Đêm 13/7 (theo giờ Việt Nam), bà Theresa May đã chính thức tuyên thệ và trở thành nữ thủ tướng tiếp theo của vương quốc Anh. Đây được xem là một thời khắc lịch sử, đánh dấu sự chuyển giao quyền lực mới đi kèm với nhiều khó khăn và thách thức trong việc tìm ra con đường cụ thể cho xứ sở sương mù thời kì hậu Brexit.
Đàm phán rời khỏi EU
Mặc dù cam kết sẽ không kích hoạt ngay lặp tức điều 50 Hiệp ước Lisbon khiến Anh rời EU ngay sau khi nhậm chức, nhưng tân thủ tướng Anh và chính phủ của mình sẽ phải bắt tay ngay vào việc lập kế hoạch thương thảo một thỏa thuận hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho kinh tế của Anh trong EU, với mục tiêu có lợi nhất về thương mại, hàng hóa và dịch vụ.
Và một trong những thách thức lớn nhất trong cuộc đàm phán cam go này, dự báo là vấn đề tự do đi lại và lao động nhập cư trong Liên minh châu Âu, vốn khó có thể nhận được sự nhượng bộ từ EU.
Bảo vệ nền kinh tế
Brexit đã ngay lập tức tác động đến nền kinh tế Anh khi đồng Bảng Anh đã trượt dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 31 năm. Kinh tế Anh thời hậu Brexit đang bước vào một thời kỳ đầy bất ổn. Do vậy, Chính phủ mới với "nữ thuyền trưởng" cần phải nỗ lực lèo lái nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của Brexit đối với nền kinh tế.
Sự toàn vẹn của Liên hiệp Anh
Và thách thức cuối cùng bà Theresa May phải đối mặt là làm thế nào để giữ được sự toàn vẹn của Liên hiệp Anh. Thuyết phục Scotland ở lại hay đơn giản là làm sao để hàn gắn một dân tộc đang chia rẻ sâu sắc vì quyết định ra đi.
Liệu nước Anh sẽ lại có một "bà đầm thép" thứ hai giúp phục hưng đất nước? Câu trả lời này giờ chỉ có bà Theresa May mới là người có đáp án.
>Hậu Brexit: Bà Theresa May trở thành tân Thủ tướng Anh
>Những vấn đề cấp bách cho Thủ tướng Cameron sau Brexit