80% lao động ngành du lịch... chập chững vào nghề

BÍCH HỒNG| 12/12/2006 09:55

Tại hội nghị thường niên 2006 về Hợp tác liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và EU vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng.

80% lao động ngành du lịch... chập chững vào nghề

Tại hội nghị thường niên 2006 về Hợp tác liên kết phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam giữa Tổng cục Du lịch Việt Nam và EU vừa tổ chức tại TP Đà Nẵng.

Các chuyên gia tư vấn của EU cho dự án này nhắc đi nhắc lại viễn cảnh vào năm 2010 nguồn nhân lực du lịch của các nước ASEAN sẽ thoải mái tràn vào Việt Nam tìm cơ hội làm việc theo các hiệp định của ASEAN. Cơ may lao động từ các nước láng giềng trong ASEAN tìm được những công việc tốt nhất tại Việt Nam là rất lớn do họ đã được đào tạo theo tiêu chuẩn cao.

Ông Jaap P.F.M. Funnekiter, Giám đốc dự án cho rằng có tình trạng do dự trong các doanh nghiệp du lịch Việt Nam khi đầu tư để đào tạo nguồn nhân lực, lý do là sợ mất nhân viên đã qua đào tạo. Hiện tại, ngành du lịch sử dụng trên 230 nghìn lao động, đến thời điểm này, 80% trong số đó vẫn ở trình độ mới vào nghề. Hầu hết hướng dẫn viên du lịch xuất phát từ các trường ngoại ngữ, nghĩa là họ không được đào tạo thêm gì ngoài ngoại ngữ.

Còn trong các trường dạy nghề thì 60% những gì người ta dạy là mang tính lý thuyết, khó áp dụng vào thực tế. Thạc sĩ Trần Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Trung học nghiệp vụ du lịch Huế phân tích thêm về các điểm yếu kém trong đào tạo nguồn nhân lực là chưa có cơ sở đào tạo nào cung cấp được nguồn giáo viên dạy về du lịch đạt chuẩn mực. Giáo viên được tuyển chọn vào các cơ sở giảng dạy vẫn thiếu kiến thức du lịch, yếu về kỹ năng thực hành nghề nghiệp và chưa được huấn luyện về phương pháp giảng dạy du lịch.

Ông Hoàng Tuấn Anh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói: Sản phẩm dịch vụ du lịch của Việt Nam không có điểm đặc sắc, chất lượng không đạt yêu cầu của khách. Các doanh nghiệp du lịch yếu về tiếp cận thị trường, về cạnh tranh và yếu cả vốn. Nhưng yếu hơn cả của du lịch Việt Nam nằm ở con người: thiếu văn hoá nền, kém về ứng xử và hoàn toàn không chuyên nghiệp.

Những yếu kém đó không chỉ tạo nguy cơ mất việc trong lực lượng lao động người Việt, mà tốc độ tăng trưởng từ du lịch Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều nước trong khu vực do chất lượng dịch vụ không đạt chuẩn, mà theo ngôn ngữ của các nhà nghiên cứu là “không hướng vào khách hàng”.

Ông Jaap P.F.M. Funnekiter kêu gọi thay đổi quan điểm đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam, trước hết là trong giới quản lý doanh nghiệp, dù có tình trạng “cướp nhân viên” của nhau nhưng không phải vì vậy mà không đào tạo nhân viên bởi sau đó sẽ có sự luân chuyển lao động trong khu vực.

Nhà trường nên thay đổi cách đào tạo, làm cho nó thực tế hơn chứ không chỉ cung cấp “các kỹ năng cứng”, mà phải chú trọng đến các kỹ năng con người về cách sống, cách cư xử, hiểu biết văn hóa lịch sử đất nước, cung cấp kiến thức nền cho cán bộ quản lý du lịch các cấp. Các chuyên gia theo dõi dự án cũng nhấn mạnh yêu cầu thay đổi thể chế phù hợp với các qui định của WTO, liên kết giữa khu vực công và tư nhân phát triển nguồn nhân lực, có những chứng nhận về chuẩn đào tạo trong ngành du lịch phù hợp với quốc tế.

Dự án của Ủy ban Châu Âu hỗ trợ cho Việt Nam 12 triệu USD để đào tạo và tái đào tạo nhân lực du lịch đã đặt trọng tâm vào cải thiện trình độ giáo dục trong lĩnh vực du lịch. Một kinh nghiệm từ Macao kể từ khi đặc khu này được công nhận là di sản văn hóa thế giới: Viện Du lịch Macao nhận thấy khách du lịch vào đây sẽ tăng mạnh và có thay đổi về nhu cầu, nên đề ra mục tiêu giáo dục những người làm du lịch với hai khóa đào tạo đặc biệt: “Giới thiệu về di sản văn hóa Macao” và “Hướng dẫn du lịch di sản”.

Cách giáo dục chuyên sâu tạo cho hướng dẫn viên khả năng thẩm thấu giá trị của di sản, có cách ứng xử mới trong chuyên môn. Thay đổi uyển chuyển tùy từng thời kỳ phát triển dịch vụ du lịch đã giúp cho đặc khu này đón 19 triệu du khách mỗi năm. Một số thành công khác của ngành du lịch các nước láng giềng như Thái Lan hay Ấn Độ đều là kết quả của việc nâng cấp nguồn nhân lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
80% lao động ngành du lịch... chập chững vào nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO