Cách nào để doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu trước biến động?

Thanh Ngân| 11/10/2022 08:42

Mặc dù kinh tế khởi sắc nhưng trước tình hình thế giới nhiều biến động, doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục đối diện nhiều thách thức khó đoán, vì thế, để phát triển trong thời gian tới, DN phải kiên định mục tiêu, nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chịu đựng…

Cách nào để doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu trước biến động?

Doanh nghiệp đang đối diện nhiều khó khăn

Chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam ngày 9/10, TS. Phạm Thị Thu Hằng - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng họ Dương Việt Nam cho rằng bối cảnh vĩ mô trên toàn cầu và Việt Nam trong suốt các năm qua tạo ra thử thách vô định cho cộng đồng DN. Tám tháng đầu năm 2022, số DN tạm ngừng hoạt động tăng 38% so cùng kỳ năm trước. Hệ lụy có thể rõ hơn ở giai đoạn cuối năm nay, đầu năm sau.

Trong thời gian tới, DN sẽ tiếp tục đối diện nhiều thách thức. Trước tiên, DN sẽ gặp khó khăn về tài chính, đặc biệt về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên. Bên cạnh đó, DN  sẽ bị thiếu hụt cả về số lượng lao động và kỹ năng của người lao động. Không chỉ vậy, DN cũng đối diện với tình trạng không đủ nguồn lực tài chính, nhân sự ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, và thiếu thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở lĩnh vực du lịch, theo ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT TMG, hiện nay, các DN vẫn gặp nhiều khó khăn dù đại dịch đã được đẩy lùi trong năm qua. Cụ thể, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 1,8 triệu người, còn cách khá xa mục tiêu 5 triệu khách và vẫn giảm hơn 10 lần so cùng kỳ năm 2019. 

“Nguyên nhân đến từ việc nhóm khách du lịch công tác từ Mỹ, châu Âu, Úc sụt giảm, còn các quốc gia tại Đông Á, Bắc Á vẫn còn chần chừ mở cửa. Đến năm 2025 hy vọng mới có thể phục hồi trở lại như trước đây”, ông Kiên nhấn mạnh. 

Đồng quan điểm trên, PGS. TS. Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT phân tích thêm rằng, chính việc các cường quốc bơm lượng tiền lớn vào nền kinh tế trong đại dịch đã tạo ra vô số thách thức cho nền kinh tế hậu Covid-19. DN sẽ phải đối diện với bối cảnh kinh tế như việc đón nhận với cơn bão - sự hỗn loạn của thiên nhiên. Và “trong bão, khó ai có thể lường trước điều gì. DN vẫn cần mục tiêu, tầm nhìn dài hạn, nhưng phải biết được trong ngắn hạn ở 4 tháng cuối năm doanh thu như thế nào”, ông Bình nói.

Doanh nghiệp cần kiên định với mục tiêu đã đặt ra

Trước những thách thức ấy, các doanh nhân cho rằng, DN cần phải vững vàng, kiên định với mục tiêu đã đặt ra. Bởi, chỉ có sự vững vàng về tinh thần mới giúp DN và đất nước vượt qua khó khăn. Bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng chịu đựng... của DN trước cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.

Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, DN cần ứng dụng bài học về kiên định. Ông cho biết, chính sự sáng tạo, kiên định với giá trị cốt lõi là tinh thần phục vụ khách hàng đã giúp Sacombank vượt qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ hồi năm 2017. Ông kể, ở thời điểm đó, DN không vội thay đổi ngay các vị trí lãnh đạo, anh em được yên tâm sẽ không ai mất việc mà thay vào đó chỉ đảo vị trí để thích ứng với bối cảnh mới, nhưng để làm được điều này cần sự kiên định của người đứng đầu DN.

-1887-1665417592.jpg

Các  doanh nhân chia sẻ tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam ngày 9/10

Trong khi đó, ông Trương Gia Bình cho rằng, quản trị trong bất ổn là một chủ đề khó mà DN cần học hỏi và ứng dụng thực tiễn tốt. Kể câu chuyện ứng biến trước thách thức của FPT ở 3 giai đoạn (1998 - xuất khẩu phần mềm, 2008 - khủng hoảng kinh tế, 2020-2021 - đối phó với đại dịch Covid-19), ông Trương Gia Bình khẳng định tập đoàn đều ứng dụng nghệ thuật "chiến tranh nhân dân" - chuyển DN từ thời bình sang "thời chiến", các nhà quản trị trở thành nhà chỉ huy và trên dưới đồng lòng một mục tiêu. 

Điển hình nhất là trong giai đoạn Covid-19, FPT đã nhanh chóng kích hoạt chế độ "thời chiến" và áp dụng “Chuyển 10” - thực hiện 10 chuyển đổi nội bộ để gia tăng “đề kháng” trước dịch bệnh. Các chuyển đổi đó bao gồm: bảo vệ tính mạng cho nhân viên, làm việc tại nhà; quản trị bằng công cụ đo lường mục tiêu OKR; phản ứng nhanh nhạy trước biến động từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng quý; quản lý tài chính dưới góc độ sinh tồn; tập trung giải quyết nhu cầu thiết yếu cho các công ty có khả năng chi trả; không để ai mất việc; tăng cường tuyển chuyên gia, nhân tài; mỗi người làm việc bằng hai; lãnh đạo chấp nhận giảm thu nhập; và hơn hết là cần trên dưới và trong ngoài gắn kết. 

Kết quả là trong Covid-19 FPT không yếu đi mà còn làm FPT mạnh mẽ hơn. Doanh thu và lợi nhuận năm 2021 tăng 19,5% và 20,4% so cùng kỳ. Ghi nhận doanh thu 8 tháng đầu năm 2022 cũng đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.951 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 23,6% so cùng kỳ năm ngoái.

Còn bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PNJ cho rằng, hơn lúc nào hết, DN cần củng cố nội lực và nhất là văn hóa DN. Văn hóa phải đến từ người lãnh đạo DN. Nếu ví DN là một cái cây, thì văn hóa chính là gốc rễ của toàn bộ, còn thân cây, nhành cây chính là tầm nhìn, định hướng, chiến lược được phát triển dựa trên văn hóa đó. Văn hóa DN thể hiện rõ nét nhất trước các quyết định mang yếu tố sống còn của một quốc gia, tổ chức, là “chân ga” để vượt qua đèo cao và là “chân thắng” để ngăn DN rơi xuống vực sâu. 

Ngoài những yếu tố kể trên, các doanh nhân cũng cho rằng, chuyển đổi số là một giải pháp thiết thực chuẩn bị trước bất ổn khó đoán định. Công nghệ số và ứng dụng của công nghiệp 4.0 đã mở ra cho DN khả năng chịu đựng tốt trong mọi “cuộc chiến”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách nào để doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu trước biến động?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO