Nếu bạn từng sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nào, hẳn rằng có một ký ức chẳng thể nào phai nhạt về một tuổi thơ ngày hai buổi đến trường trên con đường làng quen thuộc cùng chiếc xe đạp cọc cạch, hay những buổi chiều hôm dáng mẹ gầy liêu xiêu trên chiếc xe đạp cũ...
Đọc E-paper
Xe đạp từng là phương tiện tải đạn, lương thực và "tải thương nhớ" từ hậu phương ra tiền tuyến trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt và là tài sản lớn của những gia đình Việt vào những nămđầu thập niên 80.
Xe đạp quen thuộc với tất cả chúng ta. Xã hội phát triển, phương tiện giao thông cũng phát triển. Những chiếc xe máy, ô tô đã dần thay thế chiếc xe đạp cọc cạch, và xe đạp trở thành ký ức: "Nhớ khi xưa anh chở em trên chiếc xe đạp cũ”.
Một lần, tôi tình cờ được tham gia tour du lịch về vùng sông nước Cửu Long, rong ruổi trên chiếc xe máy sau một nhóm khách du lịch quốc tế đi tham quan miền Tây bằng xe đạp.
Có lẽ trong những năm tháng phiêu bạt trên khắp các nẻo đường của mình, tôi chưa bao giờ có một cảm giác tuyệt vời đến vậy.
Những con đường bê tông nhỏ xíu chỉ vừa đủ cho một người đi xe đạp hoặc chạy xe máy len lỏi giữa những ruộng mạ xanh ngắt, những cánh đồng hoa màu, những giàn bông bí vàng ươm, những vườn trái cây, những con kênh, con rạch chằng chịt của sông nước miền Tây. Khách du lịch trầm trồ, tận hưởng, cảm xúc ngập thăng hoa.
Miền Tây, vùng đất màu mỡ, nơi thiên nhiên ban phú những mùa cây trái quanh năm. Cảm giác không gì tuyệt hơn khi đạp xe men theo những con đường nhỏ, băng qua những vườn cây vú sữa Lò Rèn ở Vĩnh Kim, Tiền Giang. Hay vào mùa mận chín, những vườn mận đỏ rực trên đường sang Cù lao An Bình.
Chúng ta có thể dừng chân đâu đó ở ven đường đi qua, có khi là ngay trong vườn sầu riêng, cùng thưởng thức cây trái miệt vườn với giá thật rẻ. Đôi khi chốn dừng chân là những bến đò, lênh đênh sông nước trên những chuyến phà ngang mơn man gió.
Đêm trên cù lao, hòa mình vào những giọng ca tài tử của miệt vườn, trăng sáng vằng vặc cả một khúc sông bình yên chỉ có tiếng mái chèo khua nước.
Bình minh là khi tia nắng đầu ngày len lỏi xuyên qua những rặng tre, trên sông lục bình hững hờ trôi, xa xa tiếng gà gáy te te, ngày mới không tiếng còi xe, không khói bụi, chỉ những chiếc xe đạp của du khách nối thành hàng trên con đường đất nhỏ. Khung cảnh tuyệt vời, ký ức tuổi thơ tôi bất chợt ùa về đầy ắp.
Mối "lương duyên" tình cờ ấy đã cho tôi có cơ hội quay về với tuổi thơ bằng việc gắn kết những chuyến ngao du của mình bằng xe đạp. Không biết bao chuyến đò ngang dọc trên sông nước miền Tây đã chở những chuyến đi bằng xe đạp của tôi. Những con đường liên thôn, liên ấp, liên tỉnh tôi đã đi qua, từ Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Cần Thơ..., đầy ắp những kỷ niệm.
Nếu đi du lịch về miền Tây bằng ô tô hay xe máy, du khách chỉ cảm nhận vẻ đẹp nơi đây dừng lại ở mức "cưỡi ngựa xem hoa", nghỉ đêm ở một khách sạn hay khu du lịch nào đấy có sẵn trong lịch trình.
Nhưng nếu đi bằng xe đạp, những ngóc ngách, những điều bình dị nhất không thể bỏ qua. Điểm dừng chân là bất kỳ nơi đâu, được ăn cùng, ngủ cùng, sinh hoạt cùng những người nông dân chất phác.
Cảm xúc của những tay "cua-rơ” liên tỉnh lên đến cao trào khi bánh xe lăn trên những con đường quê, tụi trẻ con nô nức xếp thành hàng bên đường hò hét và nói "hello", "xin chào".
Những bác nông dân đang tất bật dưới ruộng cũng ngước lên vẫy tay chào thân thiện. Cô gái trẻ chèo đò chở chúng tôi cùng những chiếc xe đạp băng qua một khúc sông nhỏ không ngại ngần cất giọng trong trẻo ca bài vọng cổ tặng những kẻ lữ hành phương xa.
Đạp xe đạp dường như không dừng lại ở lợi ích của từng cá nhân mà bên cạnh đó tinh thần cộng đồng được chia sẻ, truyền đi thông điệp ngầm về sự chung tay bảo vệ một môi trường xanh, sạch ,đẹp.
Bây giờ xe đạp vắng bóng ở ngay cả những miền quê, thay vào đó là những chiếc xe máy "Tàu", đám choai choai nẹt pô ầm ĩ. Thế nhưng xe đạp vẫn in đậm trong tâm trí của mỗi người, xe đạp chở những niềm vui và nỗi buồn của một thời ngây ngô, gắn bó với biết bao mối tình lãng mạn đã đi vào thơ ca.
Ngày nay, xe đạp quay trở về với những chuyến dã ngoại cuối tuần, sau những ngày làm việc căng thẳng. Cùng những vòng quay của bánh xe, đám nhân viên văn phòng như tôi thoát khỏi không gian ngột ngạt, ù lỳ suốt tám tiếng mỗi ngày. Được vận động cơ bắp, được ngao du, được sảng khoái tinh thần...
Càng đi, càng khám phá, tôi càng thêm thắc mắc: Tại sao khách du lịch quốc tế khi đến Việt Nam đều "tận hưởng" những điều tuyệt vời như thế, trong khi người Việt mấy ai nếm trải cảm giác này. Không nhiều các công ty lữ hành khai thác dịch vụ du lịch bằng xe đạp độc đáo.
Ngoài một số ít bạn trẻ đam mê môn thể thao đạp xe đạp, sử dụng xe đạp cho những buổi dã ngoại cuối tuần thì hầu như vẫn còn rất ít người biết đến những địa danh, chốn thiên đường có thể thăm thú bằng chiếc xe đạp rất đỗi thân quen...