Một thuở trái rừng

PH. Hà| 29/04/2023 01:00

Những loại trái và lá rừng ăn được phần lớn là tên gọi của địa phương, trong Từ điển Tiếng Việt không có mấy, nhưng những người trải qua kháng chiến 9 năm và 20 năm đều thuộc nằm lòng.

Một thuở trái rừng

Gần Khu Di tích lịch sử Căn cứ Tà Thiết của Bộ Tư lệnh Miền (Bộ Tư lệnh Quân Giải phóng Miền Nam trong cuộc kháng chiến lần thứ hai) thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, có khu rừng 20 hécta của thiếu tướng Nguyễn Ngọc Ẩn. Ông Ẩn từng chiến đấu ở căn cứ Tà Thiết, hết tuổi quân, cảm thấy không thích hợp với cuộc sống tại TP.HCM, đã trở lại vùng đất cũ, rất nhiều ngày ăn rừng ngủ rẫy để tìm cây giống khắp Đông Nam bộ quyết gầy dựng một cánh rừng chỉ toàn cây rừng cho trái và lá ăn được. Ông Ẩn nói, ông và đồng đội ăn lộc của rừng suốt những năm đánh giặc, ân nghĩa đó phải trả.

Ăn lộc của rừng là ăn trái rùm đuôn, trái gùi, trái ớt, trái trường, trái sót, trái sai, trái dẻ, trái mây, trái viết, trái bứa, trái cám, trái trám, trái bồ quân, trái chôm chôm, trái cò ke, trái nhãn lồng, trái chùm moi, trái cơm nguội, trái dù dẻ... là ăn lá bứa, lá giang, lá môn thục, lá tàu bay, lá tai voi, lá me suối, lá chòi mòi, lá săng máu, lá trâm ổi, đọt cóc, đọt choại... Không thể kể hết các loại cây cho trái và lá ăn được ở đại ngàn Trường Sơn và miền Đông Nam bộ trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vừa qua. Đó là nguồn thực phẩm vô tận không những đỡ đói lòng bộ đội, thanh niên xung phong, cán bộ, nhân viên các cơ quan dân chính đảng mà còn là những thảo dược quý giá giúp sức bao người vì nước quên thân.

Những loại trái và lá rừng kể trên phần lớn là tên gọi của địa phương, trong Từ điển Tiếng Việt không có mấy, nhưng những người trải qua kháng chiến 9 năm và 20 năm đều thuộc nằm lòng. 

Xin kể vài ba chuyện về trái rừng. Trước hết là kể thêm chuyện vị tướng bỏ phố lên rừng chỉ trồng cây rừng cho trái và lá ăn được. Có lẽ không ai yêu rừng, yêu trái rừng bằng ông Ẩn. Ông giữ khu rừng trồng kỹ đến mức chỉ cho bà con xung quanh vào nhặt trái rụng, tuyệt đối không được hái trái chín trên cây, không được bẻ bất cứ loại lá nào. Ông gọi trái rừng bằng "đứa" - đứa trái chay, đứa trái viết... y như gọi con cháu trong nhà. Có ngày ông chỉ ăn trái và rau rừng mà vẫn rất khỏe mạnh, dù tuổi xế chiều. Cái vị chua thanh của trái gùi, chua ngọt của trái rùm đuôn, chua gắt của trái chôm chôm, chát chát của trái mây, bùi béo của trái dẻ... ai thử một lần sẽ không quên.

Link bài viết

Vừa rồi, nhân kỷ niệm 48 năm ngày thống nhất đất nước, tôi trở lại Chiến khu Đ ở Mã Đà, Đồng Nai, may mắn gặp được anh chị Năm từ Bà Rịa lên thăm di tích căn cứ kháng chiến. Mật danh Chiến khu Đ có từ thời chống Pháp, theo các vị lão thành cách mạng từng gắn bó với nơi này, "Đ" là "miền Đông", là "đói", là "đỏ”. Miền Đông thì rõ rồi, vì khu rừng mênh mông đầy muỗi độc này thuộc miền Đông Nam Bộ. "Đói" vì trong bán kính vài chục kilômét không có dân, tiếp tế rất khó bởi địch vây tứ bề, muốn có rẫy lúa, rẫy bắp hay khoai sắn thì phải phát rừng, phát rừng thì lộ khoảng trống, máy bay đối phương phát hiện, nên từ các vị lãnh đạo cao cấp đến anh bảo vệ, chị giao liên quanh năm thiếu ăn. "Đỏ” là ý chí người cộng sản kiên cường đánh giặc để giành độc lập cho đất nước. 

Anh chị Năm vào Chiến khu Đ từ năm 1962, khi vừa qua tuổi thiếu niên, anh làm liên lạc, chị làm y tá. Năm 19 tuổi, chị có bầu, thèm bánh khoọc (khọt) quê nhà Bà Rịa và thèm chua. Bánh khoọc thì không thể có bột, có tôm mà đổ khuôn, thèm chua thì quá dễ, rừng miền Đông không thiếu trái gùi, trái rùm đuôn, trái bứa, trái chôm chôm... mùa nào thức ấy. Anh Năm còn có sáng kiến ngâm những trái ấy vào nước tro cỏ tranh (thay muối vì ở Chiến khu Đ thường xuyên thiếu muối) để dành cho chị Năm mỗi khi thèm chua. Đã nghỉ hưu từ lâu nhưng năm nào anh chị Năm cũng trở về chiến khu xưa đúng mùa trái rừng chín rộ để ăn cho đỡ nhớ, ăn cho đã thèm. Chị Năm còn bắt anh Năm hái thật nhiều trái gùi đem về ngâm đường làm nước giải khát. 

Gặp nhau bất ngờ giữa khu di tích với bao kỷ niệm thời gian khổ, anh Năm hỏi tôi nhớ nhất chuyện gì, tôi nói nhớ nhất là lúc chị Năm có bầu lần hai, không thèm bánh khoọc, trái bứa, trái dù dẻ mà thèm trái rùm đuôn. Cây rùm đuôn thân gỗ, vượt trên tán rừng cả chục mét, muốn hái trái phải trèo cao. Một hôm anh Năm ham mấy chùm trái thật sai, chín tím cả vòm lá, leo ra tận ngọn để bẻ, ai dè cành gãy, may mà khi rơi, vớ được một dây gùi, treo người tòn ten, không có tôi và chị Năm đỡ thì đã thành... tử sĩ! Nghe "chuyện xưa", chị Năm nói: "Vì cái vụ đó mà tui còn thất kinh đến giờ đó cậu Tư”. "Tại chị cứ thèm chua hoài anh Năm mới té”, tôi trêu chị Năm.

Tôi kể chuyện này để bạn đọc ngạc nhiên chơi! Ở Trường Sơn, dưới tán cổ thụ có cây ớt, gọi là ớt hiểm hoặc ớt mọi ("mọi" là cách mấy ông tây bà đầm gọi một cách khinh miệt các tộc người thiểu số ở miền núi thời thực dân Pháp xâm chiếm nước ta. Ớt hoang dã là món ăn không thể thiếu của họ, nên gọi là ớt mọi) mà muốn hái trái thì phải leo vì có những cây cao ba bốn mét, thân to bằng cổ chân. Những năm làm lính bộ binh, nhiều lần hành quân dọc Trường Sơn, tôi đã leo cây ớt hái đầy mũ tai bèo trái đỏ trái xanh, cả trung đội ăn mấy ngày không hết. 

Không biết do đâu mà những ngày đó, từ đồng bào các dân tộc ít người đến bộ đội, ai cũng cho rằng ớt hiểm là vị thuốc chữa sốt rét, cả sốt rét ác tính, rất hiệu nghiệm. Vì thế mà ai cũng cố ăn thật nhiều ớt dù cay đến phỏng miệng. Sau này tìm đọc tài liệu Đông y, mới hay ớt hỗ trợ chữa được nhiều bệnh như tiêu chảy, tích trệ, phù thủng... làm giảm đau, sát trùng, nhất là hỗ trợ chữa sốt rét, nhưng dùng lá sắc uống mới có tác dụng. Tướng Ẩn thường mời khách bằng loại nước chè từ lá ớt hiểm chắc là ông đã học được bài thuốc Đông y này từ ai đó, bởi ông sống giữa rừng, mà rừng miền Đông thì nhiều muỗi đòn xóc (Anopheles) truyền bệnh sốt rét.

Bây giờ dọc một số con lộ những vùng còn rừng như Bắc Tây Ninh, Mã Đà, Lộc Ninh... thi thoảng có người bán trái rừng, một kilôgam trái gùi, trái rùm đuôn hay trái quăng chẳng hạn, có giá gần trăm nghìn đồng.

Một thuở trái rừng là để nhớ thời đánh giặc giữ nước. Với người kháng chiến, trái rừng là muôn thuở... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Một thuở trái rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO