Báo cáo của Viện Năng lượng thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia năng lượng từ Phần Lan nhằm nghiên cứu cách thức các nhà máy điện linh hoạt có thể hỗ trợ hệ thống điện của Việt Nam trong những năm tới. Báo cáo đề cập đến những thách thức hiện tại mà hệ thống điện của Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện cao, tình trạng thiếu điện, tích hợp năng lượng tái tạo, và tiềm năng ứng dụng của các nhà máy điện ICE trong quy hoạch phát triển điện lực của Việt Nam trong tương lai. Báo cáo đánh giá các kịch bản trong các giai đoạn khác nhau: dài hạn (2020–2050), trung hạn (2020–2030) và ngắn hạn (2020–2025).
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, kéo theo tốc độ tăng trưởng nhu cầu năng lượng cao. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng thêm công suất phát điện để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Hiện nay, nhiều dự án nhà máy nhiệt điện lớn được lên kế hoạch đã bị chậm tiến độ đáng kể, do đó, Việt Nam có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu điện trầm trọng trong những năm tới.
Việt Nam đã và đang tận dụng lợi thế của việc giảm giá thành các công nghệ năng lượng tái tạo. Sự gia tăng nhanh chóng tỷ trọng sản xuất điện từ năng lượng mặt trời và gió đã vượt xa mục tiêu đăt ra trong quy hoạch điện lực quốc gia VII. Tuy nhiên, các nguồn phát điện chủ yếu là nguồn nhiệt truyền thống (than và tuabin khí chu trình hỗn hợp), trong khi tiềm năng về các nhà máy thủy điện lớn đã đạt đến giới hạn. Rõ ràng hệ thống điện hiện nay sẽ gặp khó khăn trong việc tích hợp những nhà máy điện tái tạo này vào hệ thống điện.
Tham gia báo cáo, đại diện Wärtsilä trình bày các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ động cơ đốt trong (ICE) và hệ thống pin tích trữ năng lượng đã báo cáo trình bày của về cách thức các giải pháp năng lượng linh hoạt dựa trên công nghệ ICE có thể hỗ trợ hệ thống cung cấp điện của Việt Nam. Ông Phạm Minh Thành- Giám đốc Quốc gia tại Việt Nam của Wärtsilä cho biết: “Các nhà máy điện động cơ ICE của Wärtsilä được thiết kế theo mô-đun và có thể được xây dựng nhanh chóng (trong vòng 12 tháng) để cung cấp nguồn điện cần thiết một cách nhanh chóng. Đồng thời, những nhà máy này được biết đến rộng rãi với độ linh hoạt cao khi có thể hoà lưới trong vòng chưa đầy 30 giây kể từ khi khởi động và có thể đạt đầy tải trong vòng chưa đầy 2 phút. Cùng với hệ thống pin tích trữ năng lượng, các nhà máy điện ICE có thể giúp cân bằng nguồn năng lượng tái tạo, duy trì độ ổn định và độ tin cậy cũng như tối ưu hóa hệ thống điện.
Trong giai đoạn ngắn hạn, các nhà máy điện ICE có thể giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng một cách hiệu quả, và về lâu dài các nhà máy này có thể cung cấp nguồn dự trữ và cân bằng năng lượng tái tạo cho hệ thống điện, hướng quá trình chuyển đổi tới một tương lai có tỉ trọng năng lượng tái tạo cao.