Đến Đài Bắc đừng quên ăn mì bò

LƯU HƯƠNG/DNSGCT| 10/08/2017 06:49

Với dân sành ăn tại Đài Bắc thì không đâu hơn được quán Linh Đông Phương (Lin Dong Fang), một trong số vài địa chỉ ẩm thực nổi tiếng nhất, có uy tín nhất với món mì bò.

Đến Đài Bắc đừng quên ăn mì bò

Với dân sành ăn tại Đài Bắc thì không đâu hơn được quán Linh Đông Phương (Lin Dong Fang), một trong số vài địa chỉ ẩm thực nổi tiếng nhất, có uy tín nhất với món mì bò.

Đọc E-paper

Bạn không thể đến Đài Bắc mà không thưởng thức món mì bò, đặc sản ẩm thực của thủ phủ đảo Đài Loan; giống như đến Paris mà không nếm bánh mì baguette, đến Madrid và các thành phố lớn của Tây Ban Nha mà không trải nghiệm món cơm paella, đến Ba Lan mà không ăn bánh gối pierogy nhân fromage, hay đến Việt Nam mà không nếm thử món phở vậy. Thật dễ dàng để tìm một quán bán mì bò ở Đài Bắc, nhưng nếu muốn ăn một tô mì bò đúng điệu nhất thì phải đến các hàng quán đã có thương hiệu.

Theo Mark Wiens – blogger nổi tiếng người Mỹ, chủ nhân một blog chuyên về ẩm thực (1), du khách đến với Đài Loan sẽ có dịp trải nghiệm nhiều món ăn đặc biệt ở lãnh thổ này, nhất là ba món: tiểu long bao (xiao long bao: một loại bánh bao nhỏ), đậu hũ thối (đậu hũ lên men, có mùi rất khó ngửi – món ăn nhẹ, bình dân, thường được bán ở các chợ đêm ở Đài Loan) và mì bò.

Ở Đài Bắc, gần như đi tới đâu cũng thấy có quán mì bò, nhưng được biết đến nhiều là một số nhà hàng, quán ăn trên đường Yong Kang và đường Tao Yuan. Tuy nhiên, với dân sành ăn tại Đài Bắc thì không đâu hơn được quán Linh Đông Phương (Lin Dong Fang), một trong số vài địa chỉ ẩm thực nổi tiếng nhất, có uy tín nhất với món mì bò: Linh Đông Phương được lọt vào top 3 trong danh sách các cửa hàng mì bò ngon nhất ở Đài Loan. 

Quán Linh Đông Phương

Trong bài viết trên blog của mình về món ăn này, Mark Wiens cho biết sau khi thăm dò và tìm hiểu về món mì bò ở Đài Bắc, anh đã chọn Linh Đông Phương vì cảm thấy quán mì này hợp với phong cách yêu thích món ăn đường phố của anh. Quả là Mark đã không nhầm, Linh Đông Phương dù rất nổi danh, đã là một thương hiệu ẩm thực song vẫn là dạng quán ăn bình dân hè phố.

Quán nằm trong một khu nhà kiểu cũ, giản dị và có phần luộm thuộm. Chỉ có một phòng ăn nhỏ với vài cái bàn bên trong quán, nhiều thực khách phải ngồi ở các bàn ăn quay mặt vào tường dọc theo hành lang. Vào giờ cao điểm, bên ngoài quán là hàng dài người xếp hàng chờ đến lượt mình.

Chẳng có thứ tiếng nào khác trên tờ thực đơn toàn tiếng Hoa, khách nước ngoài chỉ có thể chọn loại mì và cỡ tô mì trên mấy tấm bảng treo trên tường. Nhưng cũng không có nhiều lựa chọn: hoặc mì với thịt hoặc mì với gân, hay mì với cả thịt lẫn gân. Và tô lớn hay tô nhỏ, thế thôi. Khách có thể ăn mì kèm với vài loại rau, dưa muối chua và nêm thêm các loại gia vị có sẵn trên bàn.

Có dưa chua ăn kèm và các loại gia vị để nêm thêm tùy khẩu vị

Bếp của quán mở ra lối đi khu nhà nên thực khách có thể thấy rõ cái nồi to hầm thịt đang sôi sùng sục trên bếp và thao tác làm mì sợi thủ công của đầu bếp. Khách không phải đợi lâu, tô mì bốc khói được bưng ra bàn: những sợi mì màu trắng nhờ xếp dưới đáy, bên trên là mấy miếng gân và những lát thịt thái mỏng, tất cả ngập trong nước dùng màu nâu nhạt, điểm thêm màu xanh của hành lá xắt nhỏ. Mùi thơm của món ăn khiến dịch vị ứa ra, khách vội múc thìa nước dùng nếm thử ngay.

Nước dùng trong và ngọt dịu, không quá gây mùi bò nhưng đúng là chất ngọt của thịt hầm và thoang thoảng hương thơm thảo mộc, đặc trưng của nhiều món ăn Trung Hoa. Không thể biết được loại thảo mộc gì được hầm cùng thịt (và có lẽ không thể thiếu xương bò) để nấu nước dùng món mì bò tại Linh Đông Phương, nhưng đó là một trong những bí mật không thể chia sẻ và cũng là yếu tố quan trọng bậc nhất để làm nên danh tiếng của mì bò Linh Đông Phương.

Wow, làm sao ăn hết tô mì này!

Do nước dùng đã được nêm nếm thật vừa ăn nên gần như không cần phải thêm thứ gia vị nào đã có sẵn trên bàn ăn, tuy nhiên thêm một chút chua của giấm gạo và vài lát ớt vào tô mì không làm hại gì đến món ăn ngon. Muốn đậm đà hơn, nồng nàn hơn thì thêm một thìa nhỏ sa tế hoặc mù tạt vàng. Quả là “danh bất hư truyền”, những lát thịt bò được hầm nhừ, thật mềm như thể tan ngay trong miệng khi nhai. Mấy miếng gân giòn sừn sựt mới thật khoái khẩu. Sợi mì không bở, không dai, độ dài vừa một gắp đũa.

Giá một tô mì cỡ bình thường tại Linh Đông Phương là 140 Đài tệ, khoảng 4,59 USD, còn tô lớn có giá 220 Đài tệ, khoảng 7,30 USD. Với giá vừa túi tiền của số đông mà chất lượng tô mì có thể gọi là tuyệt hảo nên dễ hiểu vì sao quán luôn đông khách. Cũng không thiếu những du khách nước ngoài đến thăm thú Đài Loan, trong đó có người viết bài này. Do vậy, nếu muốn thưởng thức mì bò Linh Đông Phương, tốt nhất là nên đến sớm trước giờ ăn trưa hay chiều vì sẽ không phải xếp hàng chờ dài cả cổ!

Tô mì “khủng” Nhà hàng Chef Hung 888

Có một địa chỉ mì bò khác cũng nổi danh không kém ở Đài Bắc, đó là nhà hàng mì bò 888 của đầu bếp Hùng – Chef Hung. Con số 888 để chỉ giá của tô mì: 888 Đài tệ, hay tương đương 29 USD (cỡ 650.000 đồng VN). Với giá cao ngất như vậy, tô mì bò 888 cũng khác thường. Riêng phần thịt, có một tảng thịt bắp của bò non hay bê, nhiều lát thịt bò tươi, một miếng thịt hầm, rồi bao tử bò, sách bò và gân bò. Tất cả đều là loại thịt ngon nhất, xứng với số tiền khách bỏ ra ăn bữa mì bò ngoại hạng này, tất nhiên phải là người ăn rất khỏe mới có thể thanh toán ngần ấy thịt và gân!

Nhà hàng Chef Hung 888 nay có mặt tại Mỹ và Canada với nhiều chi nhánh. Và để đáp ứng nhu cầu cũng như túi tiền có hạn của nhiều thực khách, trong thực đơn nhà hàng còn có nhiều loại mì bò khác với giá hợp lý, từ 150-240 Đài tệ (khoảng 5-7,5 USD).

(1) Mark Wiens đã xuất bản một số sách điện tử (ebook): 101 việc để làm ở Bangkok, Hướng dẫn ẩm thực Thái, Hướng dẫn ẩm thực chay Thái, Hướng dẫn du lịch ở Delhi, Ấn Độ…

Với Sài Gòn, Mark Wiens đã đưa ra danh sách 25 món mà Mark cho rằng "phải ăn": cơm tấm sườn, bánh mì, phở, bún riêu, bún mắm, bún bò Huế, bún thịt nướng, bánh cuốn, bánh xèo, bò lá lốt, bánh tằm bì…

>>10 món ngon đặc trưng ở Đài Loan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Đến Đài Bắc đừng quên ăn mì bò
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO