Xuất khẩu tôm: Cơ hội có vuột khỏi tầm tay?

THÀNH CÔNG| 05/10/2016 04:36

Để xuất khẩu tôm phát triển bền vững, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ sản xuất tới thị trường.

Xuất khẩu tôm: Cơ hội có vuột khỏi tầm tay?

Tôm nước lợ là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam, đạt giá trị gần 3 tỷ USD năm 2015. Hội nhập kinh tế mở ra rất nhiều cơ hội để các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu mở rộng thị trường nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Để xuất khẩu tôm phát triển bền vững, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ sản xuất tới thị trường.

Đọc E-paper

Theo Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối, hiện nay Việt Nam có 350 cơ sở chuyên chuyên chế biến tôm xuất khẩu với công suất trên 1,4 triệu tấn/năm, tập trung chủ yếu ở các tỉnh miền Trung, Nam Trung bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

Trong 8 tháng đầu năm 2016, theo Tổng cục Thủy sản, giá trị tôm nước lợ chế biến xuất khẩu ước đạt 1,9 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2015 (đến ngày 15/8 đã xuất khẩu đạt kim ngạch 1,752 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2015), chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng đông lạnh.

Tiêu thụ tôm của Việt Nam 8 tháng đầu năm 2016 tăng nhẹ do nhu cầu cao từ các thị trường chính, đặc biệt thị trường Mỹ, các nước EU trong khi nguồn cung đang giảm.

Theo đánh giá của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), tính đến giữa tháng 8/2016, Việt Nam xuất khẩu sang 80 thị trường, top 5 thị trường chính đều tăng, như Mỹ tăng 14%, EU tăng 4%, Hàn Quốc tăng 9%, Trung Quốc tăng mạnh nhất là 32%. Xuất khẩu tôm phục hồi nhờ tồn kho từ các thị trường chính giảm, nhu cầu tăng (đặc biệt nhu cầu tôm sú từ Mỹ và EU) và giá tôm có xu hướng tăng.

Việt Nam là nguồn cung tôm sú lớn nhất thế giới trong khi nhu cầu tôm sú ở Mỹ và Trung Quốc đang tăng mạnh. Dự báo giá tôm mấy tháng cuối năm ổn định hoặc tăng 10 - 15% do nhu cầu phục vụ các lễ hội cuối năm, là cơ hội cho Việt Nam gia tăng xuất khẩu.

Việt Nam và Mỹ đã ký thỏa thuận về thuế chống bán phá giá tôm. Việt Nam có lợi thế hơn các nước khác ở phân khúc tôm chế biến, cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương.

Tại một số quốc gia nuôi tôm nhiều như Ấn Độ có khả năng giảm sản lượng do bệnh đốm trắng. Sản lượng tôm sú tại Banglades, Indonesia cũng có thể giảm do tác động từ biến đổi khí hậu.

Ở nước ta, sau hạn hán và xâm nhập mặn, thời tiết hiện đang chuyển biến thuận lợi nên tôm phát triển tốt, khả năng đạt sản lượng theo kế hoạch là 680.000 tấn, xuất khẩu tiếp tục tăng. Dự báo xuất khẩu tôm nước lợ cả nước năm 2016 đạt khoảng 3,2 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2015.

>>Cá, tôm xuất khẩu “rối” vì luật mới?

Mặc dù vậy, theo Tổng cục Thủy sản, tôm của Việt Nam vẫn còn gặp các rào cản về kỹ thuật, thuế quan. Với thị trường chủ lực là Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam còn bị đánh thuế chống bán phá giá. Xuất khẩu sang các nước khác như EU, ASEAN, Trung Quốc, Mỹ Latin khó khăn do sự tăng giá mạnh của đồng USD so với các ngoại tệ khác như euro, yen Nhật.

Cái khó nữa của ngành tôm Việt Nam là nguồn nguyên liệu không ổn định, hạn hán và xâm nhập mặn làm giảm sản lượng tôm nuôi. Khả năng cạnh tranh về giá và chất lượng kém hơn so với các nước do giá thành sản xuất cao (tôm chân trắng chi phí cao do thức ăn chiếm tới 70% giá thành), tỷ lệ tôm nuôi thành công của Việt Nam khá thấp trong khi chi phí đầu vào cao nên giá tôm nguyên liệu đắt hơn nhiều nước.

Để xuất khẩu tôm phát triển bền vững, Cục Chế biến Nông lâm sản và Nghề muối đề xuất Chính phủ nên có chính sách khuyến khích trực tiếp đối với những doanh nghiệp đầu tư vùng nguyên liệu hoặc liên kết chuỗi từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ tôm bằng vốn vay với lãi suất ưu đãi, tăng lượng vốn vay, được cho vay bằng ngoại tệ.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chiến lược phát triển dài hạn sản phẩm này bằng cách xây dựng chương trình hoặc đề án phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ tôm bền vững, triển khai mô hình thí điểm chợ bán đấu giá tôm tại các vùng trọng điểm để minh bạch về giá, kiểm soát chất lượng và hài hòa lợi ích các bên, xây dựng thương hiệu Tôm sú Việt Nam (đã bị dừng lại 4 năm trước); doanh nghiệp cần rà soát lại quy trình từ thức ăn, con giống, nuôi đến chế biến để giảm giá thành sản phẩm xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, thay đổi công nghệ sản xuất, chế biến sâu sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng con tôm, sản xuất sản phẩm sạch và an toàn, có giá phù hợp để thúc đẩy tiêu thụ trong nước.

>>Xuất khẩu thủy sản: Tôm vui để buồn cho cá

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xuất khẩu tôm: Cơ hội có vuột khỏi tầm tay?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO