1. Đặt điện thoại ở nơi có nhiệt độ khắc nghiệt trong thời gian dài
Bạn có bao giờ để điện thoại trong ô tô vào những ngày nắng nóng hoặc đêm đông lạnh giá, sạc pin trong khi để điện thoại ở dưới gối hoặc sử dụng các ứng dụng tiêu tốn nhiều điện năng dưới ánh nắng trực tiếp?
Bên cạnh việc tiêu hao pin nhanh hơn (và khiến bạn phải sạc nhiều hơn), việc tiếp xúc với môi trường quá nóng hay quá lạnh trong thời gian dài có thể đẩy nhanh quá trình lão hóa hoặc gây ra hư hỏng vĩnh viễn cho thiết bị. Bởi vì điện thoại ngày nay thường được trang bị pin lithium-ion vốn không thể hoạt động tốt khi tiếp xúc với nhiệt độ khắc nghiệt.
Với lưu ý này, tốt nhất bạn nên tránh sử dụng thiết bị của mình dưới ánh nắng trực tiếp hoặc bất kỳ môi trường nào có nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao. Nếu nhận thấy điện thoại nóng lên trong khi sử dụng, hãy tắt nguồn để điện thoại nguội một chút trước khi tiếp tục sử dụng.
2. Sử dụng sai bộ sạc
Bạn có thể nghĩ rằng tất cả bộ sạc (gồm cáp sạc và củ sạc) đều được tạo ra như nhau và miễn là đầu nối của cáp tương thích với cổng sạc trên điện thoại thì nó sẽ hoạt động tốt. Dĩ nhiên là chúng có thể sẽ sạc được cho điện thoại của bạn, nhưng có thể không hoạt động hiệu quả như bộ sạc đi kèm với thiết bị. Hơn nữa, bộ sạc không tương thích có thể làm giảm tuổi thọ của pin hoặc thậm chí làm hỏng cổng sạc của điện thoại.
Không phải tất cả bộ sạc đều cung cấp cùng một lượng điện năng và một số bộ sạc có chất lượng tốt hơn các bộ sạc khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn phải sử dụng bộ sạc gốc của thiết bị. Bạn có thể mua bộ sạc từ các thương hiệu uy tín và kiểm tra xem chúng có an toàn để sử dụng hay không. Chỉ cần đảm bảo rằng chúng được nhà sản xuất chứng nhận và có đầu ra chính xác cho thiết bị của mình.
3. Tải xuống các ứng dụng độc hại
Việc tải xuống ứng dụng từ các nguồn không chính thức hoặc cửa hàng ứng dụng của bên thứ ba có thể khiến thiết bị có nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại (malware). Các ứng dụng này có thể lây nhiễm virus và phần mềm gián điệp vào thiết bị nhằm mục đích lấy cắp thông tin cá nhân, mật khẩu và thậm chí cả chi tiết ngân hàng của bạn. Hơn thế nữa, chúng có thể cấp cho tội phạm mạng quyền truy cập vào máy ảnh và micro của thiết bị với mục đích theo dõi, nghe lén, xâm phạm quyền riêng tư.
Do đó, hãy lưu ý là chỉ tải xuống ứng dụng từ các cửa hàng chính thức sẽ an toàn hơn vì họ có quy trình sàng lọc để ngăn các ứng dụng độc hại xuất hiện trong danh sách mà họ cung cấp.
4. Dọn dẹp các ứng dụng chạy nền theo cách thủ công
Bạn có thường xuyên đóng tất cả ứng dụng chạy ngầm trên điện thoại của mình để cải thiện hiệu suất điện thoại hay không? Điều đó thực sự không cần thiết và thậm chí có thể gây hại nhiều hơn lợi. Nhiều người cho rằng việc một số ứng dụng chạy nền khi bạn không chủ động sử dụng chúng có thể làm chậm thiết bị. Tuy nhiên, hầu hết điện thoại đời mới ngày nay đều được thiết kế để xử lý khối lượng công việc như vậy, giữ chúng ở trạng thái năng lượng thấp cho đến khi cần thiết.
Tốt hơn là nên để chúng chạy nền thay vì buộc chúng đóng lại vì điện thoại có thể sử dụng ít năng lượng hơn để chuyển từ ứng dụng đang hoạt động sang ứng dụng chạy nền, cho phép bạn tiếp tục sử dụng từ nơi đã dừng lại trước đó nhanh hơn và ít gây hao pin hơn cho thiết bị.
5. Bỏ qua việc tải và cài đặt các bản cập nhật mới
Có thể bạn không thích những thông báo khó chịu khi điện thoại cho biết một bản cập nhật phần mềm mới đang có sẵn. Tuy nhiên, đây là những gián đoạn cần thiết giúp thiết bị của bạn hoạt động trơn tru và an toàn. Nói chung, các bản cập nhật này không chỉ tập trung vào việc cải thiện trải nghiệm người dùng mà còn bao gồm các bản vá bảo mật giải quyết các lỗ hổng mới được phát hiện. Nếu bỏ qua chúng, về cơ bản bạn đang để điện thoại của mình dễ bị phần mềm độc hại tấn công. Ngoài ra, các bản cập nhật thường sửa lỗi có thể khiến điện thoại hoạt động sai hoặc hoạt động chậm.
Vì vậy, trong lần tiếp theo nhận được thông báo đó, hãy đảm bảo rằng bạn sẽ tải xuống và cài đặt bản cập nhật càng sớm càng tốt.
6. Sử dụng Wi-Fi công cộng
Một trong những sai lầm phổ biến mà hầu hết người dùng hiện nay ai cũng mắc phải là sử dụng Wi-Fi công cộng miễn phí bất cứ khi nào họ đến đâu. Tuy nhiên, sự tiện lợi này đi kèm với một số rủi ro. Các điểm truy cập Wi-Fi công cộng thường không an toàn vì chúng không được mã hóa hoặc có các biện pháp bảo mật yếu. Điều này khiến những kẻ xấu dễ dàng lấy cắp thông tin cá nhân nếu bạn kết nối với một trong những mạng này.
Ngoài ra, bạn cũng có nguy cơ lây nhiễm phần mềm độc hại vào điện thoại của mình, có thể dẫn đến việc ứng dụng thường xuyên bị treo mà không có lý do, quá nóng và rút ngắn thời lượng pin.
Nếu buộc phải sử dụng Wi-Fi công cộng, hãy chỉ kết nối với các mạng được mã hóa và bảo vệ bằng mật khẩu. Bạn cũng không nên truy cập các trang web có thể làm rò rỉ những thông tin cá nhân quan trọng, chẳng hạn như giao dịch ngân hàng trực tuyến hay mua hàng online.
7. Thói quen sạc không đúng cách
Mặc dù dung lượng pin của thiết bị về mặt kỹ thuật sẽ bị hao mòn dần theo thời gian, nhưng một số thói quen sạc xấu có thể đẩy nhanh quá trình này. Ví dụ, để pin cạn kiệt hoặc sạc đầy 100% không phải là điều lý tưởng cho tuổi thọ lâu dài của pin. Điều này là bởi pin thiết bị di động có một số chu kỳ sạc giới hạn và việc lặp lại quá trình này theo thời gian sẽ làm giảm hiệu suất của nó. Tốt nhất, hãy cố gắng giữ cho điện thoại thường được sạc từ 30-80%, vì lúc này thiết bị sẽ sử dụng ít chu kỳ sạc hơn và cải thiện tuổi thọ của pin.
Ngoài ra, điện thoại thường nóng lên khi sạc pin, điều này không sao ở một mức độ nào đó. Tuy nhiên, nếu nó quá nóng thì có thể gây ra hư hỏng vĩnh viễn cho pin. Vì vậy, hãy cố gắng sạc điện thoại ở nơi mát mẻ, thoáng gió và tránh đặt dưới gối hoặc nơi có ánh nắng trực tiếp lúc sạc.