5 đề xuất sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước

PGS-TS. VÕ ĐẠI LƯỢC| 10/03/2016 06:29

Liên quan đến sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước, cần lưu ý 5 nội dung chính sau đây:

5 đề xuất sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 2 Khóa XI vào đầu năm 2011. Từ đó đến nay, DNNN đã được tái cấu trúc một bước cơ bản trên cơ sở giải thể các DN yếu kém, làm ăn thua lỗ, không đủ điều kiện tồn tại. Kết quả này có ý nghĩa quan trọng trong quá trình cải cách song phải thừa nhận số DNNN còn lại vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế quốc dân.  

Đọc E-paper

Dự thảo nghị định mới về sắp xếp, đổi mới DNNN đang được đưa ra để lấy ý kiến với nhiều quy định mới để làm giảm số lượng DN nắm giữ 100% vốn nhà nước. Tuy nhiên, những vấn đề đặt ra đối với khu vực DNNN hiện rất gay gắt:

Các DNNN hiện chiếm giữ hầu hết những lợi thế của nền kinh tế, hiệu quả kinh doanh kém và nhiều rủi ro, vai trò chủ đạo kinh tế nhà nước đã vượt quá khả năng thực tế, tình trạng lãng phí, thiếu minh bạch khá phổ biến... Vì vậy, trong quá trình xây dựng văn bản này, theo tôi, cần lưu ý 5 nội dung chính liên quan đến sắp xếp, đổi mới DNNN.

Thứ nhất, tiếp tục xem xét rút rốn ra khỏi các DNNN ở những ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ để giảm được tỷ trọng DNNN xuống khoảng 15 - 20% thay vì 34 - 35% như hiện nay. Đây là giải pháp quan trọng vì DNNN kinh doanh kém hiệu quả, nếu có tỷ trọng càng lớn sẽ càng kéo theo sự kém hiệu quả của nền kinh tế quốc dân.

Thứ hai, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty theo hướng rút vốn ra khỏi những ngành, lĩnh vực không thuộc Nhà nước nắm giữ. Cạnh đó, chuyển các tập đoàn kinh tế về hình thức tổng công ty chỉ kinh doanh đúng ngành nghề Nhà nước cần nắm giữ. DNNN không có chức năng kinh doanh nhà hàng, khách sạn, chứng khoán... do đó, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước phải sớm chấm dứt các hoạt động này.

Thứ ba, đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN theo hướng tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược có khả năng quản lý, đổi mới và phát triển DN một cách hiệu quả. Cấm cách cổ phần hóa ưu đãi cho những người đang quản lý DN, bởi cổ phần hóa sẽ không có ý nghĩa, DN không thể đổi mới nếu quyền quản lý DN sau cổ phần hóa rơi vào tay người quản lý yếu kém.

Tính đến ngày 10/11/2015, cả nước đã sắp xếp được 175 DNNN, trong đó, cổ phần hóa 159 DN. Như vậy, từ năm 2011 đến ngày 10/11/2015 cả nước đã sắp xếp được 471 DNNN, trong đó cổ phần hóa được 408 DN trong tổng số 514 DN, đạt gần 80% kế hoạch.

Nhà nước không giữ cổ phần chi phối trong các DN này. Sau khi được đổi mới, kinh doanh hiệu quả, các DN này phải lên sàn chứng khoán, phải công khai thông tin về kinh doanh. Áp dụng chế độ quản lý DN hiện đại theo hướng chế độ pháp nhân DN, chế độ trách nhiệm hữu hạn, chế độ quản lý khoa học, công khai, minh bạch.

Thứ tư, phát triển mạnh khu vực DN tư nhân đủ sức thay thế DNNN trong các lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Hiện nay, nhiều DN tư nhân đang phát triển trong mối quan hệ phụ thuộc hoặc dựa vào các DNNN, là sân sau của DNNN, hoặc phải đặt dưới sự bảo hộ của các quan chức nhà nước. Những mối quan hệ thiếu minh bạch này đang là một trong những lý do khiến khu vực DN tư nhân phát triển kém lành mạnh.

Do vậy, phải có những quy phạm pháp luật về những mối quan hệ này, chấm dứt các loại quan hệ mờ ám. Trong đó có ưu đãi các DN tư nhân trong các lĩnh vực cần khuyến khích với mức thuế thu nhập DN thấp, lãi suất khuyến khích, hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Cùng với đó, vinh danh những doanh nhân tài năng có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước.

Thứ năm, tiếp tục sửa đổi các luật kinh tế (gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Cạnh tranh, Luật Ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại...) để tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thực tế của quá trình sắp xếp, đổi mới DN.

Đề án tái cơ cấu DNNN do Vụ Đổi mới DNNN của Văn phòng Chính phủ đề xuất khá tham vọng: Đến năm 2020 số DNNN sẽ giảm từ 1.309 xuống còn 17 tập đoàn, tổng công ty giữ khoảng 100% vốn nhà nước và khoảng 200 DN trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước, quốc phòng, an ninh.

Nhưng trên thực tế, tái cơ cấu DNNN là một việc làm hết sức phức tạp, đụng chạm đến lợi ích của nhiều tầng lớp xã hội, nhiều nhóm lợi ích, đụng chạm đến vấn đề quan điểm phát triển nhạy cảm.

Do vậy, mục tiêu này là một việc làm hết sức khó khăn, cần có quyết tâm chính trị của cấp lãnh đạo cao nhất và cần thành lập một tiểu ban chỉ đạo thực hiện (do một Ủy viên Bộ Chính trị đứng đầu và đại diện các ban ngành, một số học giả), giám sát chặt quá trình thực hiện.

Các đề án tái cơ cấu DNNN, các văn bản liên quan đến sắp xếp, đổi mới DNNN không nên chỉ do một cơ quan trình duyệt, mà nên khuyến khích các viện nghiên cứu, trường đại học, các học giả đề xuất và trình trực tiếp lên các cơ quan lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Các vấn đề của sắp xếp, đổi mới DNNN cần được thảo luận rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

HẢI VÂN ghi

>Cải cách DNNN: Cần buông bỏ nếp làm ăn cũ

>Cổ phần hóa DNNN: Dịch chuyển sang năm 2016

>Trung Quốc: 10 thí điểm cải cách DNNN năm 2016

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
5 đề xuất sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO