Gầy dựng thương hiệu Trà thảo dược Tâm Lan ở tuổi 60, bà Võ Thị Lấn đã phải vượt qua không ít thử thách, thị phi, thậm chí có lúc nghiệt ngã đến mức tưởng phải bỏ cuộc.
Vậy mà chỉ sau 6 năm, Trà Tâm Lan đã được người tiêu dùng bình chọn là "Hàng Việt Nam chất lượng cao", được Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm công nhận là sản phẩm an toàn - chất lượng - hiệu quả, đạt danh hiệu Doanh nghiệp Việt Nam Vàng, cúp vàng sản phẩm nông nghiệp, huy chương vàng Hàng Việt Nam chất lượng cao... Cá nhân bà Võ Thị Lấn được tôn vinh với danh hiệu "Nữ doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2013 - Cúp Bông hồng vàng".
Bà Võ Thị Lấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Trà Tâm Lan - Ảnh: Quý Hòa * Với rất nhiều sự ngăn cản và áp lực thị phi, động lực nào khiến bà kiên định với con đường đã chọn và vững tâm vượt qua thử thách?
- Khi biết tôi có ý định kinh doanh trà thảo dược, hầu hết bạn bè, người thân đều ngăn cản, thậm chí có người còn nói tôi bị hoang tưởng. Ngay cả mười đứa con tôi không những không ủng hộ mà còn giấu dụng cụ làm trà, nhổ cả cây dược liệu để tôi từ bỏ ý định.
Chúng nói: "Sản phẩm mẹ làm nhỏ bé, lại ở tỉnh lẻ, mẹ cũng đã ở tuổi 60, làm sao đủ sức cạnh tranh với thị trường?".
Lúc đó, động lực duy nhất để tôi thực hiện ý định là niềm tin. Tôi nghĩ sản phẩm của mình được làm bằng những thảo dược đã được khoa học chứng minh công dụng thì không có lý do gì phải lo ngại về chất lượng.
Bản thân tôi suốt một thời gian dài bị đủ thứ bệnh, nào là máu cao, men gan cao, rồi thấp khớp, mỡ máu..., đi bệnh viện, dùng không biết bao nhiêu loại thuốc mà cũng không chữa dứt được, rồi bệnh này lại sinh thêm bệnh khác...
Nhớ lại bài thuốc cây cỏ ngày xưa của ba tôi, tôi đi tìm các loại thảo dược như kim ngân hoa, lược vàng, hoàn ngọc, cúc hoa... đem về sắc uống. Các loại cây này có tác dụng mát gan, thanh nhiệt, giải độc cơ thể, hỗ trợ điều trị các bệnh ung thư, kháng viêm nên sau một thời gian, cơ thể tôi được giải độc, hết bệnh, thế nên tôi muốn phổ biến rộng rãi các loại thảo dược này cho nhiều người biết để nâng cao sức khỏe.
Hơn nữa, khi làm sản phẩm để đưa ra thị trường, tôi chỉ nghĩ ai mua thì bán, ai khó thì cho chứ không đặt nặng chuyện kinh doanh, vì vậy tôi không cảm thấy áp lực hay lo lắng gì cả. Thậm chí khi mới ra sản phẩm, một mình tôi chở hàng đi phát tặng và kiêm luôn giao hàng theo đơn đặt hàng, tuy cực nhưng vẫn thấy vui.
Tuy nhiên, khi sản phẩm được nhiều người biết đến, người này mách người kia kéo đến mua thì cũng là lúc tôi gặp phải không ít rắc rối, kể cả tai tiếng thị phi vì sự cạnh tranh không lành mạnh. Người ta bảo tôi bán "thần dược" giả cho người dân để trục lợi.
Tuy biết mình làm đúng, sản phẩm đảm bảo chất lượng nhưng hằng ngày phải đối mặt với sự gièm pha, thị phi, rồi cơ quan chức năng lui tới kiểm tra, một ngày có đến vài bài báo đăng tải thông tin theo hướng một chiều, tôi mới ngộ ra sự khắc nghiệt của thương trường, hiểu được sự lo lắng của các con.
Mặc dù tinh thần mệt mỏi, nhiều đêm thức trắng, băn khoăn không biết nếu tình trạng này cứ tiếp diễn thì liệu mình có trụ nổi không, nhưng rồi lại tự động viên, tiếp sức cho mình bằng những suy nghĩ tích cực: Đây là con đường mình tự chọn, đã tin vào bản thân và lao vào "chiến trường" thì khi gặp "đạn pháo" mình phải vững tâm và rèn nghị lực để tiến lên phía trước, để đảm bảo sự sống còn của bản thân, của thương hiệu và uy tín. Nhất định không thể đầu hàng, không thể gục ngã.
* Qua những thử thách ấy, bà có ngẫm ra được điều gì cho việc kinh doanh không, thưa bà?
- Trước nay ai cũng cho rằng cạnh tranh lành mạnh mới tốt, nhưng ngẫm lại tôi thấy cạnh tranh không lành mạnh cũng có cái hay. Nếu như Tâm Lan được cạnh tranh lành mạnh, chưa chắc chúng tôi đã có được động lực để hoàn thiện sản phẩm từ chất lượng đến mẫu mã bao bì, dịch vụ và phân phối; chưa chắc đã có vùng nguyên liệu sạch theo tiêu chuẩn VietGap và nhà máy cũng chưa chắc nhanh chóng được hoàn thiện, đầu tư đúng chuẩn công nghệ tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại như bây giờ.
Đặc biệt, cũng nhờ bị cạnh tranh mà thương hiệu Tâm Lan nhanh chóng được nhiều người biết đến, nhất là khi trà Tâm Lan được minh oan, được đoàn thanh tra kết luận là đảm bảo các yếu tố về an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại hiệu quả thật sự.
Cũng vì bị cạnh tranh không lành mạnh, thấy mẹ cực khổ trong lúc thị trường ngày càng mở rộng nên các con tôi không còn phản đối mà chung tay cùng mẹ gây dựng sự nghiệp. Đứa làm luật sư, đứa làm xuất nhập khẩu đều nghỉ việc để về làm với mẹ, mỗi đứa gánh vác một việc.
Để hoàn thiện sản phẩm, tôi đã cùng con gái sang Hàn Quốc tham quan, học tập kinh nghiệm của các công ty hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm chức năng. Sau chuyến tham quan, tôi quyết định đầu tư 10 tỷ đồng nhập khẩu dây chuyền sản xuất tự động, khép kín của Hàn Quốc với công suất 200.000 sản phẩm/tháng.
Hiện nay trà túi lọc Tâm Lan có mặt ở khắp 63 tỉnh, thành với 500 đại lý và xuất khẩu sang Mỹ, Úc, Pháp, Đức, Bỉ... Tháng 8/2013 vừa qua, Công ty đã khai trương chi nhánh tại Thủ đô Phnom Penh (Campuchia), một thị trường nhiều tiềm năng và bước đầu đã có những tín hiệu tốt.
Qua thử thách cạnh tranh, tôi cũng ngẫm ra một điều: Làm kinh doanh cần nhất là phải có chữ tâm và sự tỉnh táo, tinh thần vững vàng. Chữ tâm là để mình tin vào sản phẩm, vào con đường mình đang đi là đúng. Còn tỉnh táo để có sự đối phó, ứng xử phù hợp.
Chẳng hạn, khi các báo đăng tải những thông tin một chiều, tôi quyết định phải đến gặp ban biên tập và trực tiếp gặp tác giả những bài báo để giải trình, nói cho họ hiểu những việc mình đang làm, giải tỏa những hiểu lầm.
Bằng sự chân thành, có sao nói vậy và đưa ra bằng chứng thuyết phục, tôi đã được lắng nghe và ủng hộ. Đúng như ông bà đã nói: "Lửa thử vàng, gian nan thử sức", nếu như gặp khó khăn, áp lực mà tôi chùn bước, buông bỏ con đường đã chọn thì Tâm Lan sẽ không có được ngày hôm nay.
* Không bằng cấp dược sĩ, cũng không phải kỹ sư nông nghiệp, làm thế nào bà tìm tòi được công thức phối trộn dược liệu để có sản phẩm tốt cũng như áp dụng đúng chuẩn các kỹ thuật trồng trọt, nhất là quy trình khép kín sản xuất theo tiêu chuẩn GAP?
- Sinh ra trong gia đình có cha làm nghề bốc thuốc chữa bệnh nên thuở nhỏ, sau mỗi buổi tan trường tôi lại theo cha vào rừng hái thuốc. Nhờ gắn bó với nghề thuốc từ nhỏ nên tôi thuộc lòng công dụng của nhiều loại thảo dược quý.
Vốn là nông dân, suốt ngày chân lấm tay bùn với ruộng vườn nên việc chăm sóc cây trồng tôi có đủ kinh nghiệm. Bên cạnh kinh nghiệm, để có thêm kỹ thuật và có nhiều sản phẩm tốt, tôi đã tự tìm tòi, học hỏi rất nhiều ở các tài liệu, sách khoa học.
Biết được sản phẩm muốn có chất lượng cao thì phải có nguồn nguyên liệu sạch, ổn định, nên cùng với việc đầu tư nhà xưởng, quy trình sản xuất hiện đại, tôi tìm đến các chuyên gia về nông học như PGS-TS. Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, GS. Võ Tòng Xuân... để nhờ hướng dẫn các bước trong quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn GAP và đã được các chuyên gia hướng dẫn rất tận tình.
* Trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GAP không dễ, vậy bà đã giải quyết trở ngại này như thế nào?
- Vườn dược liệu sạch không được sử dụng thuốc kích thích, thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật và phân bón hóa học nên đây là điều kiện khó nhất trong thực hiện quy trình GAP. Bên cạnh đó, nguồn đất cũng phải chọn lọc, nước tưới phải đạt tiêu chuẩn không bị ô nhiễm hóa chất, rồi nguồn phân bón cũng phải sạch... nên chi phí đầu tư cho quy trình GAP cũng tốn nhiều hơn.
Đơn cử, để có nguồn phân vi sinh, chúng tôi phải mở trang trại nuôi 200 con bò theo mô hình chăn nuôi tự nhiên để lấy phân, nguồn phân này để nuôi giun (trùn) quế. Sau 7 ngày, giun quế sẽ cho ra một loại phân tơi nhuyễn có thể bón ngay cho cây.
Quy trình sản xuất phân vi sinh theo mô hình này vừa tăng thêm độ đạm của phân, vừa rút ngắn thời gian chờ phân hoai so với trước đây rất nhiều, đồng thời đảm bảo có nguồn phân liên tục cho các vườn cây nguyên liệu.
Song, muốn có phân tốt thì thức ăn cho bò cũng phải tự mình cung cấp. Trước đây chúng tôi cho bò ăn cây bắp nhưng do trong họng bắp người ta đặt thuốc diệt sâu, sau khi thu hoạch, lượng thuốc này chưa tiêu hết nên bò ăn bị tiêu ra máu. Vì vậy, tôi phải đầu tư trồng cỏ để cung cấp thức ăn cho bò.
Để có thêm nguồn vốn đầu tư, trả lương cho nhân viên, tôi đã tận dụng chất thải, xác giun quế sau khi xử lý phân để nuôi cá, lươn và nuôi heo trên mặt ao. Nguồn thu từ trang trại bò, từ cá, lươn và heo đủ trả lương cho hơn 40 lao động phụ trách khu vực vườn nguyên liệu này.
* Từng làm nhà phân phối một số sản phẩm chức năng cho một công ty nước ngoài, nhưng sau khi mở thị trường, bà lại bị công ty này cắt hợp đồng, bà rút ra bài học gì từ sau việc hợp tác này?
