Hàng không và gánh nặng phụ phí

VIỆT KHÔI| 30/11/2009 05:33

Không bao lâu nữa, mỗi lần mua vé máy bay, hành khách sẽ phải thanh toán thêm một số loại phí mới, ngoài những loại đã quen thuộc là phí sân bay, phí an ninh, phí bảo hiểm hàng không, phụ phí xăng dầu và phí giải trừ C02.

Hàng không và gánh nặng phụ phí

Không bao lâu nữa, mỗi lần mua vé máy bay, hành khách sẽ phải thanh toán thêm một số loại phí mới, ngoài những loại đã quen thuộc là phí sân bay, phí an ninh, phí bảo hiểm hàng không, phụ phí xăng dầu và phí giải trừ C02.

Từ các khoản phụ phí bị chỉ trích

Đầu tháng 9 qua, với 79 phiếu thuận và 19 phiếu chống, nghị viện Mỹ đã thông qua dự thảo luật áp đặt phí du lịch (tourist fee) lên người ngoại quốc nhập cảnh Mỹ. Bước đầu phí du lịch này sẽ áp dụng cho công dân thuộc 35 quốc gia đã được Mỹ dành cho ưu đãi miễn trừ thị thực (visa) nhập cảnh, chủ yếu là các nước Tây Âu, Úc và sáu nước châu Á, nhưng sau này có thể áp dụng đối với mọi hành khách quốc tế.

Dự thảo luật này được ngành công nghiệp không khói Mỹ ủng hộ, đặc biệt là các bang có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch, chẳng hạn như Nevada, Florida… Vì, số tiền thu được (10 USD/khách theo dự luật) sẽ chuyển cho một công ty phi lợi nhuận lập kinh phí 400 triệu USD quảng bá du lịch Mỹ ở hải ngoại.

Hạ viện Mỹ cũng đang xem xét một dự thảo luật tương tự, và trong trường hợp cả hai dự thảo luật này được nhập thành một và đều được lưỡng viện Quốc hội Mỹ thông qua thì sẽ có một đạo luật mới về du lịch Mỹ. Theo các nhà làm luật Mỹ, đây là hành động thiết thực trong thời cạnh tranh du lịch toàn cầu, vì lâu nay chính phủ nhiều nước vẫn rót kinh phí trợ cấp cho ngành du lịch làm công tác quảng bá, trong khi đó chính quyền liên bang Mỹ lại để việc này cho tư nhân và chính quyền địa phương lo.

Theo những người ủng hộ, khi có kinh phí quảng bá, ngành du lịch Mỹ sẽ thu hút được thêm mỗi năm 1,6 triệu du khách quốc tế, mỗi du khách chi tiêu khoảng 4.500 USD. Năm 2008 đã có khoảng 58 triệu lượt khách quốc tế nhập cảnh Mỹ.

Trước thông tin trên, Liên hiệp châu Âu đã lên tiếng phản đối và đe dọa sẽ cũng áp dụng một loại “phí trả đũa” lên công dân Mỹ đi du lịch châu Âu. Ngược lại, một quyết định của EU bị Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) với khoảng 230 hãng hàng không thành viên và chính quyền nhiều nước trên thế giới phản đối, là phí giải trừ khí CO2. Chương trình giải trừ khí thải (Emission trading scheme - ETS) sẽ được thực thi kể từ đầu năm 2012, theo đó hành khách phải chi thêm tiền mỗi khi bay vào một trong số 27 nước hội viên EU. Theo IATA, ETS của EU có thể sẽ “châm ngòi” cho sự ra đời của hàng loạt những ETS đơn phương đề ra bởi từng châu lục, từng quốc gia. Chẳng hạn, ở Anh đã có một loại thuế “xanh”, gọi là Air Passenger Duty (APD). Điều này làm cho hành khách bay qua nhiều nước sẽ phải nộp nhiều khoản phí giải trừ khí thải khác nhau. Tổ chức này tính rằng nếu EU tiến hành thu phí ETS thì từ năm 2020, các hãng hàng không trên thế giới sẽ phải chi tiêu thêm 21,2 tỷ USD mỗi năm.

Nộp thêm tiền cho hãng vận chuyển khi gửi một, hai hay ba hành lý vào bụng máy bay đã là thực tế khi bay nội địa Mỹ từ mùa hè 2008. Nhưng bây giờ các hãng bay lớn của Mỹ áp dụng cách tính phụ thu này ở cả các chuyến bay quốc tế. Tất cả những khoản phải chi thêm này hành khách là người gánh chịu.

Hiện nay, mỗi khi bay trong nước Mỹ, ngoài tiền vé thanh toán cho hãng hàng không, hành khách còn phải trả thêm 2,50 USD phí an ninh, 4 USD thuế chính phủ và 4,50 USD phí sử dụng cơ sở sân bay (gọi là passenger facility charge – PFC). Riêng khoản PFC này có thể sẽ sớm được chính phủ liên bang Mỹ cho phép tăng thành 7 USD. Tuy nhiên nó vẫn còn rẻ hơn so với số 90 USD phí cách âm (noise isolation) và phí dịch vụ hành khách (passenger services charge, PSC) mà hành khách phải thanh toán khi đến và đi từ sân bay quốc tế Schiphol ở Amsterdam (Hà Lan). Khoản PSC ở sân bay quốc tế Glasgow (Scotland) là 145 USD, ở Heathrow (London –Anh) là 155 USD. Nếu bay đến sân bay này ở ca bin hạng nhất của một hãng hàng không quốc tế, PSC mà hành khách phải thanh toán có thể lên đến hơn 300 USD.

Đến các khoản phụ phí được khuyến khích

Ngày 23/9/2009, bên lề hội nghị thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra tại New York, một khoản phụ phí áp lên hành khách đi máy bay đã được giới thiệu. Không ngạc nhiên khi nó nhận được những tràng pháo tay tán đồng, vì đó là khoản trợ giúp dân nghèo ở các nước kém phát triển nhất trên thế giới.

Lãnh đạo G20 cũng phải nộp phí sân bay
Khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế Pittsburgh hồi cuối tháng 9/2009, các nhà lãnh đạo G20 cũng đã phải nộp đủ các khoản phí và thuế sân bay. Chỉ có chuyên cơ Air Force One (Không lực Một) chở Tổng thống Mỹ Barack Obama và những chiếc chở các quan chức cao cấp trong Chính phủ Mỹ là được miễn trừ khoản phí hạ cánh và đậu máy bay, vì lâu nay sân bay này đã được hưởng tiền trợ cấp của chính quyền liên bang Mỹ, nữ phát ngôn viên JoAnn Jenny cho biết. Theo tính toán, những máy bay chở lãnh đạo các nước G20 đã đóng khoảng 400.000 USD cho các khoản phí sân bay.

Đây là đề xuất của cựu Ngoại trưởng Pháp Philippe Douste-Blazy (hiện là giám đốc UNITAID, trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới), được ủng hộ mạnh bởi hai hiệp hội từ thiện nổi tiếng thế giới - William J.Clinton Foundation của cựu Tổng thống Mỹ Clinton và Bill and Melinda Gates Foundation của cặp vợ chồng tỷ phú Bill Gates. Nó còn được hưởng ứng bởi Thủ tướng Anh Gordon Brown, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick cũng như đã có được cam kết tham gia từ ba công ty chuyên về đăng ký giữ chỗ trên máy bay là Amadeus, Sabre và Travelport/Galileo.

Nếu mọi chuyện diễn biến đúng theo kế hoạch thì chương trình hành khách tự nguyện góp tiền cứu trợ dân nghèo mỗi khi mua vé máy bay sẽ được triển khai từ cuối tháng 1/2010 tại Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ…

Cũng được ủng hộ và khuyến khích là khoản phí hành khách tự nguyện đóng góp để góp phần bảo vệ môi trường, giải trừ tác hại của khí độc thải ra từ động cơ máy bay. Trong sân bay quốc tế San Francisco có ba kiốt “Thông hành khí hậu” đặt ở nhà ga số 3 (bay nội địa) và nhà ga quốc tế. Tại các kiốt này, hành khách nhập vào máy tính số hiệu chuyến bay, nơi cất cánh, điểm hạ cánh, bay một chiều hay bay hai chiều để biết được mình “xả” bao nhiêu ký lô khí CO2, và có thể bù trừ tác hại bằng cách đóng góp bao nhiêu đô la.

Giá một tấn khí thải là 16,50 USD. Bay khứ hồi San Francisco-New York (sân bay quốc tế JFK), hành khách xả 3.824 pound CO2, số tiền khuyến khích thanh toán để góp phần bảo vệ môi trường là 23,42 USD. Giới chức năng sân bay cho biết cứ mỗi 16,50 USD thu được thì có 15 USD chuyển cho quỹ quản lý dự án tái phủ xanh khu rừng Garcia River ở hạt Mendocino (bang California); 1,50 USD còn lại dành tài trợ cho các dự án sạch xanh của San Francisco.

Phí gửi hành lý bay quốc tế

Kể từ tháng 7/2009, lần lượt các hãng bay lớn ở Mỹ gồm Delta, American, United, Northwest, Continental… đều đã thu thêm 50 USD/hành lý thứ hai ký gửi vào bụng máy bay ở các chuyến bay đến châu Âu. Khoản phụ phí này cũng được Delta Air Lines (hiện là hãng hàng không lớn nhất thế giới) và Continental Airlines áp dụng ở các chuyến bay đến châu Mỹ Latinh. Hiện nay các hãng chưa áp dụng phụ phí này ở các chuyến bay đến châu Á, nhưng chắc chắn sẽ tiến hành trong một tương lai không xa. Có khả năng rồi đây hành khách sẽ phải nộp phụ phí cả cho hành lý thứ nhất gửi vào bụng máy bay mỗi khi bay xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng không và gánh nặng phụ phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO