* Trải qua hai năm khó khăn do đại dịch Covid-19, bà cùng các cộng sự đã vượt qua ra sao?
- Logistics là lĩnh vực được ưu tiên hoạt động, nên Minh Group chỉ phải ngưng toàn bộ hoạt động. Là người đứng đầu, tôi rất lo lắng nhưng may mắn là anh chị em ở công ty đều đồng lòng, tự nguyện giảm lương. Mọi người xác định đó là hai tháng nghỉ ngơi, chăm lo cho gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn tranh thủ làm việc online với những công việc "bàn giấy". Qua hai tháng cao điểm, sức mua tăng trở lại nên công ty nhanh chóng phục hồi hoạt động.
* Thật may mắn vì mọi thứ đã bình thường trở lại. Thời gian khó khăn mang lại cho Minh Group bài học gì, thưa bà?
- Tương lai là điều khó đoán định. Vì thế, chúng tôi vẫn có sự chuẩn bị trước về cơ chế nhân sự. Nếu có vấn đề đột xuất thì có thể làm việc online, tránh phụ thuộc vào một cá nhân hay bắt buộc phải có mặt ở văn phòng.
* Tại tọa đàm "Khởi nghiệp cùng logistics" năm 2020, TS. Võ Trí Thành cho rằng phụ nữ có nhiều sắc thái xúc cảm hơn đàn ông nên rất hợp với ngành logistics. Bà nghĩ sao về quan điểm đó?
- Nếu bán hàng được xem là "làm dâu trăm họ” thì logistics phải là "làm dâu nghìn họ”. Kinh doanh lĩnh vực này là phải đứng giữa các đại lý nước ngoài, dịch vụ hải quan, khách hàng và cả... tài xế. Phụ nữ có sức chịu đựng tốt, dẻo dai, "lì đòn" (về tâm lý) hơn đàn ông. Đồng thời, phụ nữ lại mềm mỏng nên phù hợp với công việc cần sự linh hoạt, xử lý rất nhiều vấn đề như logistics. Logistics là lĩnh vực rất rộng, tôi chỉ chọn mảng phù hợp để khởi nghiệp.
* Vốn là kế toán của một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, chưa có kinh nghiệm quản lý, khi khởi nghiệp, bà có gặp nhiều khó khăn?
- Tôi mở công ty rất ngẫu hứng, không phải vì muốn làm chủ mà muốn để giữ lại những cộng sự đang làm việc rất ăn ý với mình. Cái khó nhất với tôi lúc đó là tính toán KPI (chỉ số đo lường hiệu quả công việc), lương, thưởng để mọi người vui vẻ mà doanh nghiệp cũng không phải gồng gánh quá sức. Thứ hai là xây dựng quy trình làm việc, do công ty hoạt động khá đa dạng, vừa logistics, xuất nhập khẩu vừa bán buôn, sau đó là bán lẻ và sản xuất nữa. Khi tôi chuyển sang kinh doanh hàng gia dụng kỹ thuật cao của Đức, chưa có nhân sự đủ trình độ hiểu về những thiết bị ấy. Thời gian đầu chưa có kinh nghiệm nên tôi phải trả giá bằng chi phí.
* Đó có phải là một thất bại, thưa bà?
- Những khó khăn tôi gặp không phải là thất bại, mà do thiếu kinh nghiệm. Quan trọng nhất là sau mỗi lần gặp khó, mình rút ra được bài học gì để không gặp lại nó. Đến đầu năm 2021, tôi mới mời được nhân sự có kinh nghiệm, uy tín trên thị trường về quản lý công ty. Tôi nhận ra, để làm bất cứ việc gì, muốn thành công, cái gốc đầu tiên phải là nhân sự. Nếu việc tuyển dụng nhân sự từ đầu sai thì quy trình kinh doanh không thể vận động suôn sẻ, thậm chí chệch hướng. Có những người rất giỏi nhưng không phù hợp với doanh nghiệp của mình. Phải mời được những người giỏi chuyên môn, lại phù hợp môi trường kinh doanh, văn hóa công ty thì doanh nghiệp mới thành công.
* Từng có thời gian ở nhà làm "mẹ bỉm sữa" và bán hàng online trước khi khởi nghiệp, những việc này có hỗ trợ gì cho việc quản trị doanh nghiệp của bà sau này?
- Trước đây tôi nghĩ khi kinh doanh, kiếm được tiền thì có thể để việc chăm sóc con cái cho người giúp việc. Nhưng sau này, tôi nhận ra việc quản trị công ty giống hệt dạy dỗ con cái. Trẻ con rất vô tư, cá tính và hay đặt những câu hỏi mình không bao giờ đoán được. Thế nên, nếu như mình không sắp xếp công việc nhà và dạy dỗ con cái thật tốt thì cũng không thể quản trị doanh nghiệp làm ăn phát đạt được. Khi đặt mình vào vị trí của con trẻ, tôi càng thấu hiểu nhân viên, từ đó đưa ra những quyết định đúng hơn. Với tôi, việc chăm sóc con và quản trị doanh nghiệp song hành nhau. Đó cũng là lợi thế của phụ nữ khi kinh doanh.
Tôi từng kinh qua vị trí kế toán, nhân viên kinh doanh, chăm sóc khách hàng, nhân viên kho... nhờ vậy hiểu được tại sao nhân viên kho lại cáu bẳn hay tài xế nổi xung với khách hàng... từ đó rút kinh nghiệm khi quản lý doanh nghiệp.
* Từng được nhận xét là hay "đi ngược" đám đông, bà nghĩ sao về điều này?
- Đó là vì dù không ít người cho rằng, thiết bị thông minh khó kinh doanh ở Việt Nam. Tôi vẫn quyết định chọn cái khó ấy. Quan điểm của tôi là không cố bán hàng bằng mọi giá hay bán cho khách không cùng phân khúc mà Minh Group hướng đến. Nếu tài chính và yêu cầu của khách hàng không phù hợp, nhân viên của chúng tôi sẽ đưa ra các giải pháp để khách hàng lựa chọn. Khách hàng sau đó có thể mua hàng ở nơi khác, miễn là đến với chúng tôi, họ luôn nhận được sự tư vấn tận tâm, trung thực nhất. Đó là lý do chúng tôi chọn chu đáo - thấu hiểu - đồng hành để làm khẩu hiệu của mình.
Khi bán hàng gia dụng, thay vì mời những người có rất nhiều kinh nghiệm làm việc, tôi lựa chọn đồng hành với những nhân sự mà mình cảm thấy phù hợp nhất về tư duy, góc nhìn và quan điểm làm việc, sẵn sàng bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên cùng với tôi.
Điều giá trị nhất khi chọn "đi ngược đám đông" đó là tôi có những người đồng hành, những cộng sự rất đặc biệt và rất khó để phá vỡ sự kết nối giữa chúng tôi.
* Lý do gì khiến bà lựa chọn kinh doanh sản phẩm gia dụng cao cấp?
- Cái hay khi sử dụng thiết bị gia dụng thông minh là có thể tiết kiệm thời gian nấu nướng, từ đó có thêm thời gian chăm sóc con cái và gia đình. Khi bán cái gì đó, tôi đều phải sử dụng, trải nghiệm trước. Sau này, những sản phẩm tôi kinh doanh đều phải qua phòng kỹ thuật, kết hợp với khách hàng tìm ra ưu, nhược điểm, tức am hiểu sản phẩm rồi mới bán.
Trước đây, tôi mua nồi chiên không dầu về dùng nhưng thấy không hiệu quả. Cho đến khi một khách hàng sử dụng lại khen nồi chiên làm được nhiều món ngon. Tôi ngạc nhiên và thử áp dụng công thức của chị ấy. Sau đó, tôi phát hiện ra nồi chiên tôi mua và bỏ xó ba năm vì nghĩ dùng không tốt, là do mình không có công thức, không được hướng dẫn sử dụng nên không làm được món ăn ngon. Sau khi thay đổi nhận thức, tôi thấy hàng gia dụng, nhất là sản phẩm của châu Âu, quan trọng là phải biết cách sử dụng và tôi phát triển theo "key" này.
* Ở một thị trường sôi động như TP.HCM với rất nhiều công ty kinh doanh hàng nhập khẩu châu Âu, chưa kể các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp của bà có những lợi thế gì để cạnh tranh?
- Lợi thế lớn nhất của chúng tôi là con người. Với các thiết bị lớn, cần lắp đặt và hướng dẫn sử dụng thì các sàn thương mại điện tử không có lợi thế. Thiết bị càng đắt tiền thì đòi hỏi nhân sự có trình độ chuyên môn càng cao để tư vấn cho khách hàng lắp đặt, sử dụng, mà ở Việt Nam không phải đơn vị nào cũng có.
* Theo tiết lộ thì sắp tới, Minh Group sẽ sản xuất và phát triển công nghệ nhà thông minh (smarthome). Cơ sở nào để Minh Group chọn hướng đi này?
- Mỗi thành viên trong ban giám đốc của Minh Group đều có năng lực chuyên môn đặc thù. Giám đốc kỹ thuật của công ty tôi vốn có ưu thế về smarthome, còn tôi có thế mạnh về bán hàng, chăm sóc khách hàng, chúng tôi phối hợp để phát triển sản phẩm. Có thể nói doanh nghiệp của tôi là đơn vị tiên phong cài Home Connect cho những thiết bị gia dụng Đức tại Việt Nam. Thời điểm đó, nhiều người nói app này không dùng được ở Việt Nam, nhưng chúng tôi là đơn vị đầu tiên cài đặt. Và bây giờ, chúng tôi chỉ việc gắn những thiết bị thông minh đơn lẻ vào hệ thống smarthome là dùng tốt.
* Nhìn lại chặng đường phát triển 5 năm qua, bà đã hài lòng với những gì đạt được?
- 5 năm chỉ là chặng đường đầu tiên, chưa có gì lớn lao. Người ta thường nói làm leader (nghĩa chính là lãnh đạo) không cảm thấy điều đó. Ngay từ khi mở doanh nghiệp, tôi đã có những nhân sự gần như tri kỷ, họ hiểu những suy nghĩ, trăn trở của mình. Đó là thành công lớn nhất của tôi.
Minh Group là doanh nghiệp đặc thù tại Việt Nam vừa làm logistics lại bán buôn, bán lẻ, sản xuất và xuất khẩu. Đó là một vòng tròn khép kín. Khi làm logistics, tôi là khách hàng của châu Âu, định hướng sắp tới của tôi là làm sao để châu Âu lại là khách hàng của mình. Đam mê, khao khát lớn nhất của tôi vẫn là xuất khẩu những sản phẩm thể hiện giá trị văn hóa Việt Nam sang các nước châu Âu. Có thể tôi không giỏi mảng đấy nhưng tôi tin mình sẽ tìm được những người đồng hành có chuyên môn để cùng làm.
* Là người điều hành, bà mong muốn đem đến điều gì cho nhân viên?
- Tôi không tạo áp lực cho nhân viên, ngay khi tuyển dụng, tôi đã chọn những người phù hợp với môi trường văn hóa của Minh Group. Tôi mong ai đến công ty là muốn đến để làm việc chứ không phải chỉ để kiếm tiền. Tất nhiên, tôi luôn cố gắng để đảm bảo cho nhân viên mức thu nhập tốt, môi trường làm việc tốt để phát huy hết năng lực, sở trường.
* Nghe nói ở doanh nghiệp của bà, nhân viên được phép sai lầm? Bà có thể cho biết...
- Tôi quan niệm, là chủ doanh nghiệp thì phải chu đáo, thấu hiểu và đồng hành. Không chỉ là thấu hiểu khách hàng mà giữa các nhân sự cũng phải thấu hiểu lẫn nhau. Khi đưa ra một quyết định, hoặc khi có thể hiểu nhầm người khác thì mình hãy nhìn lại, đứng vào vị trí của người đó mà phân tích tại sao họ lại đưa ra quyết định hoặc hành động như vậy. Phải trao đổi để tránh ra quyết định sai lầm. Còn đồng hành phải xuyên suốt từ nhân sự đến kinh doanh. Sales phải theo sát khách cho đến khi họ sử dụng sản phẩm thành công. Đối với nhân sự mới vào phải có thời gian ít nhất ba tháng để hiểu văn hóa, môi trường làm việc của công ty, cho họ cọ xát và được phép sai lầm. Quản lý phải đồng hành, bên cạnh để sửa sai lầm đó, tránh ảnh hưởng đến thương hiệu công ty. Nếu việc đó khó quá, leader cũng phải làm chứ không thể để người mới "tự bơi".
* Ai làm công việc kinh doanh cũng phải hy sinh rất nhiều thứ, với một người mẹ có con nhỏ như bà thì sao?
- Phụ nữ làm kinh doanh, khó khăn nhất là phải cân bằng công việc gia đình. Muốn làm gì thì vẫn phải tròn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ. Khi kinh doanh, tôi phải hy sinh thời gian dành cho con. Có những lúc mình gặp stress trong công việc và không thể dành thời gian chơi đùa trọn vẹn với con được.
* Như bà chia sẻ, doanh nhân gặp nhiều áp lực, thử thách trong công việc nên rất dễ stress. Vậy bà thường làm gì để giải tỏa căng thẳng?
- Tôi thường đọc sách, chăm sóc cây cảnh hoặc chơi với con. Chủ yếu là đọc sách về quản trị, như Một đời thương thuyết, Một đời quản trị của thầy Phan Văn Trường, cách quản trị của Google hay Tư duy triệu phú, Chiến tranh tiền tệ... Năm 2021, do dịch Covid-19 mà tôi đã đọc sách nhiều hơn cả 30 năm về trước. Sách là những người thầy và người bạn cực kỳ giá trị đối với tôi.
Trước đó, tôi từng nghĩ không biết mình có "đi ngược" người ta hay không, nhưng khi đọc sách mới thấy hóa ra những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới cũng vận hành như vậy nên mình cứ tự tin mà làm. Xuất nhập khẩu liên quan rất nhiều đến văn hóa các nước nên mỗi cuốn sách có một giá trị khác nhau.
Thỉnh thoảng tôi cũng xem phim, nhất là phim viễn tưởng và thấy những phim đó đều có mô típ chung. Đó là khó khăn luôn xảy đến với những người anh hùng, nhưng nếu có niềm tin và sức mạnh nội tại thì sẽ giữ vững được định hướng. Tôi thấy những phim ấy rất hay và cũng liên quan đến quản trị doanh nghiệp. Ngày trước, tôi nghĩ giá trị văn hóa doanh nghiệp rất mơ hồ và hầu hết là bên marketing làm, nhưng sau tôi nhận ra những điều đó phải xây dựng từ founder (người sáng lập), là mình. Và giá trị đó phải được tất cả nhân sự hiểu rõ. Khi thành công, mình hay chủ quan nên dễ xảy ra sai lầm, lệch đi giá trị cốt lõi. Nếu có những nhân sự hiểu giá trị cốt lõi của công ty thì sẽ cố gắng bảo vệ, nhất quán với giá trị đó.
* Đó cũng là một quan niệm sống...
- Trong cuộc sống, tôi là một người hơi "khác thường". Có những điều phải rất lâu mới thấy kết quả, lúc đó mọi người và ngay cả chồng tôi mới hiểu tại sao tôi lại làm như vậy. Tôi nghĩ, cái gì đúng thì mình cứ làm.
* Cảm ơn bà về những chia sẻ!