- Mạng lưới phân phối trà túi lọc Tâm Lan khá rộng nên tôi được một công ty đại diện của Hàn Quốc chọn làm nhà phân phối dầu thông đỏ. Nhờ kết hợp cách khuyến mãi mua dầu thông đỏ tặng hộp trà Tâm Lan nên tôi bán được rất nhiều hàng. Tuy nhiên, công ty đại diện lại cho rằng cách bán hàng của tôi làm họ bị cạnh tranh, không bán được hàng nên cắt hợp đồng phân phối và giữ lại của tôi 408 triệu đồng đến giờ vẫn chưa trả.
Sau đó, tôi cùng con gái qua Hàn Quốc tìm đối tác khác và đặt hàng Công ty Sol Nara - Hàn Quốc sản xuất dầu thông đỏ thương hiệu Tam Lan Pine Needle Oil, nhập khẩu về Việt Nam thông qua Công ty Tam Lan Korea - Hàn Quốc để tiếp tục bán.
Sản phẩm chất lượng tốt, lại không qua các khâu trung gian nên chủ trương của tôi là bán giá thấp hơn các sản phẩm đang có mặt trên thị trường, chỉ cần có một khoản lợi nhuận nhỏ đủ để tái đầu tư, duy trì sản xuất. Vì vậy, dù mang thương hiệu mới nhưng dầu thông đỏ của Tâm Lan được nhiều khách hàng cũ đón nhận.
Song, điều làm tôi vui nhất là các công ty ở Hàn Quốc rất tôn trọng và quý mến Tâm Lan. Mỗi lần tôi qua thăm công ty của họ, đều thấy băng rôn chào mừng rất trân trọng.
Qua việc hợp tác này, tôi rút ra bài học: Trong hợp tác kinh doanh, việc chọn đối tác là rất quan trọng, đồng thời các điều khoản, thỏa thuận khi làm việc cùng nhau cũng phải rõ ràng, không nên cả nể.
Riêng bản thân mình, khi đến với sản phẩm nào, dù là phân phối, nói nôm na là bán hộ sản phẩm cho người khác thì yếu tố đầu tiên là phải yêu quý sản phẩm, hiểu được giá trị của nó và làm việc tận tình thì công sức sẽ được đáp trả xứng đáng.
* Thực phẩm chức năng hiện đang gặp rất nhiều dư luận khác nhau và cũng có ý kiến đánh giá tiêu cực. Kinh doanh trong lĩnh vực này, bà có thấy khó khăn và bị ảnh hưởng không?
- Tôi rất tâm đắc với ý kiến của PGS-TS. Trần Đáng cho rằng trước đây con người đói ăn, thiếu thốn nhưng lại không bị mắc nhiều căn bệnh thời đại như bây giờ.
Đó là do chúng ta thay đổi phương thức làm việc, sinh hoạt và chuyển từ sử dụng thực phẩm thiên nhiên sang thực phẩm công nghiệp, chúng ta ăn uống đầy đủ nhưng đói chất xơ, phải đối mặt với biến đổi khí hậu nên dẫn đến mất cân bằng trong cơ thể.
Vì vậy, việc bổ sung thực phẩm chức năng là giải pháp tối ưu. Với những thực phẩm đảm bảo 100% thiên nhiên, có nguồn gốc sạch, quy trình chế biến đạt chuẩn thì tôi cam đoan có thể tăng cường sức khỏe cho con người và hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh tật.
Tuy nhiên, vẫn có một số thực phẩm chức năng được sản xuất không đúng quy chuẩn, thiếu đạo đức như PGS-TS. Đáng đã cho biết, họ trộn thuốc tây vào sản phẩm, hoặc quảng cáo quá lời như một thần dược...,
Đó là điều khiến những doanh nghiệp sản xuất có tâm huyết và nghiêm túc như chúng tôi thấy bức xúc. Tôi luôn tin vào sản phẩm của mình, thời gian sẽ là câu trả lời cho chất lượng sản phẩm và khẳng định niềm tin của người tiêu dùng.
