Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thực hiện mục tiêu của mình trên nền tảng những hiệp định quan trọng được các thành viên ký kết.
Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA)
Nguyên tắc xây dựng cam kết trong ATIGA là các nước ASEAN phải dành cho nhau mức ưu đãi tương đương hoặc thuận lợi hơn mức ưu đãi dành cho các nước đối tác trong các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) mà ASEAN là một bên đã ký.
Theo ATIGA, từ năm 2010 các nước ASEAN-6 (Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Brunei) phải xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 100% dòng thuế thuộc Danh mục thông thường; chỉ giữ lại một số dòng thuế thuộc Danh mục loại trừ chung gồm những sản phẩm được miễn trừ vĩnh viễn vì lý do an ninh quốc gia, đạo đức và sức khỏe).
Còn các nước nhóm CLMV (gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam) có lộ trình dài hơn xóa bỏ thuế cho hàng hóa từ các nước ASEAN muộn hơn, đến năm 2015 mới phải xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu trong danh mục thông thường, nhưng được linh hoạt giữ lại thuế suất đối với 7% số dòng thuế đến năm 2018 bao gồm các mặt hàng ô tô và linh kiện, sắt thép, linh kiện và phụ tùng xe máy, máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng, xe đạp và phụ tùng, rượu bia, sản phẩm chất dẻo, giấy các loại.
Từ năm 2018 Việt Nam chỉ còn được duy trì thuế nhập khẩu với mức thuế suất tối đa là 5% đối với khoảng 3% số dòng thuế, bao gồm phần lớn là các mặt hàng nông nghiệp "nhạy cảm" (gia cầm sống, thịt gà, trứng gia cầm, quả có múi, thóc, gạo lứt, thịt chế biến, đường).
Hai nhóm mặt hàng có lộ trình cam kết dài và chưa có lộ trình là xăng dầu (đến năm 2024) và thuốc lá (sẽ phải đưa ra lộ trình cắt giảm trong tương lai gần).
Đến nay, Việt Nam đã giảm thuế cho hơn 10.000 dòng thuế xuống mức từ 0% đến 5% theo ATIGA, chiếm khoảng 98% số dòng thuế trong biểu thuế.
Việt Nam là một trong bốn thành viên ASEAN có tỷ lệ hoàn thành tốt nhất các cam kết trong lộ trình tổng thể thực hiện AEC.
Hiệp định Khung về Dịch vụ ASEAN (AFAS)
Trong khu vực ASEAN, lĩnh vực dịch vụ đóng vai trò khá quan trọng, góp phần đáng kể vào việc gia tăng GDP của từng nước thành viên.
Giá trị sản phẩm dịch vụ chiếm tới 40% đến 60% GDP. Kim ngạch xuất khẩu dịch vụ thương mại trong ASEAN gia tăng nhanh chóng, từ 79 tỷ USD trong năm 2003 đến 219 tỷ USD trong năm 2010.
Nhận thấy tầm quan trọng ngày càng gia tăng của hội nhập nội khối ASEAN đối với lĩnh vực dịch vụ, các bộ trưởng kinh tế ASEAN (AEM) đã ký kết hiệp định khung ASEAN về dịch vụ (AFAS) trong năm 1995 tại Bangkok (Thái Lan). AFAS hướng tới các mục tiêu sau:
- Đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ ngay tại các quốc gia thành viên ASEAN để nâng cao tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh ngành dịch vụ, đa dạng hóa năng lực sản xuất, nguồn cung và phân phối dịch vụ.
- Xóa bỏ rào cản thương mại trong lĩnh vực dịch vụ.
- Tự do hóa thương mại dịch vụ bằng việc tự do hóa sâu và rộng hơn, không chỉ dừng lại ở những dịch vụ được đề cập tới trong hiệp định thương mại chung về dịch vụ của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Kể từ thời điểm ký kết AFAS hồi năm 1995 đến nay, các gói dịch vụ đã đạt được bao gồm dịch vụ xây dựng, phân phối, giáo dục, môi trường, y tế, vận tải biển, viễn thông và du lịch.
Các gói cam kết này được thực hiện thông qua các nghị định thư do AEM ký kết và cập nhật đầy đủ chi tiết của tiến trình tự do hóa trong các ngành phụ trợ dịch vụ; thông tin chi tiết tại website: www.asean.org/20071.htm cho biết đầy đủ thông tin liên quan tới các cam kết dịch vụ của các nước thành viên ASEAN trong WTO và cả AFAS.
Doanh nghiệp có thể vào đường dẫn www.asean.org/19833.htm để biết các cam kết về dịch vụ tài chính; hay www.asean.org/19867.htm để biết các cam kết về dịch vụ giao thông vận tải.
Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA)
Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN (ACIA) được ký kết tháng 2/2009 và có hiệu lực từ 29/3/2012 bao gồm bốn nội dung chính: Tự do hóa đầu tư, Bảo hộ đầu tư, Thuận lợi hóa đầu tư và Xúc tiến đầu tư.
Phạm vi điều chỉnh của ACIA bao gồm cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp. Phạm vi tự do hóa bao gồm các ngành phi dịch vụ: sản xuất, nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, khai khoáng và các dịch vụ liên quan đến các ngành trên.
Một số điểm đáng chú ý là ACIA mở rộng định nghĩa nhà đầu tư (ví dụ doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại một nước ASEAN khi đầu tư sang một nước ASEAN khác được coi là nhà đầu tư ASEAN).
ACIA quy định về các biện pháp/yêu cầu đối với đầu tư bị cấm mà các nước thành viên không được phép sử dụng (ví dụ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa, cân bằng cán cân thanh toán).
ACIA quy định cơ chế giải quyết tranh chấp trực tiếp giữa Nhà nước và nhà đầu tư.
>Hiệp định VKFTA: Đón "sóng Korea" 70 tỷ USD
>Việt Nam ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế với Slovenia
>Hiệp định Thương mại Việt Nam - Lào: Xóa bỏ thuế quan 95% mặt hàng