Chốn xưa...

VŨ HÀ| 30/07/2009 05:25

Vùng sông nước miền Tây, bên cạnh đất hiền, trái ngọt còn có những di tích lịch sử như khu căn cứ cách mạng Xẻo Quýt và lăng mộ thân phụ Bác Hồ - cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Chốn xưa...

Vùng sông nước miền Tây, bên cạnh đất hiền, trái ngọt còn có những di tích lịch sử như khu căn cứ cách mạng Xẻo Quýt và lăng mộ thân phụ Bác Hồ - cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Khởi hành từ 5 giờ sáng, đoàn du lịch thẳng tiến đến Cao Lãnh. Khi đến khu căn cứ cách mạng Xẻo Quýt, du khách có cảm giác choáng ngợp bởi rừng tràm cao vút phủ kín lối đi. Phương tiện di chuyển ở nơi đây chủ yếu là xuồng ba lá. Để khơi lại cảm xúc hoạt động khi xưa, các cô chèo xuồng mặc quần đen, áo bà ba đen. Mỗi xuồng chở chừng năm, sáu người đi giữa những con kênh bề ngang rộng hơn một mét.

Giữa rừng chàm Xẻo Quýt

Luồn lách giữa rừng cây tràm cao ngút tầm mắt mới thấy hết thiên nhiên kỳ thú, bởi các loại dây leo như tơ hồng, chùm gửi bám che hết thân cây, thả dây chằng chịt, thỉnh thoảng có những thân cây đường kính to hơn vòng ôm của một người, gãy đổ. Điều thú vị là trên thân cây đã chết này, những mầm sống nhỏ nhoi vẫn đâm chồi nẩy lộc, tạo thành bức tranh nhiều màu của sự sống. Khách đi xuồng chỉ có thể ngắm trời xanh qua kẽ lá, bởi tán cây che phủ gần hết bầu trời. Đây là lợi ích “hai trong một” vì vừa giúp “hạ nhiệt” khí hậu, vừa tăng thêm độ che phủ cho vùng sông nước. Bên cạnh việc thỏa mãn thú du lịch, bạn còn có thể cảm nhận được sự cực khổ của những chiến sĩ năm xưa khi đi qua vùng sình lầy nước đọng dưới gốc cây...

Toàn bộ đất nơi đây mang màu phù sa, ẩm ướt, hòa quyện với xác lá chết gây nhiều khó khăn trong việc đánh giặc. Khi thấy chiếc áo bà ba đen của cô gái chèo xuồng ướt đẫm mồ hôi, chúng tôi thắc mắc thì được giải thích: Mang tiếng là chèo xuồng nhưng thực ra là chống, bởi nước cạn và có quá nhiều khúc quanh nhỏ khiến chiếc xuồng trở thành “gã khổng lồ” sẵn sàng đổ ụp hoặc đâm thẳng vào cây!
Trên đường đi, bạn sẽ được tham quan hội trường tỉnh ủy, phòng họp, hầm trú ẩn và cả những hố bom..., tất cả tái dựng rõ nét chiến khu xưa.

Cuộc viếng thăm kết thúc đúng vào bữa trưa. Đó là bữa cơm du khách khó thể quên bởi món rau đặc sản Nam bộ cùng cá chép chiên xù. Tại đây, nếu muốn, bạn còn có thể nghe đờn ca tài tử Nam bộ với những giọng hát chân quê nhưng nồng nàn, quyến rũ.

Khu lăng mộ thân phụ Bác Hồ - cụ Nguyễn Sinh Sắc

Điểm viếng thăm kế tiếp của vùng đất Đồng Tháp là mộ thân sinh Bác Hồ - cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - tại phường 4, thị xã Cao Lãnh. Cụ đỗ phó bảng trong khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901) và được triều đình Huế bổ nhiệm chức Thừa biện Bộ Lễ, rồi tri huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định vào ngày 1/7/1909. Ngày 27/8/1910, cụ bị cách chức và thải hồi về quê. Song, cụ không về quê mà đi thẳng vào đồng bằng Nam bộ hành nghề bốc thuốc giúp đỡ người dân trong vùng. Cụ qua đời ngày 26/11/1929 (tức ngày 26 tháng 10 năm Kỷ Tỵ). Hiện phần mộ của cụ đã trở thành công trình lịch sử, văn hóa của tỉnh Đồng Tháp và đồng bằng sông Cửu Long.

Khu di tích hình chữ nhật mở rộng nên rất thuận tiện cho khách tham quan thắp nhang và tìm hiểu cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc. Phần độc đáo nhất của công trình là vòm mộ cụ phó bảng, mang dáng dấp một đài sen với chín đầu rồng, tượng trưng cho tấm lòng nhân dân đồng bằng sông Cửu Long đối với cụ. Khu di tích còn có nhà kiếng trưng bày một số hình ảnh, hiện vật của cụ phó bảng.

Ngày 19/5/1990, Đồng Tháp xây dựng ngôi nhà sàn y hệt ngôi nhà sàn Bác Hồ ở và làm việc tại Hà Nội từ năm 1958 đến khi qua đời. Tầng trệt nhà sàn cũng có bàn họp Bộ Chính trị và 12 chiếc ghế xếp. Sự khác biệt duy nhất là ở chiếc đồng hồ tại phòng khách. Chiếc đồng hồ ở Hà Nội vẫn chạy đều, còn ở đây nó dừng ở 9 giờ 47 phút, là giờ Bác mất, nói lên điều tiếc nuối là Bác chưa một lần vào thăm miền Nam. Trên gác là phòng ngủ và phòng làm việc rất đơn sơ, mộc mạc, cho thấy cuộc đời thanh bạch của Bác. Vườn cây quanh nhà xum xuê, trĩu quả, cũng có cả cây vú sữa (đồng bào miền Nam tặng Bác cây vú sữa và đã được Bác trồng tại nhà sàn ở Hà Nội).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Chốn xưa...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO