Cụ thể, khung giá đất cho giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn TP.HCM (TP) về cơ bản sẽ giữ nguyên so với khung giá đất giai đoạn 2016 - 2019. Đây sẽ là căn cứ để UBND TP ban hành quyết định bảng giá đất áp dụng trong 5 năm tới. |
Phát biểu tại kỳ họp bất thường để xem xét tờ trình của UBND TP về hệ số điều chỉnh giá đất và bảng giá đất mới cho 5 năm tiếp theo, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Lệ cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96/NĐ-CP quy định về khung giá đất vào ngày 18/12/2019. Trên cơ sở khung giá đất mà Chính phủ đã ban hành, UBND TP đã xây dựng tờ trình về khung giá đất 2020 – 2024 và tờ trình về hệ số điều chỉnh giá đất để trình HĐND TP cho ý kiến và xem xét thông qua.
Theo đó, HĐND TP sáng 15/1 đã biểu quyết giữ mức giá đất giai đoạn 2020 - 2024 của TP bằng với mức giá đất giai đoạn 2016 - 2019. Đồng nghĩa, giá đất ở đô thị cao nhất tại TP vẫn là 162 triệu đồng/m2, thuộc khu vực các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Hàm Nghi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… Song, trên thực tế, giá thị trường ở các tuyến đường này lên tới khoảng 800 triệu đồng/m2.
Giá đất ở đô thị thấp nhất trên địa bàn TP là 1,5 triệu đồng/m2. Giá đất thương mại dịch vụ bằng 80% giá đất ở liền kề. Giá đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ, đất y tế, đất giáo dục, đất nghĩa trang, nghĩa địa bằng 60% giá đất ở liền kề. Đất trong khu công nghệ cao thì tính theo mặt bằng giá đất ở.
Giá đất cao nhất của loại đất nông nghiệp trồng lúa và cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 205.000đ/m2; loại đất trồng cây lâu năm là 300.000đ/m2. Đặc biệt, đất nông nghiệp trong khu dân cư bằng 150% giá đất nông nghiệp cùng loại trong khu vực.
Theo tờ trình của UBND TP, giá đất ở cao nhất tại các quận khảo sát được là 800 triệu đồng/m2. Giá đất ở cao nhất tại các huyện là 120 triệu đồng/m2 (khu Trung Sơn, huyện Bình Chánh). Những con số này đều thấp hơn giá thị trường giao dịch thực tế.
Link bài viết
So với năm 2015, thời điểm ban hành bảng giá đất giai đoạn 2015 - 2019 thì giá đất hiện nay ở các quận tăng gấp 2 lần, giá đất ở các huyện tăng gấp 3 lần.
Ngoài ra, đất trên gần 400 tuyến đường của 15 quận, huyện sẽ được bổ sung mức giá mới, dựa theo các tuyến đường lân cận có cơ sở hạ tầng, kinh tế, xã hội tương đồng. Thêm vào đó, UBND TP cũng bổ sung hệ số điều chỉnh giá đất của 4 loại chưa có trong bảng giá đất cũ là đất trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (Q.9); đất nghĩa trang; đất giáo dục, y tế và đất tôn giáo.
Sau khi các tờ trình được thông qua, Sở Tài nguyên Môi trường TP tiếp tục hoàn thiện dự thảo quy định về bảng giá các loại đất để UBND TP ban hành, áp dụng cho giai đoạn 2020 - 2024. Theo Trưởng Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND TP Triệu Đỗ Hồng Phước, việc trình HĐND TP thông qua bảng giá đất là thực hiện theo Luật Đất đai. Bảng giá đất TP đảm bảo nằm trong khung giá đất Chính phủ ban hành.
Theo quy định, khi Nhà nước thu hồi đất hoặc tính tiền sử dụng đất của doanh nghiệp làm dự án sẽ được các cơ quan chức năng thẩm định giá đất cho từng trường hợp cụ thể. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được công nhận quyền sử dụng đất, hoặc chuyển mục đích sử dụng đất ngoài hạn mức sẽ phải đóng tiền sử dụng đất theo hệ số điều chỉnh cho UBND TP ban hành hằng năm.
Đồng thời, Luật Đất đai năm 2013 quy định, UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng và trình HĐND cùng cấp thông qua bảng giá đất trước khi ban hành. Bảng giá đất này được xây dựng 5 năm 1 lần và công bố vào ngày 1/1 năm đầu tiên của chu kỳ.
Giải thích về việc không kịp công bố bảng giá đất mới theo luật định, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Nguyễn Toàn Thắng cho biết là do Chính phủ ban hành Nghị định về khung giá đất sau khi kỳ họp thường niên cuối năm của HĐND TP đã kết thúc vào ngày 9/12/2019. Do đó, hầu như toàn bộ các tỉnh, thành không kịp chuẩn bị tờ trình vào kỳ họp HĐND cuối năm nên TP.HCM nói riêng phải tổ chức kỳ họp bất thường để xem xét.
"Đây là lần đầu tiên Nghị định của Chính phủ về khung giá đất cơ bản giữ nguyên khung giá của chu kỳ cũ, việc này giúp giá đất giữ tính đảm bảo và hạn chế biến động bất thường"- ông Thắng nói.
Bảng giá đất sẽ làm căn cứ để tính thuế sử dụng, quản lý đất, xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai và đảm bảo quyền lợi của người dân khi tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước.