Hội nghị đối thoại chính sách thuế với doanh nghiệp Hàn Quốc được Bộ Tài chính tổ chức thường niên. Thông qua Hội nghị, những vấn đề vướng mắc về chính sách thuế sẽ được đại diện Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan trả lời trực tiếp. Do đó, hội nghị thu hút khá đông đảo các doanh nghiệp Hàn Quốc đang có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam tham dự.
DN Hàn Quốc và những đóng góp ấn tượng vào kinh tế Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Mạnh - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, sau 27 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đến nay Việt Nam - Hàn Quốc đã có những bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, trong đó về kinh tế phát triển vượt bậc.
DN FDI của Hàn Quốc hiện đang là một trong các thành phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam khi sử dụng khoảng trên 70 vạn lao động và đóng góp khoảng 30% tổng giá trị xuất khẩu Việt Nam. Chính phủ Việt Nam luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính (TTHC), trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các DN, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách Nhà nước (NSNN). Bộ Tài chính cũng đã và đang triển khai trên nhiều mặt công tác: hoàn thiện thể chế, cải cách TTHC, hiện đại hóa tạo thuận lợi cho DN, trong đó có khối các DN Hàn Quốc tại Việt Nam.
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết trong 8 tháng năm 2019, Hàn Quốc đứng thứ hai trong 103 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư 3,48 tỷ USD, chiếm 15,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Theo Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Việt Nam đã từng trải qua ba làn sóng đầu tư của các nhà đầu tư Hàn Quốc. Tiên phong chính là các tập đoàn xây dựng như Posco và Daewoo. Sau đó, các nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực quần áo và dệt may đã đến Việt Nam trong làn sóng thứ hai. Và trong làn sóng thứ ba, Việt Nam đón nhận dòng vốn đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực điện tử và hàng tiêu dùng với sự hiện diện tiêu biểu của Samsung - DN đóng góp một phần tư tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2018.
Lĩnh vực thuế: Tạo điều kiện cho DN hưởng đầy đủ chính sách ưu đãi
Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, hiện nay, Bộ Tài chính đã và đang tiếp tục cải cách mạnh mẽ trên nhiều mặt sâu, rộng như: xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính; hiện đại hóa hệ thống thuế, hải quan: triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư sản xuất kinh doanh hưởng thụ đầy đủ các chính sách ưu đãi về thuế, Hải quan.
Cụ thể, ngành thuế đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả Luật Quản lý thuế năm 2019 vừa được Quốc hội thông quan tháng 6/2019, thực hiện kê khai thuế qua mạng đạt 99,7% số doanh nghiệp thuộc diện quản lý thuế, thực hiện triển khai khai thuế điện tử (E-Tax) tại tất cả giai đoạn, từ đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế, phí liên quan đất đai, đến hộ cá nhân điện tử...
“Với tinh thần cởi mở, thẳng thắn, cầu thị, trách nhiệm làm cho chính sách thuế, Hải quan, các thủ tục hành chính ngày càng tiệm cận gần, sát hơn với cuộc sống, Bộ Tài chính sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận các thông tin về tình hình thực hiện các chính sách, kịp thời giải đáp những vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và thủ tục hành chính theo thẩm quyền. Đồng thời, tiếp nhận ý kiến, kiến nghị và đề xuất để xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về thuế, Hải quan, góp phần tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển bền vững, thúc đẩy môi trường đầu tư lành mạnh, bền vững tại Việt Nam”, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế khẳng định.
Đại diện Tổng cục Thuế khẳng định, nếu doanh nghiệp còn có vấn đề chưa được rõ, đề nghị các doanh nghiệp có thể trực tiếp hoặc thông qua kênh của Đại sứ quán, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KCCI), hoặc Hiệp hội các doanh nghiệp Hàn Quốc (Korcham) tập hợp và gửi đến Vụ Chính sách thuế - Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan để được giải đáp kịp thời, hoặc liên hệ với cơ quan thuế, Hải quan trực tiếp quản lý để được hướng dẫn.
Tổng cục Hải quan cam kết sát cánh cùng cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc
Trước khi Hội nghị đối thoại với DN Hàn Quốc năm 2019 diễn ra, Tổng cục Hải quan đã nhận được 23 vướng mắc (trong đó bao gồm một số câu hỏi nhỏ) của một số DN và Cơ quan xúc tiền đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA)... Nội dung câu hỏi liên quan đến vướng mắc về thuế XNK, quy trình thủ tục hải quan, cấp C/O… Để tạo điều kiện tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của DN Hàn Quốc được thuận lợi, Tổng cục Hải quan đã gấp rút nghiên cứu, trả lời.
Cùng với đó, ngành Hải quan cũng đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa hầu hết các thủ tục Hải quan; triển khai Hải quan điện tử, hệ thống Hải quan điện tử đã được triển khai tại 100% đơn vị Hải quan trên toàn quốc... Hệ thống Hải quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, điện tử hóa các khâu thủ tục; giảm bớt thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa.
Đại diện lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, ngành Hải quan đã và đang không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi, phục vụ người dân, DN ngày càng tốt hơn. Trong đó, cơ quan Hải quan sẽ tiếp tục lắng nghe tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN Hàn Quốc và các cơ quan hữu quan để tham mưu cho Chính phủ, Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành nhằm hoàn thiện và đưa vào thực hiện các văn bản pháp luật về thủ tục hải quan theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại. Đồng thời, cơ quan Hải quan sẽ xây dựng và ban hành các quy trình nghiệp vụ hải quan để phù hợp quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng minh bạch, cụ thể hóa trách nhiệm của công chức hải quan và phía DN cũng có thể giám sát được việc làm của công chức hải quan khi thực hiện nhiệm vụ.
Đặc biệt, cơ quan Hải quan sẽ tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác giữa cơ quan Hải quan với DN, thay đổi từ tư duy cơ quan Hải quan là người quản lý còn DN là người bị quản lý sang tư duy hải quan - DN cùng hợp tác để thực hiện tốt các quy định về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hải quan.
Tại Hội nghị, ông Jeong Woo Jin - đại diện Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam chia sẻ, trong bối cảnh hoạt động sản xuất kinh doanh được toàn cầu hoá, chính sách thuế của các nước luôn là yếu tố được cân nhắc hàng đầu khi quyết định đầu tư kinh doanh vào quốc gia nào đó bởi các vấn đề liên quan đến thuế, hải quan thường khá phức tạp, có tác động lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Xét đến quy mô đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc hay kim ngạch thương mại giữa hai nước có thể thấy Hội nghị đối thoại này có ý nghĩa quan trọng với thời gian trước và cả sau này”, ông Jeong Woo Jin khẳng định.
Ghi nhận tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam chia sẻ, với các chính sách mới về thuế, về Hải quan được tóm lược tại Hội nghị này, các doanh nghiệp có điều kiện lắng nghe, tổng hợp để hiểu sâu hơn, giúp ích không nhỏ cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Hội nghị với nội dung tương tự sẽ được tổ chức tại TPHCM vào ngày 27/9/2019.