ. Đây là nhóm có tốc độ làm việc chậm, tính cách nhẹ nhàng, dễ gần, thân thiện và thích quan tâm, giúp đỡ người khác. Họ cũng là người yêu thích sự ổn định, ngại va chạm, thử thách nhiều trong công việc và cuộc sống. Họ rất mạnh trong những công việc cần sự tỉ mỉ, tuân thủ, hậu cần hay tư vấn. Trái lại, công việc nhiều thử thách, áp lực cao hay cần sự đột phá, sáng tạo sẽ khiến họ rất vất vả để thực hiện.

Nhóm C (Compliance: Tuân thủ) là nhóm giao nhau của hướng về kết quả nhưng hướng nội bảo thủ. Nhóm C có xu hướng quan tâm đến sự hoàn hảo, chi tiết và tính logic. Họ rất mạnh trong nghiên cứu, tư duy hệ thống, có tầm nhìn và làm việc có kế hoạch. Mọi quyết định của họ phải dựa trên phân tích đầy đủ dữ liệu, nên thường chính xác. Đây lại là điểm yếu của họ vì đôi khi sự cầu toàn quá mức lại khiến chậm tiến độ và mất thời cơ trong kinh doanh. Việc giao tiếp không tốt và không quan tâm đến cảm xúc người khác, thường chỉ trích cũng là điểm họ cần cải thiện.

Việc ứng dụng công cụ Extended DISC là thực hiện bài đánh giá trắc nghiệm về xu hướng hành vi của bản thân, từ đó lựa chọn con đường phía trước phù hợp nhất với sở thích và thế mạnh, nhằm có sự nghiệp vững vàng và dễ dàng phát triển nhất.

Tuy nhiên, việc phân chia nhóm tính cách theo Extended DISC không chỉ có 4 nhóm chủ đạo trên mà đó là một tổ hợp từ 2-3 nhóm cùng lúc tại mỗi một thời điểm cụ thể của cuộc đời một con người. Chúng không cố định mà có khả năng dịch chuyển do bị tác động từ bên ngoài hoặc chủ động dịch chuyển. Ví dụ, một người có thể hiện tại là nhóm D-S, nhưng sau vài năm có thể dịch chuyển về S-I hoặc thậm chí C-D do môi trường tác động. Tuy nhiên, mỗi một tình huống cụ thể trong công việc và cuộc sống, cũng chỉ có một nhóm hành vi chủ đạo được thể hiện mà thôi.

Ứng dụng Extended DISC trong hướng nghiệp

Theo những đặc điểm xu hướng hành vi trên, có thể ứng dụng công cụ Extended DISC vào việc hỗ trợ học sinh và sinh viên tìm ra được điểm mạnh, điểm cần cải thiện và ngành nghề phù hợp nhất với khả năng, theo nguyên tắc: làm bài đánh giá Extended DISC chuẩn quốc tế có độ chính xác cao. Đọc kết quả để hiểu được bản thân thuộc nhóm chủ đạo nào và tìm ngành nghề phù hợp nhất tại thời điểm đó. Cụ thể như sau:

Nhóm D chủ đạo: Phù hợp với việc  bán hàng, quản lý, những ngành nghề cần sự đổi mới liên tục và chấp nhận rủi ro để thành công và đòi hỏi năng lực lãnh đạo bẩm sinh.

Nhóm I chủ đạo: Phù hợp làm các ngành cần sự sáng tạo như thiết kế, marketing, cần giao tiếp và trình bày trước đám đông như bán hàng, đào tạo, MC và các ngành liên quan tới yếu tố thẩm mỹ như thời trang, đặc biệt là các ngành mang yếu tố giải trí.

Nhóm S chủ đạo: Phù hợp các ngành cần sự hỗ trợ, logictics, quy trình, hệ thống, nhân sự, tuyển dụng và tư vấn 1-1. 

Nhóm C chủ đạo: Phù hợp các ngành nghề liên quan đến phân tích, lập kế hoạch, viết quy trình và kiểm soát hệ thống, ngân sách, tài chính.

Bước sau cùng là chọn các trường có đào tạo ngành học các em ưa thích, liên quan đến thế mạnh để đăng ký, thi tuyển và sau khi tốt nghiệp có thể công tác trong lĩnh vực mình mong muốn. Từ đó các em có thể tự tin trả lời: "Chúng ta chọn nghề, không phải nghề chọn chúng ta".

Tóm lại, việc ứng dụng công cụ Extended DISC là thực hiện bài đánh giá trắc nghiệm về xu hướng hành vi của bản thân, từ đó lựa chọn con đường phía trước phù hợp nhất với sở thích và thế mạnh, nhằm có sự nghiệp vững vàng và dễ dàng phát triển nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách nào để học, chọn nghề không sai lầm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO