Chỉ tính riêng trong tháng 2/2022, Bình Thuận đón gần 340.000 lượt khách du lịch, tăng 25,38% so với tháng trước và 12,92% so với cùng kỳ năm 2021. Doanh thu từ hoạt động du lịch trong tháng 2/2022 ước đạt 296 tỷ đồng, tăng 25,46% so với tháng trước; lũy kế hai tháng đầu năm đạt trên 531 tỷ đồng. Riêng khách quốc tế (chủ yếu là các chuyên gia và người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam) trong tháng 2 đạt 5.200 lượt, nâng số khách quốc tế đến Bình Thuận trong hai tháng đầu năm lên trên 10.000 lượt khách.
Nhằm khẳng định vị thế và định hướng phát triển du lịch của tỉnh, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo tinh thần của nghị quyết này, Bình Thuận xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy tỉnh ưu tiên phát triển du lịch chuyên nghiệp, bền vững, an toàn, gắn với bảo vệ môi trường; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc. Phấn đấu đến năm 2025, ngành du lịch Bình Thuận đón 8,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế chiếm 10-12%, doanh thu đạt 23.300 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2021-2025 từ 18-25%/năm, đóng góp từ 10-11% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, phấn đấu đón 16 triệu lượt khách, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 63.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân từ 20-22%/năm trong giai đoạn 2026-2030.
Để đạt được mục tiêu trên, Bình Thuận đã và đang rà soát, điều chỉnh quy hoạch du lịch tích hợp trong quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; định hình lại không gian phát triển du lịch ở một số khu vực ven biển và các khu vực tiềm năng để thu hút đầu tư các dự án khu du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí... cao cấp. Phối hợp với các ngành trung ương khẩn trương hoàn thành tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam (phía Đông, đoạn đi qua địa bàn tỉnh), cảng hàng không Phan Thiết; nâng cấp, mở rộng quốc lộ 28B; hoàn thành các trục đường ven biển và tuyến kết nối đường ven biển với quốc lộ 1A...
Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, Bình Thuận định hướng thu hút đầu tư và phát triển đa dạng với các loại hình du lịch biển, thể thao, giải trí; du lịch văn hóa; du lịch điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe; du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái rừng - biển - đồi cát, du lịch cộng đồng... Xây dựng chiến lược định vị thương hiệu du lịch Bình Thuận, xây dựng khu du lịch Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.