Từ sau đại hội cổ đông 2012, khi Lotte đặt vấn đến đổi tên Công ty Bibica thành Bibica-Lotte, mọi người lo ngại đến việc thương hiệu bánh kẹo đứng thứ hai thị trường sẽ rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Mới đây, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) gia tăng cổ phần lên gần 30% tại Bibica, cho thấy "cuộc đấu" giữ tên Bibica đã phần nào lạc quan hơn.
Liên tiếp cả tuần qua, khi đại hội đồng cổ đông thường niên 2013 của Công ty CP Bibica chuẩn bị diễn ra thì "cuộc chiến" Lotte-Bibica lại "dậy sóng".
>>Giữ được tên, Bibica vẫn khó tránh bị thôn tính |
Câu chuyện này đang xoay theo hướng có lợi cho doanh nghiệp (DN) trong nước khi SSI công khai sở hữu gần 30% cổ phần tại Bibica (HOSE: BBC).
Trong đó, Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) nắm 2,983 triệu cổ phần của BBC, tương đương 19,35% vốn của BBC.
Một DN khác liên quan đến SSI là Công ty CP Đầu tư Bất động sản SSI cũng đã mua vào 339.820 cổ phiếu BBC, nâng tỷ lệ nắm giữ từ 765.410 cổ phiếu (4,96% vốn của BBC) lên 1.105.220 cổ phiếu (chiếm 7,17% vốn của BBC).
Việc gia tăng tỷ lệ nắm giữ của nhóm cổ đông SSI đang trợ lực cho Bibica giữ thế cân bằng với nhà đầu tư ngoại.
Ông Trương Phú Chiến, Tổng giám đốc Công ty CP Bibica, cho rằng, khi đã có một cổ đông lớn như SSI thì sự hợp tác giữa hai bên (Lotte và Bibica) sẽ rõ ràng hơn.
Và với chính sách đầu tư vào DN sản xuất, SSI trở thành một cổ đông lớn, định hướng cùng với Lotte xây dựng Bibica phát triển, tạo thế cân bằng và giữ được quyền lợi ngang nhau, giữa hai bên.
Theo phân tích của một cổ đông lớn của Bibica, với vai trò là cổ đông chiến lược, SSI sẽ giúp cho cổ đông người Việt yên tâm hơn rất nhiều.
Trước đây, việc gìn giữ thương hiệu Bibica phần lớn từ sự vận động của công ty và sự tự nhận thức của các cổ đông phía Việt Nam (như đại hội năm 2012).
Trong khi cổ đông Lotte tập trung về một mối thì cổ đông của Bibica phân tán, manh mún. Trong số lượng cổ đông Việt Nam lên đến hàng ngàn người trước đây, chiếm 60% cổ phần Công ty nhưng đa số là cổ đông nhỏ nên khó tham gia lãnh đạo Công ty.
Nhưng nay, đã có cổ đông nổi trội với gần 30% từ phía Việt Nam thì việc bảo vệ thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của Bibica sẽ chắc chắn hơn. Và như vậy, việc hợp tác này mới trở thành thật sự và ý đồ thâu tóm của Lotte khó thực hiện được.
Bài học quá đắt
Dù đã có "lối ra" trong tương lai nhưng bài học thất bại trong việc hợp tác của Bibica là không ít. Ông Chiến thừa nhận sai lầm của mình và đang tìm mọi cách để khắc phục.
"Nhìn lại kết quả hợp tác với Lotte sau 5 năm, tôi thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm mình đã mắc phải. Những kỳ vọng về sự hợp tác toàn diện giữa Bibica - Lotte không diễn ra như mong muốn, nếu không muốn nói là ngược lại với mục đích ban đầu", ông Chiến trải lòng.
Theo ông Chiến, khi mời Lotte làm đối tác, Bibica mong muốn có sự hợp tác toàn diện giữa Bibica - Lotte, từ quản lý, công nghệ đến kỹ thuật, xuất nhập khẩu... Thế nhưng, 5 năm qua, Lotte luôn thể hiện quan điểm muốn biến Bibica thành công ty con của họ.
Từng bước công việc Lotte thực hiện tại Bibica cho thấy họ muốn khai thác Bibica thành đơn vị sản xuất, gia công để phát triển thương hiệu Lotte tại Việt Nam.
Điều này thể hiện rõ khi Bibica đầu tư dây chuyền thiết bị Lotte pie, nhưng không được phép khai thác sản phẩm mình mong muốn, chỉ sản xuất sản phẩm của Lotte, đồng thời không tác động được yếu tố đầu vào, cũng không thể đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao năng suất dây chuyền.
Do đó, tỷ lệ vận hành dây chuyền rất thấp (dưới 20% năng suất). Trong khi đầu tư của Bibica cho dây chuyền này là 220 tỷ đồng nhưng doanh số đóng góp hằng năm chưa đến 100 tỷ đồng.
Để tận dụng hết công suất dây chuyền, Bibica đã nhiều lần đề nghị đưa vào sản xuất những nhóm sản phẩm khác nhưng Lotte vẫn từ chối vì họ muốn Bibica chỉ phát triển nhãn hàng Lotte pie. Dự án Hưng Yên cũng thế.
Hiện mọi thứ đang dậm chân tại chỗ vì Bibica muốn sản xuất theo nhu cầu thị trường còn Lotte lại áp đặt sản xuất sản phẩm của họ. Tất cả là do Lotte có cổ phần áp đảo tại Bibica.
Chia sẻ về tương lai, ông Chiến cho biết, Bibica đang có nhiều kế hoạch trong sản xuất kinh doanh. Vào tháng 10 tới, khi thời hạn hợp tác chuyển giao công nghệ dây chuyền sản xuất Lotte pie từ Lotte đã hết, Bibica sẽ không tái ký hợp đồng với Lotte.
Thay vào đó, Bibica sẽ sản xuất nhiều sản phẩm mới theo yêu cầu thị trường. Ông Chiến tự tin, khi hết hợp đồng Bibica sẽ xây dựng một nhãn hiệu Lotte pie (hoặc có thể đổi tên) có mức doanh thu 200 - 300 tỷ đồng/năm.
Điều này sẽ không là quá khó với Bibica vì Công ty đã có kinh nghiệm và cách làm. "Có thể Công ty không đủ nguồn lực tài chính làm "bùng phát" trong 1, 2 năm nhưng chúng tôi tin trong vòng 3 năm sẽ có nhãn hiệu Lotte pie cho riêng mình. Vấn đề là có sự hợp lực từ các cổ đông trong nước", ông Chiến nói.