Ấn Độ có thể soán ngôi Đức, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới

Khởi Vũ| 03/01/2020 08:30

Ấn Độ nhiều khả năng sẽ đạt mục tiêu này trước năm 2026, và thậm chí vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới trong 15 năm nữa.

Ấn Độ có thể soán ngôi Đức, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới

Trong 15 năm tới, cuộc chạy đua giành vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ là cuộc đọ sức liên tục giữa Ấn Độ, Đức và Nhật Bản.

Dự đoán trên được trích từ báo cáo World Economic League Table 2020 của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) có trụ ở tại Anh. Theo đó, CEBR cho biết, Ấn Độ sẽ đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế trị giá 5.000 tỷ USD trước năm 2026, qua đó vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới. Đồng thời, đến năm 2034, quốc gia Nam Á này sẽ leo lên vị trí thứ 3.

"Ấn Độ đã vượt qua cả Pháp lẫn Vương quốc Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới trong năm 2019. Dự báo, quốc gia này sẽ soán ngôi Đức và Nhật để lần lượt giữ vị trí nền kinh tế lớn thứ 4 và thứ 3 thế giới vào các thời điểm trước năm 2026 và 2034", CEBR nhận định.

Dẫu vậy, xác suất để kịch bản trên diễn ra không phải là tuyệt đối, khi những đám mây đen che phủ nền kinh tế Ấn Độ thời gian qua đã khiến không ít cá nhân hoài nghi về khả năng duy trì mục tiêu tăng trưởng. Cựu thống đốc ngân hàng trung ương Ấn Độ C. Rangarajan mới đây cho biết, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, việc đưa GDP chạm mục tiêu 5.000 tỷ USD vào năm 2024-25 "đơn giản là không thể".

Link bài viết

Vốn được ca ngợi là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, song Ấn Độ chỉ đạt tốc độ tăng trưởng 5% so với cùng kỳ trong giai đoạn tháng 4-6/2019. Đây là tốc độ tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2013, xuất phát từ sự chững lại của nhu cầu tiêu dùng và chi tiêu của chính phủ trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu.

Chính "tình trạng tăng trưởng chậm chạp trong năm 2019 đã và đang gia tăng sức ép buộc Ấn Độ cần phải đưa ra nhiều cải cách kinh tế một cách triệt để hơn", báo cáo viết.

Bên cạnh đó, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cũng dự báo nền kinh tế Ấn Độ sẽ phục hồi vào năm 2020 khi các điều kiện toàn cầu dần được cải thiện. Do đó, trong 15 năm tới, cuộc chạy đua giành vị trí nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới sẽ là cuộc đọ sức liên tục giữa Ấn Độ, Đức và Nhật Bản, CEBR cho biết thêm.

Cách đây 15 năm, Đức, Anh và Pháp lần lượt là các quốc gia sở hữu nền kinh tế lớn thứ 3, 4, 5 trên thế giới, sau Mỹ và Nhật Bản. Song, kể từ thời điểm đó, Trung Quốc đã vươn lên mạnh mẽ để chiếm vị trí thứ 2 sau Mỹ, còn Ấn Độ đến nay cũng đã vượt mặt Anh và Pháp.

Nếu đà tăng trưởng diễn biến đúng như dự báo của CEBR, đến năm 2026, Mỹ sẽ là đối trọng phương Tây duy nhất còn lại trước một châu Á đã và đang vươn lên mạnh mẽ để lấy lại sự thịnh vượng lẫn sức mạnh của mình. Trước khi cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra vào thế kỷ 18, Trung Quốc và Ấn Độ đã là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong suốt gần 2 thiên niên kỷ.

Được biết, CEBR đã thực hiện báo cáo World Economic League Table 2020 được 11 năm, trong đó theo dõi quy mô của các nền kinh tế trên toàn cầu và đưa ra thay đổi dự kiến trong 15 năm tiếp theo. Năm nay, báo cáo sử dụng dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế để đưa ra dự báo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ấn Độ có thể soán ngôi Đức, trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO