Sụt giảm lớn trong xuất khẩu của Hàn Quốc là dấu hiệu của sự sụt giảm nhu cầu hàng hóa trên thị trường toàn cầu.
Đọc E-paper
Như một sự trùng hợp, biểu tượng kinh tế của Hàn Quốc là hãng điện tử Samsung rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất trong vòng 30 năm khi số liệu thương mại mới từ Hàn Quốc vào đầu tháng 9 gây ngạc nhiên cho ngay cả các nhà dự báo bi quan. Xuất khẩu của nước này đã giảm 14,7%, xuống dưới 40 tỷ USD, và đây là mức giảm nhiều nhất trong 6 năm qua. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc giảm xuống 2,3% từ mức 2,5% trong năm nay.
Xuất khẩu chiếm khoảng một nửa GDP của Hàn Quốc và một phần tư con số này liên quan tới thị trường Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc đã phải vật lộn với sự tăng giá của đồng won so với đồng yên Nhật Bản tại các thị trường xuất khẩu chủ lực. Bồi thêm vào khó khăn này là quyết định giảm giá mạnh và liên tiếp của nhân dân tệ. Xuất khẩu xe ô tô của Hàn Quốc giảm gần một phần ba trong tháng 8. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu smartphone tăng nhưng các nhà sản xuất của Hàn Quốc như Samsung vẫn lo lắng trước sức ép cạnh tranh ngày càng gia tăng từ các đối thủ Trung Quốc trên thị trường toàn cầu. Đồng nhân dân tệ suy yếu cũng khiến du khách Trung Quốc hạn chế du lịch sang Hàn Quốc. Giá dầu thế giới thấp cũng là nguyên nhân đằng sau những con số ảm đạm của kinh tế Hàn Quốc. Bởi vì dầu mỏ là mặt hàng xuất khẩu chính của nền kinh tế Bắc Á này nhưng giá dầu đã giảm hơn 40% từ tháng 8 năm ngoái.
Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung-hwan lập luận, đồng nhân dân tệ yếu có thể là một lợi ích cho nước này. Bởi vì, nếu xuất khẩu của Trung Quốc tăng sẽ kéo theo đà tăng nhu cầu về linh kiện điện tử, trong đó chiếm phần lớn là của Hàn Quốc. Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, Trung Quốc xúc tiến đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, khuyến khích chi tiêu trong nước. Tuy nhiên, các mặt hàng trung gian và linh kiện của Hàn Quốc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn khá cao, chiếm 73% năm 2013. Do đó, nếu xuất khẩu của Bắc Kinh được hưởng lợi từ việc giảm giá đồng nội tệ, thì xuất khẩu hàng hóa trung gian của Hàn Quốc sang Trung Quốc cũng sẽ tăng lên.
Mặc dù vậy, các quan sát thị trường phương Tây ít lạc quan hơn. Chuyên gia Frederic Neumann của HSBC cho biết, sự sụt giảm là "khá nghiêm trọng", nhất là vì Hàn Quốc từ lâu đã là "đầu đàn" đáng tin cậy cho thương mại toàn cầu. Hàn Quốc nằm trên cùng của chuỗi sản xuất, một phần lớn xuất khẩu không thực sự đi vào thành phẩm, như smartphone của Trung Quốc và laptop của Mỹ. Không phải sự suy giảm ở Trung Quốc là nguyên nhân duy nhất dẫn đến sự sụt giảm xuất khẩu của Hàn Quốc. Thực tế, kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc sang khu vực đồng euro đã giảm tới 21%, gấp đôi so với suy giảm trong xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo nhà nghiên cứu Han Jae-jin thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế Hyundai, xuất khẩu Trung Quốc diễn tiến tốt lên không có nghĩa sẽ tác động tích cực đến xuất khẩu của Hàn Quốc như trước đây. Trung Quốc tập trung cho thị trường nội địa, vươn lên trong chuỗi giá trị gia tăng, do đó nhu cầu về hàng hóa trung gian từ Hàn Quốc có thể thu hẹp. Nếu không tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh về linh kiện, vật liệu hay các ngành công nghiệp chủ chốt khác, Hàn Quốc sẽ khó lòng vượt qua các áp lực kinh tế, ngay cả khi chưa tính đến việc phá giá đồng nhân dân tệ. Hàn Quốc cần phải chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra trong tương lai và tiếp tục phát triển nhiều công nghệ hơn nữa để củng cố vị thế của mình trên thị trường xuất khẩu cạnh tranh khốc liệt.
Trước các khó khăn trên, Chính phủ Hàn Quốc đã cắt giảm mục tiêu tăng trưởng từ 3,8% xuống 3,1% kể từ tháng 1. Ngân hàng Hàn Quốc đã cắt giảm lãi suất chủ chốt xuống mức thấp là 1,5%. Hơn bao giờ hết, các nhà phân tích kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cắt giảm lãi suất thêm lần nữa trong tháng này.
>Kinh tế Hàn Quốc hưởng lợi khi Trung Quốc phá giá đồng NDT?
>Kinh tế Hàn Quốc đối mặt với nhiều nguy cơ, rủi ro
>Xuất khẩu linh kiện, phụ tùng sang EU: Dò dẫm tìm đường
> Samsung "đóng băng" tiền lương 2015 của nhân viên tại Hàn Quốc