Dẫu tôi đã 65 tuổi nhưng Tâm Lan là thương hiệu để đời cho con cháu nên tôi nhất định phải làm hết tâm huyết để sản phẩm không chỉ có uy tín mà mỗi khi nhắc đến, người dùng còn có một tình cảm sâu sắc.
Với thực phẩm chức năng mà tôi nhận phân phối, gia công, tôi cũng phải chọn lọc công ty có tên tuổi và quy trình sản xuất đúng tiêu chuẩn quốc tế, điểm quan trọng nhất là tìm những đối tác không quá chạy theo lợi nhuận, cũng phải có tâm như mình.
* Ngoài kinh doanh, bà thường tham gia các hoạt động từ thiện vì cộng đồng như ủng hộ quỹ khuyến học vùng sâu vùng xa, ủng hộ đồng bào bị thiên tai lũ lụt, xây nhà tình nghĩa cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, tặng quà cho các em nhỏ là nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cưu mang 20 em có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, tặng thuốc cho người nghèo... Những việc bà làm là do từ tâm hay còn ý nghĩa nào khác không, thưa bà?
- Cha tôi ngày xưa chuyên bốc thuốc nam chữa bệnh, rất đắt khách nhưng tuyệt đối không thu tiền của người nghèo. Hồi còn nhỏ, tôi muốn có sách vở, áo quần mới như bạn bè nên thấy tiền là mừng lắm. Có lần khách nhận thuốc xong, dúi tiền vào túi tôi. Cha phát hiện và bắt trả lại, tôi phải làm theo nhưng nước mắt ràn rụa.
Có lần tôi vừa khóc vừa nói: "Bút con bị tè ngòi rồi, sao ba không cho con lấy tiền mua bút?". Cha xoa đầu tôi nói: "Ba làm vậy là để đức lại cho con sau này. Để ba mua cho con bút khác". Nhưng rồi cả đêm cha hì hụi ngồi sửa bút chứ không có tiền cho tôi mua bút mới. Lúc đó tôi ấm ức, không hiểu "cái đức" cha nói là gì mà sao lại quý hơn cả những thứ tôi đang cần đến vậy?
Nhưng bây giờ tôi đã hiểu và thầm cám ơn cha. Có lẽ Tâm Lan vững vàng, được nhiều người ủng hộ cũng là nhờ đức của cha. Tôi cũng rút ra một triết lý sống: Ở đời, cho đi quả ngọt thì sẽ được nhận lại trái lành.
Đã gắn nghiệp với cây thuốc thì phải có tâm và biết sẻ chia. Vì vậy, những việc tôi làm là xuất phát từ trái tim, từ sự thấm nhuần cái đức của cha và bản thân tôi cũng đã trải qua nghèo khó nên tôi đồng cảm với những người kém may mắn.
* Là một trong số đại biểu được đại diện các nữ doanh nhân gặp Chủ tịch nước nhân dịp 8/3 vừa qua, bà có đề đạt nguyện vọng gì với Chủ tịch nước không?
- Tôi và các chị em đề đạt rất nhiều nguyện vọng. Ở lĩnh vực nông nghiệp, dược phẩm, chúng tôi kiến nghị với Chủ tịch rằng, Việt Nam có rất nhiều vùng nguyên liệu, cây cỏ dược liệu quý nên chúng tôi muốn Chủ tịch giúp tìm đầu ra cho thị trường để đưa sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam giới thiệu ra thế giới.
Nếu sản phẩm của Việt Nam được thế giới ưa chuộng thì đó cũng là cách động viên, tiếp thêm động lực cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, nâng tầm chất lượng, như vậy người tiêu dùng trong nước vừa có sản phẩm tốt, thương hiệu các sản phẩm của Việt Nam lại được lan tỏa ở nước ngoài.
* Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện này!
>Tỷ phú Việt trên đất Lào
>Sợ nhất là rơi vào tâm trạng chán công việc đang làm
>Cho đi thì sẽ nhận được nhiều hơn thế
>Thực phẩm chức năng: Quảng cáo đưa người dùng vào "mê trận"
>Thực phẩm chức năng: Muôn hình vạn trạng