Cách để doanh nghiệp du lịch tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ: Dựa vào thương hiệu

Nguyễn Nam| 29/08/2022 06:00

Nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp (DN) du lịch thuộc nhóm được vay gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ ngày 20/5/2022, các ngân hàng thương mại sẽ dựa vào thâm niên hoạt động, dựa vào thương hiệu để xét duyệt hồ sơ cho vay.

Cần chính sách thoáng hơn cho DN lữ hành

Theo chia sẻ của ông Trần Lê Bảo Châu - Chủ tịch Diễn đàn DN du lịch vừa và nhỏ Việt Nam, cái khó khiến DN lữ hành không tiếp cận được nguồn vốn vay theo gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng là do đang xếp DN lữ hành cùng chung với DN hoạt động trong cùng lĩnh vực như hàng không, lưu trú, nhà hàng. DN lữ hành chỉ là đơn vị trung gian, không có tài sản đảm bảo mà chỉ có sản phẩm là tour du lịch (được xem là khá mơ hồ).

Theo ông Trần Lê Bảo Châu, việc xếp DN kinh doanh dịch vụ lữ hành chung với các ngành kinh doanh, sản xuất giống như "đang đo một cái áo chung size". Do đại dịch Covid-19, hoạt động lữ hành gần như "đóng băng" thì với quy định "DN phải có lãi" mà phía ngân hàng đưa ra để cho vay rõ ràng là một cách "gây khó”.

DN lữ hành với sản phẩm là tour du lịch, không có tài sản đảm bảo nên hiện khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP

DN lữ hành với sản phẩm là tour du lịch, không có tài sản đảm bảo nên hiện khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP

Đồng tình với quan điểm ấy, ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Ảnh Việt Hop on - Hop off Việt Nam bày tỏ: "Không riêng DN du lịch, hiện nay DN ngành nào cũng khát vốn. DN chúng tôi đang cần vay vốn để mua thêm xe buýt hai tầng phục vụ khách du lịch nên đã tiếp cận nhiều ngân hàng thương mại, nhưng không thể tìm được ngân hàng có thể giải ngân vốn. Khó ở chỗ lả các ngân hàng yêu cầu DN phải có lãi trong 2-3 năm qua, nhưng thời gian ấy dịch Covid-19 hoành hành, DN phải ngừng hoạt động thì lấy đâu ra lãi. Lãi suất của ngành ngân hàng hiện nay khá cao, ngân hàng nào có lãi suất tốt thì nói đã hết room (hết hạn mức tăng trưởng tín dụng) nên không thể cho vay. Do đó, Nhà nước cần có chính sách thoáng hơn giúp DN tiếp cận vốn tín dụng để phục hồi kinh doanh".

Theo chia sẻ của ông Bùi Thế Duy - Giám đốc Điều hành Công ty Lửa Việt Tours, thời gian qua, ngân hàng thường giải ngân trễ hơn so với cam kết trong hợp đồng tín dụng. Trong khi đó, DN lữ hành phải trả đúng hẹn các khoản mua vé máy bay, khách sạn, nhà hàng để khởi hành tour. Thậm chí, để khôi phục kinh doanh, nhiều chủ DN lữ hành phải dùng tài sản cá nhân để thế chấp vay vốn ngân hàng.

Bà Phạm Phương Anh - Tổng giám đốc Công ty Du lịch Việt cho hay, bà đang vay vài tỷ đồng ở ngân hàng thương mại với lãi suất khoảng 10%/năm. Đây là khoản vay cá nhân nhưng dùng để làm vốn lưu động cho công ty duy trì hoạt động.

Link bài viết

Theo phân tích của ông Trần Lê Bảo Châu, việc dùng tài sản đảm bảo (thường bằng bất động sản) để vay tiền ngân hàng giống như những khoản vay bình thường, thậm chí còn khó hơn, thì không thể gọi là gói chính sách dành cho DN phục hồi kinh doanh.

Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu - Phó giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, ngành du lịch đã có sự phục hồi tốt, tuy nhiên lượng khách nước ngoài đến thành phố chưa thể đạt mức kỳ vọng. Bên cạnh những nguyên nhân chủ quan đến từ tình hình thế giới diễn biến phức tạp, chính sách visa, lạm phát tăng, nguyên nhân chủ quan là DN ngành du lịch gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để tái kinh doanh và phát triển. 

Vì thế, bà Hiếu cho rằng, để chính sách đi vào thực tiễn, các ngân hàng thương mại nên có cơ chế cho vay linh hoạt, đa dạng với từng DN du lịch, đặc biệt là các gói cho vay tín chấp dựa trên thời gian hoạt động có hiệu quả.

Ngân hàng sẽ dựa vào uy tín, thương hiệu DN lữ hành để cho vay

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua gần ba tháng thực hiện Nghị định 31 về hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng đối với DN du lịch, một số ngân hàng đã tích cực thực hiện và đã có kết quả bước đầu. Tuy nhiên, vẫn còn một số ngân hàng chưa ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn nội bộ, chưa tổ chức truyền thông và hướng dẫn đối với đối tượng thụ hưởng chính sách.

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cho hay, các ngân hàng đang triển khai chính sách hỗ trợ DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31 và Thông tư 03 về hỗ trợ lãi suất 2%, trong đó có DN thuộc lĩnh vực du lịch. "Các ngân hàng vẫn thẩm định điều kiện cho vay như bình thường. DN nào đủ tiêu chuẩn và được giải ngân từ ngày 1/1/2022 đến nay đều được giảm 2% lãi vay này", ông Lệnh nói.

Tính tới thời điểm hiện tại, cả nước có 4.086 DN lữ hành nội địa và quốc tế. Đến cuối tháng 5/2022, các ngân hàng thương mại chỉ mới cho vay hỗ trợ 852 DN du lịch với số tiền 18.822 tỷ đồng.

Chia sẻ sâu hơn về điều kiện vay vốn của DN lữ hành, ông Nguyễn Hoàng An - Giám đốc Chi nhánh Vietbank Huỳnh Tấn Phát (quận 7, TP.HCM) cho hay, hiện nay Vietbank đã cho một số DN du lịch vay vốn. Tuy nhiên, DN phải đáp ứng được một số yêu cầu, chẳng hạn phải có nguồn vốn hoặc tài sản thế chấp bởi vì ngành du lịch là ngành đặc thù. Các công ty du lịch nguồn tiền ra vào rất nhanh nên chưa thực sự hấp dẫn đối với các ngân hàng. Đối với những DN du lịch vừa và nhỏ có nhu cầu vay vốn cao hiện nay, Vietbank đã xây dựng một số cơ chế đặc thù. Nhưng các DN đó phải đáp ứng được một số điều kiện, cụ thể là về năng lực tài chính và thời gian hoạt động trong những năm trước dịch Covid-19.

Theo ông Trần Hoài Phương - Giám đốc Khối khách hàng DN Ngân hàng Thương mại HDBank, đối với những DN lữ hành nhỏ và vừa, nếu muốn vay vốn khi không có tài sản thế chấp, HDBank sẽ phải gặp trực tiếp các ông bà chủ để nắm nhu cầu. Thường thì DN trong nhóm này ít khi cần vay vốn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách để doanh nghiệp du lịch tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ: Dựa vào thương hiệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO