Đoàn Việt Nam do Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú làm Trưởng đoàn đã tham dự các sự kiện của hội nghị AIIB. Tại cuộc họp, ba nước Benin, Djibouti và Rwanda đến từ châu Phi đã được kết nạp là thành viên của tổ chức cho vay đa phương này. Như vậy, sau ba năm hoạt động, hiện AIIB đã có 100 thành viên.
Với 100 thành viên và số vốn đầu tư 8,5 tỷ USD cho 46 dự án tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn - người vừa được bầu làm Chủ tịch Ban thống đốc AIIB cho rằng, mặc dù quy mô của tổ chức này vẫn còn cách xa quy mô của Ngân hàng Thế giới (WB) với 189 thành viên, song AIIB lớn hơn Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với 68 thành viên, AIIB đã trở thành một định chế tài chính đa phương.
Thể chế tài chính đa phương do Trung Quốc khởi xướng này bắt đầu hoạt động vào tháng 1/2016 với 57 thành viên sáng lập. Cuộc họp năm nay nhấn mạnh sự hợp tác và kết nối mạnh mẽ hơn giữa châu Á và châu u, kết nối kỹ thuật số, cơ sở hạ tầng bền vững và huy động vốn cho các quá trình chuyển đổi kinh tế tuần hoàn. Các thành viên của AIIB hiện chiếm 78% dân số thế giới và 63% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.
Đây là lần đầu tiên ngân hàng này tổ chức hội nghị kéo dài hai ngày bên ngoài khu vực châu lục trong bối cảnh thể chế tài chính đa phương này tìm cách định vị bản thân trong nền tài chính toàn cầu. Các tổ chức đa phương đang xúc tiến triển khai nhiều sáng kiến, như kết nối ASEAN 2025, hành lang phát triển Á - Phi, chương trình hợp tác kinh tế trung tâm châu Á, chương trình hợp tác kinh tế khu vực Nam Á...
Sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng các sáng kiến kết nối đòi hỏi sự tăng cường hợp tác giữa các tổ chức đa phương nhằm đảm bảo tính hiệu quả và tiết kiệm nguồn lực, chất lượng dự án đầu tư, tính minh bạch, tính tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường xã hội.
Ban giám đốc AIIB đã thảo luận về sáng kiến thành lập Trung tâm Hợp tác đa phương về tài chính phát triển (MCDF), là sáng kiến được đưa ra với mục tiêu thúc đẩy hợp tác giữa các ngân hàng phát triển đa phương trong đầu tư cơ sở hạ tầng kết nối chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế.
Phó chủ tịch AIIB Danny Alexander nói: "Hiện chúng ta đang có thành viên trên tất cả châu lục". Sự phát triển của AIIB được xem là chiến thắng ngoại giao đối với Trung Quốc - quốc gia nắm giữ quyền bỏ phiếu lớn nhất trong ngân hàng này. Mặc dù Mỹ không tham gia AIIB nhưng Trung Quốc đã thuyết phục thành công các đồng minh chủ chốt của Washington (trong đó có Anh) tham gia vào tổ chức cho vay này.