Các chuỗi “chuyển động” thế nào sau đại dịch?

Ngọc Dương| 20/06/2020 06:07

Sau giai đoạn tạm đóng bớt cửa hàng vì đại dịch, các chuỗi cửa hàng lớn âm thầm mở cửa trở lại. Trong khi đó, các chuỗi nhỏ lại thu hẹp quy mô các cửa hàng mới và đẩy mạnh online. Nhưng một số chuỗi mới lại gia nhập thị trường

Các chuỗi “chuyển động” thế nào sau đại dịch?

Lặng lẽ mở cửa lại sau dịch 

Các chuỗi bán lẻ lớn sau đại dịch đã rục rịch mở cửa lại hệ thống nhưng cũng không dám làm rầm rộ. Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cho biết, sẽ mở cửa lặng lẽ để bán. Đồng thời, tìm cách không để khách quá đông vào cửa hàng cùng một lúc. 

Đối với chuỗi Bách hóa Xanh, MWG giữ kế hoạch mở thêm 800-900 cửa hàng trong năm 2020, nâng tổng số cửa hàng lên con số 1.800-1.900. Công ty cũng âm thầm mở thêm 500 cửa hàng bán lẻ đồng hồ trong tháng 5/2020, thời điểm vừa hết giãn cách xã hội, nâng số cửa hàng của hệ thống này lên 2.000. 

Trong tháng 4/2020, MWG đã phải đóng khoảng 600 cửa hàng bán điện thoại và điện máy, ảnh hưởng khoảng 10-15% doanh thu công ty. Trong năm 2020, doanh nghiệp này cho biết do ảnh hưởng từ sức mua giảm nên kế hoạch lợi nhuận cả năm cũng bị kéo lùi 30% so với dự tính, còn khoảng 3.450 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng không ngoại lệ. Hơn 3 tuần giãn cách xã hội trong tháng 4/2020, chuỗi bán lẻ trang sức này phải đóng 300 cửa hàng, chiếm 85% số cửa hàng của hệ thống. Sau khi mở cửa lại vào đầu tháng 5/2020, PNJ đặt mục tiêu mở thêm 31 cửa hàng mới trong cả năm 2020. Chuỗi này cũng đặt mục tiêu lợi nhuận giảm gần 40% so với kế hoạch ban đầu, còn 842 tỷ đồng. 

Đối với các chuỗi thực phẩm tiêu dùng, doanh nghiệp đi từng bước dè dặt. Hiện chuỗi The Coffee House có 154 cửa hàng khắp cả nước. Hầu hết các cửa hàng đã mở lại từ đầu tháng 5/2020, nhưng tại khu vực miền Nam, chuỗi ngưng hoạt động hẳn vài cửa hàng. Chuỗi này đặt kế hoạch mở mới chỉ 40 cửa hàng thay vì con số 100 như trước đó.

Chuỗi bán sữa đậu nành Soya Garden dù không có nhiều cửa hàng nhưng phải đóng cửa đến một nửa. Đến đầu tháng 6/2020, chuỗi Soya Garden chỉ còn 6 cửa hàng tại TP.HCM và 18 cửa hàng tại Hà Nội. Hoạt động tái cấu trúc này hướng đến mục tiêu mở mới 20-25 cửa hàng ki-ốt để bán mang đi và giao hàng trong năm 2020, thay vì phô trương bằng các cửa hàng lớn như trước đây. 

Đi ngược với xu hướng đóng cửa và thay đổi chiến lược kinh doanh, chuỗi café Ông Bầu bắt đầu mở mới từ đầu năm 2020 và có kế hoạch mở rộng nhanh. Tính đến tháng 6/2020, chuỗi này đã có 40 cửa hàng tại khu vực miền Nam và muốn mở khoảng 1.000 cửa hàng trên toàn quốc trong năm nay.

Chuyển hướng kinh doanh

Dù mở cửa trở lại và có kế hoạch mở thêm cửa hàng mới để tăng quy mô, hầu hết các chuỗi đều hướng đến mục tiêu thay đổi trong chiến lược kinh doanh. 

Chẳng hạn, với chuỗi Thế giới di động và điện máy Xanh, MWG thay vì mở thêm cửa hàng thì tập trung cấu trúc lại để chứa được nhiều hàng hơn. Chuỗi Bách hóa Xanh phải mở mới để giải bài toán tăng biên lợi nhuận, thì cũng đi kèm kế hoạch tăng bán trực tuyến bằng dịch vụ đi chợ thay. 

Chuyển dần hệ thống bán hàng lên nền tảng trực tuyến là hướng đi chính đang được các chuỗi lớn triển khai sau dịch. PNJ cho biết đang dần hoàn thiện hệ thống bán hàng đa kênh, trong đó đẩy mạnh bán trực tuyến. Còn Golden Gate Group (doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng SumoBBQ, Kichi Kichi, Vuvuzela…) cũng nhanh chóng xây dựng trang web bán hàng online với hầu hết sản phẩm đã bán tại cửa hàng. 

Trong khi đó, các chuỗi nhỏ đang chuyển hướng sang tái cấu trúc lại các cửa hàng sau dịch. Đại diện chuỗi Soya Garden cho rằng, họ đóng các cửa hàng không hiệu quả bởi chi phí mặt bằng, nhân công và các chi phí khác cao. Thay vào đó, sẽ mở các cửa hàng quy mô nhỏ dưới 20 chỗ và dạng ki-ốt để tập trung nhiều hơn vào hình thức bán mang đi và giao hàng. Sự chuyển đổi về mô hình kinh doanh này có thể là dấu hiệu cho hướng phát triển sau này của các chuỗi khác trong giai đoạn start-up. 

Ông Đỗ Hòa – Giám đốc Công ty tư vấn Tinh hoa Quản trị đánh giá, tinh gọn hóa là xu hướng trước mắt các doanh nghiệp đang triển khai. Trong dài hạn, doanh nghiệp phải nhìn vào xu hướng kinh tế chuyển biến ra sao mới có hướng thay đổi phù hợp. Việc mở lại cửa hàng cũng sẽ diễn ra chậm hơn so với tốc độ đóng cửa, khi sức mua đã tăng dần trở lại.

Xu hướng bán online đã có vài năm rồi, tuy nhiên một số doanh nghiệp chưa đẩy mạnh đầu tư vì thói quen tiêu dùng thay đổi chậm. Sau đợt dịch vừa qua, nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh bán hàng trực tuyến. Đây có thể là xu hướng bắt buộc và phát triển lâu dài trong thời gian tới. 

Còn theo ông Mã Thanh Danh – Chủ tịch Công ty Tư vấn Đầu tư Quốc tế CIB, việc chuyển đổi mô hình như chuyển sang cửa hàng nhỏ hơn hoặc tăng bán trực tuyến phụ thuộc vào bối cảnh thị trường. Hiện tại, xu hướng thu hẹp và chú trọng đến tính hiệu quả là đúng. Theo nghiên cứu của Neilson, số đơn hàng mua trực tuyến đã tăng 63% trong giai đoạn dịch. 

1-Soya-6160-1592644024.jpg

Chuỗi Soya Garden sẽ mở các cửa hàng quy mô nhỏ dưới 20 chỗ 

Tuy nhiên, chuyển đổi mô hình có phải là xu hướng dài hạn không thì chưa chắc. Với doanh nghiệp mới, nếu kinh tế tốt lên thì họ có thể mở rộng nhanh. Nhưng các doanh nghiệp đã có thương hiệu ổn định rồi thì họ chỉ duy trì một số cửa hàng lớn nổi bật có tính đại diện. 

Riêng trường hợp các thương hiệu mới gia nhập thị trường, ông Danh lưu ý, hướng đi có thể khác, chẳng hạn như thương hiệu lẩu Hai Di Lao của Trung Quốc. Họ không bán trực tuyến mà yêu cầu khách hàng đến cửa hàng xếp hàng tại chỗ, đi kèm các dịch vụ cho khách hàng chờ (đánh giày, trang điểm, khu vui chơi trẻ em…). 

Như vậy, họ đang chọn cách làm ngược lại xu hướng chung. Thời điểm này là cơ hội để họ lấy được các mặt bằng lớn có giá tốt và mở rộng hệ thống. “Nếu có năng lực và chất lượng, họ vẫn có cơ hội thành công vì khách hàng chấp nhận dịch vụ khác biệt và sẵn sàng trả giá cao hơn các sản phẩm cùng loại”, ông Danh phân tích. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Các chuỗi “chuyển động” thế nào sau đại dịch?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO