Tại phiên họp thứ 38 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hôm 11/5 vừa qua, các đại biểu đã đề cập đến vấn đề nóng hiện nay là nông sản Việt Nam đang đối diện với quá nhiều thách thức.
Trước đó, vấn đề tìm đầu ra cho khoảng 200.000 tấn vải thiều Lục Ngạn niên vụ 2015 vẫn đang được Bộ Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNN) cùng các địa phương tìm cách tiêu thụ sao cho có lợi nhất.
Trong cuộc họp Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với "những khó khăn vô cùng lớn", đặc biệt vào thời điểm Ấn Độ, Pakistan xuất khẩu gạo, trong khi Trung Quốc dư thừa lương thực.
Khó khăn trong việc tìm đầu ra khiến nhiều địa phương diễn ra tình cảnh dưa hấu, hành tím rớt giá, người dân đổ bỏ, khiến bà con trong nước xót thương phải "tiêu thụ bằng cả tấm lòng".
Theo Bộ NN&PTNN, trong 4 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm (ngoại trừ hạt điều), nhất là gạo và cà phê.
Đối với xuất khẩu gạo, từ nửa cuối tháng 4 đến nay, Trung Quốc áp dụng chính sách cấm biên (không cho nhập khẩu bằng đường tiểu ngạch). Trong khi đó, Trung Quốc vẫn tăng cường mua gạo từ Campuchia với khối lượng trên 66.000 tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lũy kế xuất khẩu gạo đến cuối tháng 4/2015, Việt Nam tạm đứng thứ 4, với sản lượng 1,7 triệu tấn, sau Thái Lan, An Độ và Pakistan.
Một trong những nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang một số thị trường chính sụt giảm mạnh so với cùng kỳ 2014 là do nguồn cung dồi dào từ nhiều nước, tạo sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường.
Liên quan đến những khó khăn của lĩnh vực nông sản những tháng đầu năm, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, trong khi các nước đang tái cấu trúc ngành theo hướng nâng cao chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn thì Việt Nam chuyển biến chậm nên phải đối mặt với cuộc chạy đua này.
Do đó, để tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản về dài hạn, cần phải có sự cải tổ mạnh mẽ, có sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhà nông, nhằm tạo ra những vùng sản xuất tập trung, sản phẩm cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu.
Để tránh lặp lại tình trạng "được mùa mất giá” như thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cho biết, trong việc đàm phán các hiệp định thương mại tự do như Hiệp định TPP, FTA với EU, Bộ sẽ tính toán một cách cụ thể để đảm bảo hiệu quả cao nhất trong việc tận dụng ưu thế của các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong quá trình mở cửa thị trường.
Đối với thị trường trong nước, việc kết nối cung - cầu cũng như khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn để vừa thúc đẩy sản xuất, vừa phát triển hỗ trợ và phát triển thị trường sẽ được liên bộ đẩy mạnh.
>Nông nghiệp Việt Nam "khát" nhân lực
>Việt Nam, Indonesia, Philippines hợp tác phát triển nông nghiệp
>Những tín hiệu vui cho thị trường nông nghiệp
>TP.HCM đầu tư Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đón đầu tư nước ngoài