8 nguyên tắc để thành công hơn nữa - lời khuyên từ người thành công

11/05/2016 06:58

Những người thành công có 4 niềm tin: Tôi đã thành công, tôi có thể thành công, tôi sẽ thành công và tôi chọn thành công. Họ tin rằng 4 niềm tin ấy sẽ đưa họ từ vị trí cũ sang vị trí cao hơn.

8 nguyên tắc để thành công hơn nữa - lời khuyên từ người thành công

TS. Marshall Goldsmith

Tuy nhiên, qua nhiều năm nghiên cứu về giáo dục và quản trị, TS. Marshall Goldsmith - một trong 50 nhà tư tưởng vĩ đại và nhà lãnh đạo kinh doanh có ảnh hưởng nhất do Hiệp hội Quản lý Mỹ vinh danh - đúc kết rằng “thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai”, bởi vì trong mỗi con người vốn sẵn có những thói quen có thể cản bước tiến thành công của chính mình.

May mắn thay, bằng kinh nghiệm làm việc hơn 30 năm, Marshall Goldsmith cũng “tìm thấy” những phương cách cực kỳ dễ áp dụng để bỏ đi những thói quen ấy, để người thành công có thể vươn tới thành công ngày càng xa hơn.

Những lời khuyên thành công ấy có trong cuốn What got you here won’t get you there (bản tiếng Việt: Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai).

Một số nội dung chính trong Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai - một trong những cuốn sách hay nên đọc.

Phần I: Những phiền toái của thành công

Hầu như tất cả chúng ta đều ảo tưởng về những thành quả, địa vị và những đóng góp của mình. Niềm tin ảo tưởng thần thánh này mang lại tự tin cho ta, tuy nhiên, có lẽ sự tự tin đó cũng chẳng mang lại lợi ích gì. Chúng xóa bỏ những nghi ngờ. Chúng che mắt chúng ta trước những rủi ro và thách thức trong công việc.

Những ảo tưởng này sẽ trở thành những trở ngại lớn khi chúng ta cần thay đổi. Chúng ta sống với ảo giác thần thánh đó rồi khi có người muốn làm chúng ta thay đổi, chúng ta lại xem họ như sự cản trở thực sự.

Bất kỳ người nào, cũng giống như mọi loài động vật khác, đều có khuynh hướng lặp lại thái độ có vẻ mang đến những điều tích cực. Càng đạt được nhiều, chúng ta càng muốn tăng thêm quá trình lặp lại. Điều nguy hiểm là chúng sẽ làm chúng ta nhầm lẫn về “Tôi hành động theo cách của tôi và tôi sẽ thành công. Vì thế tôi phải thành công vì tôi đã hành động như vậy”. Điều này là trở ngại khiến người đã thành công khó nhận diện ra được đâu là nguyên nhân thực sự tạo ra thành công đó và đâu là những nguyên nhân do mình “mê tín” dựng nên.

Nếu bạn biết điều gì quan trọng với mình, càng dễ cho bạn thay đổi. Nếu bạn không xác định được, bạn sẽ không biết khi nào nó đe dọa bạn.

Thành công hôm nay chưa chắc thành đạt ngày mai doanhnhansaigon
Người dịch: Kim Hạnh
Bản quyền tiếng Việt: NXB Trẻ

Phần II – Hai mươi thói quen cản bước tiến thành công của bạn

Chức vụ càng cao, ta càng gặp rắc rối về thái độ. Hầu hết những nhà lãnh đạo ở những cương vị cao đều có chuyên môn rất tốt. Họ đều giỏi. Họ thông suốt công việc.

Tuy nhiên, bạn muốn có một CFO (Giám đốc tài chính) như thế nào? Một kế toán hạng khá, hòa nhã với mọi người và giỏi quản lý những nhân viên xuất sắc? Hay một kế toán xuất sắc nhưng lạnh lùng và xa cách với tất cả những nhân viên giỏi cấp dưới?

Trong cuộc đua thăng chức, sự khác biệt về năng lực không đáng kể. Sự khác biệt về thái độ có ảnh hưởng sâu rộng, thực ra có thể làm thay đổi cả sự nghiệp.

Cũng giống như việc mọi người thường có khuynh hướng đánh giá cao các ưu điểm của họ hơn mức có thực, họ cũng sẽ đánh giá quá mức cả những khuyết điểm. Họ nghĩ họ thực sự tệ ở một việc nào đó trong khi thực tế họ chỉ ở mức bình thường hoặc cùng lắm là hơi kém. Họ cho rằng họ bị điểm F khi họ thực sự chỉ là điểm C trừ. Nói cách khác, họ thấy bệnh ung thư trong khi giới chuyên môn chỉ thấy sưng cơ mà thôi. Vì vậy, hãy tạm dừng việc tự chẩn đoán lại.

Trước khi “chọn ra những điểm cần phải sửa ngay”, chúng ta cần nhìn nhận “hai mươi thói quen trong giao tiếp thường ngày mà hầu như người thành công nào cũng có thể gặp phải. Những thói quen này gây ra cho họ rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với đồng nghiệp và người thân của mình.

20 thói quen cản bước thành công:

1. Háo thắng
2. Can thiệp quá nhiều
3. Hay đánh giá
4. Phê bình không có tính xây dựng
5. Nói “không”, “nhưng” và “tuy nhiên”
6. Cho cả thế giới biết bạn thông minh dường nào
7. Nổi nóng
8. Tiêu cực, hay “để tôi giải thích vì sao cách này không phù hợp”
9. Che giấu thông tin
10. Không biết thừa nhận
11. Tranh công
12. Hay bào chữa
13. Bám víu vào quá khứ
14. Thiên vị
15. Từ chối xin lỗi
16. Không biết lắng nghe
17. Không biết nói cám ơn
18. Phạt người báo tin
19. Đổ lỗi
20. Cái tôi thái quá

Phần III: Làm sao chúng ta có thể thay đổi cho tốt hơn

Nghiên cứu các lỗi giao tiếp kể trên, các bạn sẽ thấy ít nhất một nửa số lỗi đó bắt nguồn từ việc ép buộc thông tin. Khi chúng ta muốn được can thiệp điều gì đó, được đưa ra lời phê bình, hoặc chứng tỏ rằng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, hoặc giải thích “vì sao việc không thành”, đó chính là lúc ta ép buộc việc chia sẻ thông tin.

Chúng ta đang kể cho người khác nghe điều họ chưa biết. Chúng ta tưởng rằng làm vậy sẽ khiến cho người khác giỏi hơn hoặc động viên họ làm việc tốt hơn, nhưng kỳ thực chúng ta lại gặt lấy kết quả ngược lại.

Tương tự như vậy, khi chúng ta không công nhận thành quả đóng góp của người khác, tranh công của họ, từ chối xin lỗi hoặc không thể hiện sự biết ơn, đó chính là khi chúng ta che giấu thông tin, không chia sẻ.

Chia sẻ hay che giấu. Đó là hai mặt của cùng một đồng xu.

Khi chia sẻ thông tin hoặc cảm xúc, chúng ta phải tự hỏi liệu thông tin hoặc cảm xúc này có phù hợp không và mình nên thể hiện ở mức nào?

Nếu biết dừng lại và tự hỏi những câu hỏi này và xem chúng là bản hướng dẫn cho những hành động hoặc lời nói của mình, bạn sẽ tránh được và không phải rơi vào những tình huống khó xử.

Đây là phương pháp tổng quan để điều chỉnh những lỗi trong giao tiếp.

Phần IV - Dốc hết sức

Một trong những đặc điểm của người thắng cuộc: Họ luôn chọn sẵn tình thế có lợi cho mình. Và họ không hề lúng túng với việc đó.

Họ áp dụng điều này khi tuyển chọn ứng viên xuất sắc nhất cho một công việc thay vì tạm hài lòng với người gần xuất sắc nhất.

Họ sẽ áp dụng điều này khi “bằng mọi giá” giữ chân một nhân viên có tài thay vì để vuột mất họ hoặc để họ rơi vào tay công ty đối thủ.

Link bài viết

Họ sẽ áp dụng điều này khi họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc thương lượng thay vì nhảy ào vào.

Những người thành công đã quá rõ chiến lược để chiến thắng đến độ tôi cảm thấy khá ngại khi phải đề cập ra ở đây… Nhưng thật tuyệt làm sao khi thấy có những người đã biết thay đổi để loại bỏ những điều bất lợi cho họ.

Khi nói về các thái độ giao tiếp, đa số mọi người sẽ rối lên và mờ mịt. Họ mất hẳn phương hướng về nhiệm vụ thực sự trong cuộc sống của mình. Họ gặp khó khăn trong việc xác định hay chấp nhận thái độ đã cản bước tiến của họ. Họ không biết làm sao để chọn lựa chiến lược khó khăn đó. Và họ thường chọn phương pháp sai lầm.

Tám nguyên tắc sau sẽ giúp bạn giành được nhiều lợi thế cho mình, nếu tuân thủ chúng:

1. Bạn có thể không mắc căn bệnh mà sự thay đổi hành vi có thể chữa được. Đôi khi chúng ta lầm tưởng những sai sót trong giao tiếp với những thứ khác. Ranh giới giữa sai sót về thái độ và nhược điểm về kỹ thuật rất mờ nhạt. Vì vậy hãy cẩn thận. Có thể bạn đang cố sửa một thái độ không hề sai, nó không cần phải chỉnh sửa, hoặc chính bạn cũng không thể sửa được.

2. Chọn đúng thứ cần thay đổi. “Mong muốn” hoàn toàn khác với “chọn lữa”. Sự khác biệt này thật mong manh, nhưng là có thật. Đôi khi, do sự thôi thúc của tự nhiên, chúng ta thường phớt lờ những vấn đề hiển nhiên để được đi trên con đường ít cản trở nhất, được bắt đầu với những sai sót dễ sửa nhất. Đó là mong muốn. Nhưng điều bạn cần làm là đưa ra “lựa chọn” đúng về căn “bệnh” mà mình cần phải chữa.

3. Đừng lừa dối bản thân về những điều mình thực sự cần phải thay đổi. Việc gặt hái mục tiêu lâu dài đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, sự hy sinh cá nhân, nỗ lực bền bỉ và tận tụy với một quy trình được duy trì từ năm này sang năm khác. Và thậm chí sau khi đã bỏ ra nhiều nỗ lực như vậy, kết quả cũng chưa chắc như mình mong đợi. Vì vậy, nếu bạn muốn thành công trong việc đặt ra mục tiêu, bạn phải đối mặt với thực tế của các nỗ lực và kết quả ngay cả trước khi bắt đầu.

4. Đừng trốn tránh sự thật mà bạn cần phải lắng nghe. Chúng ta cho rằng nếu mình đừng hỏi xin ý kiến phê bình về các thái độ của mình thì chẳng ai phê bình hay chỉ trích mình cả. Kiểu suy nghĩ này rõ ràng là bất chấp lý lẽ. Phải dừng ngay! Tốt hơn hết bạn nên tìm ra sự thật hơn là tìm cách phủ nhận.

5. Chẳng có thái độ nào là lý tưởng nhất. “Điểm chuẩn” là một điều rất hay, bởi vì nó dạy chúng ta phải vươn tới mục tiêu cao hơn. Nhưng khi áp dụng điều đó vào bản thân mình, chúng ta lại thường với quá cao. Bạn không thể và cũng không cần phải giống tất cả những người giỏi nhất trong từng lĩnh vực. Hãy chọn một điều để cải thiện, thay vì tất cả mọi thứ. Và tin vui là: Chỉ cần một thay đổi thôi sẽ làm tất cả những mặt khác tốt theo – Đó là sự thật mang tính thống kê.

6. Nếu bạn có thể đo lường một điều gì, bạn có thể đạt được nó. Mọi thứ đều có thể được đo lường nếu chúng ta đủ khéo léo nhận ra rằng việc đó cần phải được đo lường, và có thể nghĩ ra cách để theo dõi điều đó. Khi theo dõi những con số, nó sẽ không những cho thấy bạn đang cải thiện tốt hơn mà còn nhắc cho người khác biết rằng bạn đang cố gắng.

7. Dùng tiền để có kết quả, tạo ra giải pháp. Bạn có thể sử dụng tiền để phạt và chấm dứt một vấn đề. Hoặc bạn có thể khen thưởng và tạo một hướng giải quyết. Cách nào cũng có hiệu quả.

8. Thời điểm tốt nhất để thay đổi chính là bây giờ. Nên dừng ngay kiểu ước mơ sẽ có lúc không còn bận rộn. Thời điểm đó không bao giờ đến, bởi vì thường thì ngày mai bạn cũng sẽ bận rộn khủng khiếp như ngày hôm nay mà thôi. Vì vậy, nếu bạn muốn thay đổi bất cứ điều gì ở mình, thời điểm tốt nhất để bắt đầu là ngay bây giờ!

Đừng nhìn về phía trước. Hãy nhìn lại phía sau. Hãy nhìn lại cuộc sống bạn mong được sống. Bạn đang ở đây. Bạn có thể đi đến bất kỳ nơi đâu. Nào, hãy bắt đầu cuộc hành trình!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
8 nguyên tắc để thành công hơn nữa - lời khuyên từ người thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO