Trước tiên, đảm bảo đủ dinh dưỡng, không ăn quá nhiều đạm, chất béo mà quên các chất dinh dưỡng khác như rau củ, trái cây tươi. Một số loại thức ăn nên dùng hạn chế vì chứa quá nhiều đường (bánh, mứt), chất béo (thức ăn chiên, xào)... Trước khi đi thăm, chúc Tết họ hàng, bạn bè, tốt nhất nên ăn bữa nhẹ nhằm “tiết chế” nhu cầu ăn uống. Nhưng đừng nhịn ăn vì sẽ khiến bạn ăn nhiều hơn trong các bữa tiệc ngày Tết. Trong những ngày Tết, thật khó mà cưỡng lại các món ăn hấp dẫn như thịt kho tàu, bánh chưng, bánh tét... nhưng đó là những món dễ khiến bạn tăng cân nhất. Để hạn chế tăng cân, bạn nên chia bữa ăn ra thành nhiều bữa nhỏ, mỗi lần ăn một ít. Cần chú ý ăn thêm nhiều rau xanh, trái cây để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng.
Vào dịp Tết, bạn đừng quên uống đủ nước. Nhưng là uống nước lọc thay vì “nhâm nhi” nước ngọt, cà phê vì thực chất những thức uống đó chỉ giúp giải khát chứ không bổ sung nước cho cơ thể tốt bằng nước lọc. Các loại nước giải khát, nước tăng lực, sirô... thường nhiều đường, không nên dùng quá nhiều, nhất là nếu bạn cần kiêng đường và giữ dáng. Riêng với rượu bia, chỉ nên uống có chừng mực, đủ để kích thích ăn ngon và vui vẻ với không khí Tết. Trà cũng là loại dùng nhiều trong dịp Tết. Nhưng nếu uống trà ảnh hưởng đến giấc ngủ thì không nên uống lúc chiều tối mà nên dùng vào buổi sáng.
Thực phẩm ngày Tết thường được mua và dự trữ để ăn nhiều ngày nên rất dễ bị ôi thiu, lên mốc (nhất là các loại đồ nguội, thực phẩm chế biến sẵn). Vì vậy, việc bảo quản các món ăn ngày Tết rất quan trọng, nếu không có thể gây ngộ độc, rối loạn tiêu hóa... ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, khiến ngày Tết mất vui. Khi mua thực phẩm vào dịp Tết, bạn nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, tốt nhất là chọn thực phẩm đã qua kiểm dịch của cơ quan chức năng. Với rau củ quả, nên đến các cửa hàng rau sạch, siêu thị, chọn mua rau quả còn nguyên, tươi, không bị hư hỏng. Việc tích trữ quá nhiều thực phẩm mà không được bao gói cẩn thận có thể dẫn đến ôi thiu, ám mùi, vi khuẩn lây lan... Vì thế, hãy phân loại thực phẩm trước khi cất vào tủ lạnh (thịt cá, hoa quả, rau củ... để riêng). Dù gia đình nhiều người, bạn cũng chỉ nên tích trữ thức ăn vừa đủ 1-2 ngày vì các khu chợ và siêu thị hiện nay luôn sẵn sàng bán hàng xuyên Tết rồi.
Ngày Tết, hầu như nhà nào cũng có nhiều bánh chưng, bánh tét nhưng cách bảo quản bánh để tránh bị mốc, thiu và tránh cho bánh bị “lại gạo” thì không phải ai cũng biết. Bánh chưng cần để nguyên lá gói, cho vào tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần mặt cắt, lấy giấy nilông bao kín lại. Nếu bánh có hiện tượng lại gạo (bánh cứng) bạn nên luộc, chiên hoặc hấp lại. Còn với bánh tét, thời gian sử dụng bánh tét trong vòng 2-3 ngày. Nếu muốn sử dụng lâu hơn nên cho bánh vào tủ lạnh, lúc nào cần dùng thì đem bánh ra hấp lại. Mứt là món ăn rất đặc trưng trong ngày Tết truyền thống của người Việt. Để mứt không bị chảy nước hay mốc, bạn nên cất trong lọ thủy tinh, phủ một lớp đường trắng lên trên rồi đậy nắp thật kín lại, bảo quản ở nơi có nhiệt độ không quá nóng hoặc quá lạnh.
Những ngày nghỉ Tết, bạn thường có thói quen đi ngủ muộn và “ngủ nướng”, mất nhiều thời gian cho việc nấu nướng, dọn dẹp, đi chúc Tết, nên không còn thời giờ cho việc tập luyện thể thao. Những địa điểm tập luyện cũng không mở cửa phục vụ trong dịp này. Tuy nhiên, việc duy trì sinh hoạt điều độ và tập luyện thể chất trong những ngày này để tăng cường sức khỏe, giữ vóc dáng là điều rất cần thiết. Thế nên phương án khả thi nhất là luyện tập ngay tại nhà. Những động tác vận động toàn thân sẽ giúp bạn tiêu hao lượng calo thừa và cho bạn một tinh thần sảng khoái. Chỉ cần 15-30 phút tập mỗi ngày trong suốt những ngày nghỉ, bạn sẽ cảm thấy thật khỏe khoắn để bắt tay vào những dự định cho năm mới.