Các tỉnh thành đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số toàn diện

Minh Hào| 29/04/2022 03:00

Thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế số, các địa phương đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS) toàn diện.

Các tỉnh thành đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số toàn diện

Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy cho biết, kỳ vọng sớm đưa Hà Nam trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước về CĐS trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số - Kinh tế số - Xã hội số. Tỉnh sẽ đẩy mạnh CĐS tổng thể và toàn diện, từ cơ quan nhà nước đến người dân, doanh nghiệp (DN) về phương thức làm việc, phương thức sản xuất và tiêu thụ dựa trên công nghệ số.

Cụ thể, tỉnh Hà Nam sẽ tập trung mọi nguồn lực để phát triển thành phố thông minh và triển khai thí điểm đô thị thông minh hỗ trợ DN và hộ gia đình đưa sản phẩm của Hà Nam ra toàn quốc, hỗ trợ DN trong việc tư vấn CĐS và triển khai các ứng dụng CĐS…

Trong khi đó, theo lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, địa phương này sẽ xây dựng mô hình, giải pháp CĐS tập trung vào các lĩnh vực: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, an sinh xã hội, tài nguyên môi trường và du lịch. Để thực hiện chương trình này, tỉnh sẽ triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu cho lãnh đạo, cán bộ công chức viên chức. Trong đó, chú trọng đội ngũ chuyên trách về công nghệ thông tin, các tổ chức, DN, người dân trên địa bàn tỉnh về CĐS nhằm nâng cao nhận thức cũng như kỹ năng số.

TP.HCM cũng là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện chuyển đổi số. Năm 2022, TP.HCM đặt mục tiêu thực hiện nhanh, hiệu quả việc CĐS, hoàn thiện chính quyền số gắn kết với xây dựng thành phố trở thành thành phố thông minh. 

Chương trình CĐS của TP.HCM được xây dựng và hướng đến việc trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc chính quyền điện tử TP.HCM. Thành phố đặt ra tầm nhìn, mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các DN số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Triển khai chương trình CĐS, cuối tháng 3 vừa qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã đưa vào hoạt động Cổng thông tin CĐS TP.HCM. Phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Võ Thị Trung Trinh cho biết, trọng tâm năm 2022 là tiếp tục triển khai đề án xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh đến năm 2025, chương trình CĐS, phát triển hạ tầng viễn thông và phát triển hạ tầng số, nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giai đoạn 2020-2030... Trong đó, hiện thực hóa các chỉ tiêu mà UBND TP đã đề ra, như: kinh tế số đóng góp 15% GRDP của thành phố, 85% người dân có smartphone, 70% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng. Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống cổng giao tiếp công dân với chính quyền thành phố, hệ thống theo dõi kết quả xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân qua tổng đài 1022...

CDS2-jpeg-8261-1651209578.jpg

Các tỉnh thành trên cả nước đẩy mạnh thực hiện chiến lược CĐS

Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban quốc gia về CĐS ngày 27/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định CĐS quốc gia là một nhiệm vụ rất quan trọng, gắn với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế và Xã hội số. Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm tới công tác CĐS, hướng tới Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, Công dân số. CĐS là một động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, là nền tảng cho một nền kinh tế hiện đại.

Và hiện chiến lược CĐS đang được các địa phương đẩy mạnh thực hiện đồng loạt, toàn diện. Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, đến nay, FPT đã xúc tiến trao đổi cấp cao với lãnh đạo hơn 40 địa phương, ký kết thoả thuận hợp tác CĐS với 18 địa phương. Cùng đó, tập đoàn đào tạo nhận thức CĐS cho hàng vạn cán bộ lãnh đạo các cấp của các địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các tỉnh thành đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi số toàn diện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO