Theo ông Hứa Quốc Hưng - Trưởng Ban quản lý các KCX và KCN TP.HCM, sau 30 năm phát triển, đến nay TP.HCM có 3 KCX và 14 KCN với tổng diện tích 3.811,71 ha, đạt 64% diện tích quy hoạch của 23 KCX, KCN Thành phố, tỷ lệ lấp đầy đạt 77%. Các KCX, KCN Thành phố đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của Thành phố phát triển theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.
Cụ thể, lũy kế đến tháng 9/2022, các KCX, KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 45%. Bình quân hàng năm các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của Thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Giá trị xuất khẩu trung bình hàng năm của KCX, KCN đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; trung bình hàng năm nộp ngân sách Nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô).
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển các KCX, KCN của TP.HCM là cơ chế quản lý “một cửa, tại chỗ”.
Tuy nhiên thời gian qua, KCX và KCN cũng bộc lộ một số hạn chế như chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào KCX, KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; hiệu quả sử dụng đất chưa cao; mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới, các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Việc liên kết, hợp tác trong KCX, KCN, giữa các KCX, KCN với nhau và giữa KCX, KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp.
Hạ tầng phục vụ KCN thiếu đồng bộ, thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa; hạ tầng phục vụ KCN còn thiếu đồng bộ; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư; mô hình quản lý theo cơ chế “một cửa, tại chỗ” còn nhiều bất cập, quy định về KCX, KCN chỉ chịu sự điều chỉnh ở cấp Nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp Luật. Các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành không thống nhất với quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý quy định tại Nghị định quy định về KCN, Khu Kinh tế.
Các KCX, KCN TP.HCM đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,33 tỷ USD |
Nhiệm vụ của các KCX, KCN Thành phố từ nay đến năm 2025 (có tính đến năm 2030) là phải từng bước chuyển đổi các KCX, KCN theo hướng KCN sinh thái, KCN công nghệ cao thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường. Xây dựng các KCN mới theo các mô hình: KCN chuyên ngành, KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN công nghệ cao, KCN - đô thị - dịch vụ gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các KCX, KCN.
Để đạt được những mục tiêu này, cần rất nheiefu giải pháp. Trong đó, viejc tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa cơ chế “một cửa, tại chỗ” để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại KCX, KCN, tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào KCX, KCN đang được Ban quản lý KCX - KCN TP.HCM kiến nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương .
Cùng với đó, tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước đối với KCX, KCN nhằm xây dựng Ban quản lý trở thành một cơ quan “đầu mối, tại chỗ” ở địa phương thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KCX, KCN, nâng cao hiệu quả quản lý các KCX, KCN. Về lâu dài, nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành Luật khu chế xuất, khu công nghiệp và khu kinh tế để thống nhất chính sách, chủ trương, điều hành và quản lý đối với hệ thống các KCX, KCN.