Vang “vĩ tuyến mới”

NGUYỄN ANH| 02/02/2010 00:11

Vang sản xuất ở các nước châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Thụy Sĩ, Hungari...) được gọi là vang thế giới cũ; còn vang làm ra ở Mỹ, Chilê, Úc, New Zealand, Nam Phi... được xếp vào hàng ngũ dòng vang thế giới mới.

Vang “vĩ tuyến mới”

Vang sản xuất ở các nước châu Âu (Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Thụy Sĩ, Hungari...) được gọi là vang thế giới cũ; còn vang làm ra ở Mỹ, Chilê, Úc, New Zealand, Nam Phi... được xếp vào hàng ngũ dòng vang thế giới mới. Thế còn vang “vĩ tuyến mới” (New latitude wines) là gì?

Đây là từ mà giới chuyên gia vang quốc tế dùng để chỉ các dòng vang sản xuất tại châu Á; trong đó có Trung Quốc, Nhật, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia, Myanmar, Lào, Campuchia và Việt Nam. Sở dĩ có từ này là vì khác với truyền thống trồng nho ở các vùng đất nằm theo vĩ tuyến 30 và vĩ tuyến 50 ở Bắc và Nam bán cầu, các dòng vang châu Á được làm từ nho trồng ở phạm vi vĩ tuyến 14 và vĩ tuyến 18.

Theo các sử gia, trồng nho làm vang (hoặc thức uống có cồn tương tự như vang chúng ta quen biết ngày nay) đã xuất hiện ở Trung Quốc từ rất lâu. Năm 128 trước Công nguyên, những gốc nho đầu tiên được trồng ở Tây An, cách Bắc Kinh khoảng 1.000km về hướng Nam. Vết tích vang Trung Quốc đầu tiên được ghi nhận là loại vang có tên rất quái “Đầu vú ngựa cái”, được người Yagbu gửi biếu hoàng đế Tai Tsung năm 674 sau Công nguyên. Trong những lần chu du phương Đông, từ 1271 đến 1294, nhà thám hiểm Marco Polo đã ghi nhận ở quanh Tai-Yuan, tỉnh Sơn Tây có nhiều lò vang. Năm 1373, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Minh ra lệnh cho người dân phải trồng nho sản xuất vang.

Năm 1892, một nhà buôn tên Zhang Bishi đã đem những gốc nho châu Âu trồng ở Yantai, tỉnh Sơn Đông. Lò vang Changyu ra đời. Mười tám năm sau, một tu sĩ Pháp mở cơ sở sản xuất vang ngay tại Bắc Kinh. Cơ sở này nay là lò Vang hữu nghị Bắc Kinh, mà từ năm 1987 đã trở thành đối tác của Tập đoàn rượu Pháp Pernod-Ricard trong dự án sản xuất dòng vang Long Ấn (Dragon Seal) đoạt nhiều giải ở các lễ hội vang quốc tế. Nhà sản xuất cognac lừng danh thế giới Remy Martin đã cùng Tianjin Winery lập liên doanh vang Triều đại (Dynasty) từ năm 1980.

Cho nên ngày nay Trung Quốc có đến 500 lò sản xuất vang, xếp hạng sáu trên Top 10 nước có sản lượng vang cao nhất thế giới. Lò vang Trung Quốc thu hút nhiều khách tham quan nhất chính là Chateau Changyu.

Nhật xếp hạng nhì với 200 lò vang, trong đó Grace Winery và Suntory là hai thương hiệu vang Nhật được biết đến nhiều nhất. Là cơ sở không phương Tây đầu tiên sở hữu một Chateau Bordeaux Grand Cru, nhà Suntory có loại vang bán chạy đắt tiền hơn cả vang Chateau d’Yquem ở Pháp. Myanmar thì được biết đến là nơi có lò sản xuất vang Aythaya ở độ cao nhất châu Á (4.265 feet, trên đường đến Mandalay).

Vang Thái Lan do doanh nghiệp tư nhân PB (viết tắt từ họ tên ông chủ Piya Bhirombhakdi, còn là nhà đầu tư phát triển hãng hàng không PB Air từng khai thác đường bay Bangkok - Đà Nẵng) sản xuất từ Thung lũng Khao Yai đã vang danh từ những năm 90 của thế kỷ trước với những chai vang làm từ các giống nho Chenin blanc, Shiraz và Tempranillo sản xuất theo cách thức làm vang của Pháp, Ý và Đức. Du khách quốc tế đi xe lửa Oriental Express từ Bangkok đến Vientiane nay thường ghé nếm vang cùa lò Khao Yai Winery.

Ngoài PB Valley Khao Yai Winery ra, Thái Lan còn có một lò vang khác cũng khá nổi tiếng là Chateau de Loei, tọa lạc ở miền Đông Bắc, gần khúc sông Mê Kông giáp biên giới Lào. Loại vang làm với nho Chenin blanc của lò này đã được chuyên gia vang Stuart Piggott khen rằng “đạt đẳng cấp quốc tế” trong cuốn Planet Wine (Hành tinh vang) phát hành năm 2004.

Những cây nho đã được người Pháp trồng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX nhưng vì thời tiết oi bức, sản lượng èo uột, không thể sản xuất ra vang. Đầu những năm 1970, thương hiệu vang Lafaro xuất hiện tại Đà Lạt với nho trồng ở khu vực Phan Rang, Khánh Hòa nhưng vì chiến tranh, dự án này sớm kết thúc. Năm 1995, nỗ lực trồng nho sản xuất vang trong dự án hợp tác với các nhà làm vang đến từ Úc cũng không sinh trái ngọt.

Nhưng rồi từ năm 1999 trở lại đây đã nổi lên một thương hiệu vang Việt Nam. Đó là Vang Dalat, được nhiều du khách quốc tế thích khám phá ẩm thực xứ lạ quê người để ý. Người đi trước sau khi thử qua đã loan truyền trên blog cá nhân về hương vị của chai Superior Red (toàn nho, 11% cồn) và chai Strong Red (pha trộn nho với trái dâu, 16% cồn) cho người đến sau. Vang Dalat được làm từ nho trồng ở Phan Rang và sản xuất theo cách làm vang đỏ vùng Bordeaux (Pháp) theo thỏa thuận hợp tác với nhà Allied Domecq ký kết năm 1997. Thậm chí còn có cả loại vang sủi tăm và các chai vang dành cho phái nữ.

Trong lễ hội hoa Đà Lạt mới diễn ra hồi đầu năm 2010, có thể nói, lần đầu tiên các thương hiệu vang Việt Nam của các nhà sản xuất Vang Dalat, Vang Vĩnh Tiến và Vang Langbian đã trình làng vang quốc tế khi tham gia tiết mục Con đường vang thế giới cùng với ba đại diện vang thế giới cũ (Pháp, Ý, Tây Ban Nha) và bốn đại diện vang thế giới mới (Úc, Chi-lê, Mỹ, Nam Phi). Những nhà vang nhỏ đã được dựng lên trên một khúc đường Yersin để mời khách nếm thử miễn phí khoảng 5.500 lít vang các loại.

Ở Campuchia, cánh đồng nho đầu tiên dùng làm nguyên liệu sản xuất vang được triển khai tại Battambang năm 2000 bởi ông Chan Thai Chhoeung, người trước đó chỉ biết trồng cây cam. Năm 2004, ông đã có những chai vang đầu tiên với các giống nho Shiraz, Black Queen và Kyoho.

Có thể vào một cái Tết không xa, khi nâng ly chúc mừng năm mới, chúng ta sẽ uống các loại “vang vĩ tuyến mới” thay vì uống vang thế giới cũ và vang thế giới mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Vang “vĩ tuyến mới”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO