Ăn dứa đằng đít

P.H tổng hợp| 20/10/2010 09:51

Đó là kinh nghiệm ăn trái của người dân từ xưa, chứng tỏ cây dứa đã có mặt ở nước ta rất lâu đời.

Ăn dứa đằng đít

Dân gian có câu: “Ăn dứa đằng đít, ăn mít đằng đầu”, đó là kinh nghiệm ăn trái của người dân từ xưa, chứng tỏ cây dứa đã có mặt ở nước ta rất lâu đời. Cây dứa còn đi vào đời sống tinh thần của nhân dân:

Mời các bạn theo dõi Món ăn bài thuốc "Ăn dứa đằng đít" do Kim Quy trình bày.

Tưởng rằng cây dứa không gai
Ai ngờ gai dứa lại dài hơn chông.
Em nói dối anh, em chửa có chồng
Con ai em bế em bồng trên tay?

Dứa (còn gọi là khóm hoặc thơm) là loại cây ăn trái phổ biến ở các nước vùng nhiệt đới. Dứa được trồng nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Nổi tiếng nhất là dứa Cầu Đúc (Hậu Giang), dứa Bến Lức (Long An) nhờ vị ngọt, thịt vàng, mùi thơm, ăn rất ngon, được nhiều người ưa thích. Một số tỉnh miền Bắc và miền Trung cũng có trồng dứa nhưng sản lượng ít hơn.

Trong y học, cây dứa cung cấp nhiều bộ phận dùng làm thuốc chữa bệnh. Theo Đông y, quả dứa có vị ngọt, hơi chua, mùi thơm đặc trưng, tính bình, có tác dụng bổ dưỡng, giải khát, lợi tiểu, giúp tiêu hóa, chống viêm, tẩy độc.

Để chữa sỏi thận, người ta dùng nước ép của trái dứa nướng cháy vỏ ngoài trộn với một trứng gà, đánh nhuyễn, uống ngày hai lần, uống trong 3 ngày; hoặc dùng trái dứa xắt miếng, nấu nhừ với 0,5g phèn chua, ăn cái, uống nước trong 7 ngày; phương thuốc phổ biến nhất là lấy trái dứa khoét một lỗ nhỏ nhét cục phèn chua vào, đậy nắp kín và nướng chín nhừ, vắt lấy nước uống, cần kiên trì.

Quả dứa chín gọt vỏ, bỏ mắt, ép lấy nước uống nhiều lần trong ngày có tác dụng nhuận tràng. Nhiều người cho rằng ăn dứa hằng ngày có thể chống tăng huyết áp và lợi tim mạch, phòng ngừa tai biến. Rễ dứa rửa sạch, xắt nhỏ, phơi khô, sắc uống chữa tiểu tiện không thông. Lá dứa rửa sạch, ép lấy nước uống cũng có tác dụng nhuận tràng, với liều nhiều hơn thì dùng để tẩy và trừ giun sán; hoặc lá dứa non phối hợp với lá vông nem trộn đều, giã nát, vắt nước uống vào sáng sớm lúc đói, chữa giun. Phụ nữ có thai không được dùng vì có thể bị sảy thai.

Món gà xào thơm

Trái dứa có mùi thơm mạnh, chứa nhiều đường, lượng calo khá cao, giàu chất khoáng, nhất là kali, có đủ các loại vitamin cần thiết như A, B1, B2, PP, C; đặc biệt trong cây và trái dứa có chất Bromelin là một loại men thủy phân protêin, có thể chữa được các bệnh rối loạn tiêu hóa, ức chế phù nề và tụ huyết, làm vết thương mau lành sẹo. Trong công nghiệp, chất Bromelin dùng để chế biến thực phẩm, nước chấm, làm mềm thịt. Nhân dân ta dùng dứa để hầm cho thịt (heo, bò) mau mềm là vậy.

Trị đau gan, viêm gan: vỏ trái dứa 50g, phối hợp với cây chó đẻ răng cưa 20g, gan lợn 100g, cắt nhỏ sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm hai lần trong ngày.

Dứa là món ăn ngon và hợp khẩu vị, có thể ăn kèm như một loại rau, người ta hay dùng dứa làm món ăn khai vị vì dứa có nhiều đường, nhiều nước, độ chua cao, có mùi thơm và màu sắc hấp dẫn. Ở nước ta, từ xưa dứa đã là món ăn thức uống quen thuộc của người dân. Dứa băm nhuyễn trộn với mắm cá cơm, loại mắm được làm bằng kinh nghiệm dân gian của người dân ở nông thôn, là món ăn khó quên khi đã trót một lần thưởng thức, dứa còn được dùng nấu canh chua, xào, kho với cá...

Cá ngừ kho dứa là móm ăn được nhiều người ưa chuộng: Cá ngừ làm sạch, cắt khúc dày cỡ 3 cm, ướp với tiêu, bột nêm, cọng hành đập giập. Dứa gọt vỏ bỏ lõi, cắt lát. Rán cá sơ qua cho thịt chắc lại rồi xếp vào nồi, nêm nước mắm, đường, dầu ăn, nước màu. Thêm chút nước sôi và kho cá với lửa lớn. Nước sôi thì giảm lửa nhỏ để cá thấm kỹ gia vị, cho dứa vào kho tiếp chừng 10 phút. Hành lá cắt nhỏ, ớt xắt lát, tỏi bóc vỏ đập giập cho vào nồi, nhắc xuống. Thịt cá ngừ đậm, kho với dứa tươi có vị chua dịu rất hấp dẫn. Dọn cá ra dĩa, rắc thêm tiêu, ăn nóng với cơm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ăn dứa đằng đít
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO