Lực hút của các cửa hàng miễn thuế

P. DŨNG NGUYỄN| 11/02/2009 04:27

Đối với nhiều người, đi du lịch mà thiếu khâu mua sắm thì không còn thú vị. Cho nên mới có thực tế đáng ngạc nhiên là trong năm 2008 qua, tuy lượng hành khách qua lại các sân bay lớn ở khắp thế giới đã giảm nhưng doanh thu của các công ty kinh doanh hàng miễn thuế trong các sân bay lại tăng cao. Giới chuyên ngành gọi việc lữ hành và mua sắm ở sân bay là một “thực thể ba ngôi kết thành một”, gồm không gian rộng lớn của nhà ga hành khách, công ty kinh doanh bán lẻ và các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Lực hút của các cửa hàng miễn thuế

Đối với nhiều người, đi du lịch mà thiếu khâu mua sắm thì không còn thú vị. Cho nên mới có thực tế đáng ngạc nhiên là trong năm 2008 qua, tuy lượng hành khách qua lại các sân bay lớn ở khắp thế giới đã giảm nhưng doanh thu của các công ty kinh doanh hàng miễn thuế trong các sân bay lại tăng cao. Giới chuyên ngành gọi việc lữ hành và mua sắm ở sân bay là một “thực thể ba ngôi kết thành một”, gồm không gian rộng lớn của nhà ga hành khách, công ty kinh doanh bán lẻ và các thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Gian bán nước hoa ở sân bay Tân Sơn Nhất

Dutyfree ở Paris,Rome,Singapore tỏa sáng


Từ buổi ban đầu chỉ thuần túy kinh doanh một số chủng loại hàng hóa tiêu dùng giá phải chăng như sách báo, đồ chơi, hàng lưu niệm, bánh kẹo, thuốc lá, vang, rượu, dầu thơm, mỹ phẩm, đồng hồ, mắt kính... nay các không gian kinh doanh bán lẻ trong các nhà ga hành khách đã tỏa sáng hơn với những cửa hàng độc lập gắn những thương hiệu đắt tiền lừng danh thế giới như kim hoàn Tiffany & Co., Swarovski; thời trang Armani, Boss, Bvlgari, Burberry, Salvatore Ferragamo, Gucci, Prada, Versace; điện thoại di động Vertu; một số thương hiệu khác như: Mont Blanc, Chopard, Rolex, Tag Heuer, Longines...


Sân bay quốc tế Changi, Singapore được Skytrax bình chọn là sân bay tốt nhất ở khoản mua hàng miễn thuế (hạng 2 là Schiphol - Amsterdam, Hà Lan; hạng 3 là Incheon - Seoul, Hàn Quốc) và ăn uống ngon nhất (xếp hạng 2 và hạng 3 là hai sân bay quốc tế Dubai và Hồng Kông). Ở một nhà ga của Changi, hành khách có thể mua nhiều mặt hàng cần thiết để chưng diện khi lái chiếc Mercedes đời mới đắt tiền và trong Terminal 5 của Sân bay quốc tế Heathrow, London có cả một nhánh lớn của cửa hàng bách hóa nổi tiếng Harrod’s.


Chính vì đã nhanh nhạy phát triển mô hình kinh doanh bán lẻ và bán hàng miễn thuế trong các terminal ở Sân bay quốc tế Charles-de-Gaulle 2, Paris mà Công ty quản lý Aéroports de Paris (AdP) đã có tin vui: Chín tháng đầu năm 2008, doanh thu tăng 9,5%. Tổng doanh thu này được góp bởi số thu của các cửa hàng, bar, nhà hàng, dịch vụ cho thuê xe và quảng cáo (đạt 185,7 triệu euro), trong đó riêng khoản thu từ các cửa hàng miễn thuế đã là 118,7 triệu euro, tăng 12,6%.


Ở miền Nam châu Âu, Công ty quản lý sân bay Aeroporti di Roma (ADR) cũng vui vì chín tháng đầu năm 2008, doanh thu thương mại của hai sân bay Fiumicino và Ciampino ở thủ đô nước Ý đã tăng 10,9% (trong khi lượng hành khách chỉ tăng 7,3%). Phó chủ tịch phát triển thương mại của ADR, bà Andrea Belardini cho biết, doanh thu tăng cao nhờ số chuyến bay bị trễ và bị hủy tăng nên nhiều hành khách phải ăn uống, mua sắm trong khi chờ đợi.

“Các cửa hàng Good Buy Roma Duty Free đã bán được nhiều dầu thơm (tăng 11,2%), sản phẩm dưỡng da (tăng 11,8%) và mỹ phẩm (tăng 15,3%) hơn năm ngoái. Tuy có nhiều dự báo bi quan cho rằng ngành vận chuyển hàng không sẽ gặp rất nhiều thử thách lớn trong năm 2009 nhưng chúng tôi lại lạc quan tin tưởng sẽ có một năm bán được nhiều hàng hóa”, bà nói.

Dubai cực kỳ hấp dẫn


Có thể nói rằng hiện nay không có thành phố và sân bay nào trên thế giới lại giỏi bán hàng miễn thuế bằng Dubai. Năm nào cũng vậy, từ tháng Giêng đến tháng Hai tại đây lại diễn ra một sự kiện thu hút hơn 2 triệu du khách. Đó là Dubai Shopping Festival với đặc điểm là tất cả mọi chủng loại hàng hóa bày bán trong thời gian này, từ bình cà phê kiểu Ả Rập qua thảm len dệt tay theo truyền thống Afghanistan đến nữ trang bằng vàng, bàn ghế, xe hơi... đều được giảm giá tối đa.

Liên hoan mừng thú vui mua sắm này được tài trợ bởi Công ty Dubai Duty Free (DDF) và có cả những tiết mục hấp dẫn như biểu diễn thời trang, biểu diễn kịch quốc tế, bắn pháo hoa, trình diễn ánh sáng laser, liên hoan phim quốc tế và nhiều chương trình khác dành riêng cho trẻ em.


Dubai Shopping Festival 2009 hứa hẹn hấp dẫn hơn nhiều vì vào ngày 20/12/2008, Dubai Duty Free mừng sinh nhật thứ 25. Sự kiện này được đánh dấu bằng việc phát hành Cẩm nang mua hàng miễn thuế “Fly, Buy, Dubai” (Bay, mua, Dubai), khánh thành không gian bán hàng miễn thuế trong Terminal 3 (của hãng hàng không Emirates Airlines tại sân bay quốc tế Dubai).

Và cực kỳ hấp dẫn, nhằm chiêu dụ hành khách quốc tế là chương trình “Siêu triệu phú” phát hành 5.000 vé số (5.000 Dh/vé, tức khoảng 1.360USD) với phần thưởng cho người may mắn là... 5 triệu USD. Có thể mua vé số tại Dubai Duty Free ở Sân bay quốc tế Dubai hoặc ở địa chỉ trực tuyến www.dubaidutyfree.com. Đây là chương trình khuyến mại có giá trị lớn nhất trong lịch sử ngành kinh doanh bán hàng miễn thuế.


Inxheon - Seoul gia tăng lực cám dổ


Yếu tố nào giúp Sân bay quốc tế Incheon ở gần thủ đô Seoul của Hàn Quốc mấy năm liền đều xếp ở top 5 sân bay quốc tế xuất sắc nhất thế giới theo bình chọn của công ty Skytrax có trụ sở chính tại London? Xin thưa đó là sức hấp dẫn lan tỏa từ hệ thống cửa hàng miễn thuế, cửa hàng rượu, cửa hàng thời trang, mỹ phẩm, cửa hàng đồ gia dụng, đồ tiêu dùng được quản lý bởi Diageo, gã khổng lồ thế giới trong ngành bia rượu và Lotte, một trong những đại gia kinh doanh bán lẻ hàng đầu thế giới.


Chỉ riêng trong nhà ga hành khách và nhà ga phụ trợ A của sân bay này, Lotte được quyền khai thác 12 cửa hàng bán rượu và thuốc lá với tổng diện tích gần 2.000m2 và số khách sở hữu thẻ Lotte VIP để mua hàng giảm giá ở các cửa hàng bán rượu này đã lên đến 1 triệu người. Hiện nay, Lotte giữ kỷ lục thế giới về bán được nhiều dầu thơm và mỹ phẩm nhất cho khách lữ hành qua lại sân bay quốc tế Incheon.


Sydney mời chào khách châu á


Người châu Á nói chung và người Nhật, người Hàn và người Trung Quốc ngày càng du lịch nước ngoài nhiều hơn nên không lạ khi biết địa chỉ trang web mua sắm hàng miễn thuế của Sân bay quốc tế Kingsford-Smith tại thành phố Sydney, Úc đã có thêm các trang bằng tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc và tiếng Hoa phổ thông. Ngay từ khi còn ở nhà, hành khách chỉ cần nhập vào địa chỉ www.sydneyairportshopping.com.au là đã có thể chọn mua hàng, khai số chuyến bay, số thẻ thông hành và thanh toán bằng thẻ tín dụng để khi đến cảng hàng không thì hàng miễn thuế đã sẵn sàng cất cánh cùng với mình.


Bangkok,King Power vẫn là số 1


King Power là thương hiệu không hề xa lạ đối với vài triệu lượt du khách Việt Nam đã từng qua lại các sân bay Don Muang và Suvarnabhumi trong thời gian qua. Đó là tập đoàn công ty kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất ở Thái Lan. Nếu không vì lượng hành khách đã giảm nhiều trong thời gian gần đây thì khi năm 2008 kết thúc, doanh thu của King Power Group đã có thể đạt đến 762 triệu USD từ không gian bán hàng miễn thuế rộng 29.700m2 trong sân bay quốc tế Suvarnabhumi, và 92 triệu USD từ cửa hàng King Power Complex rộng 12.500m2 ở trong thủ đô Bangkok.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lực hút của các cửa hàng miễn thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO