Trước việc hàng chục tàu cá của Trung Quốc đang tiến vào ngư trường, đánh bắt trái phép và cản trở ngư dân Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay hành động sai trái này.
Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan, Hội Nghề cá cho hay, đội tàu đánh cá của Trung Quốc gồm 32 chiếc, trong đó có cả tàu hậu cần cỡ lớn đang đánh bắt ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là chuyến đi tiếp theo kể từ sau khi 30 tàu cá của tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) tới đánh bắt cá ở Trường Sa hồi tháng 7/2012.
Đội 32 tàu cá Trung Quốc tới vùng nước ở Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Ảnh: Chinanews |
Theo báo cáo của ngư dân các tỉnh biển miền Trung, ngoài đội tàu 32 chiếc nêu trên, nhiều tàu cá Trung Quốc thường xuyên đánh bắt trên vùng biển của Việt Nam, cản trở việc đánh bắt cá của ngư dân Việt Nam. Đồng thời, từ 12h ngày 16/5 đến 12h ngày 1/8/2013, Trung Quốc thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông, với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối những hành động sai trái, ngang ngược, có hệ thống của Trung Quốc đồng thời yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay và không tái diễn những hành động nêu trên", công văn nêu rõ.
Hội Nghề cá Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng lên tiếng mạnh mẽ và có biện pháp quyết liệt ngăn chặn những hành động vi phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu thuyền ra khỏi vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhằm bảo vệ sản xuất và tài nguyên biển, giữ vững an ninh quốc phòng, chủ quyền biển đảo tổ quốc.
Theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Nghề cá Việt Nam, sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền, động viên ngư dân yên tâm bám biểm sản xuất, thực hiện đúng pháp luật quốc tế về biển, hợp tác, hỗ trợ nhau trong sản xuất để đạt hiệu quả cao.
Trước đó, ngày 15/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị cũng đã nêu rõ quan điểm về các vấn đề này. Theo ông Nghị, việc Trung Quốc đơn phương thi hành Lệnh cấm đánh bắt cá ở biển Đông với phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không phù hợp với tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
"Việt Nam phản đối và coi quyết định đơn phương nói trên của Trung Quốc là vô giá trị", ông Nghị tuyên bố.