Xâm phạm dữ liệu cá nhân có thể bị xử phạt tới 5% doanh thu năm liền kề
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, một đạo luật quan trọng trong hệ thống pháp luật về an ninh mạng đã chính thức được Quốc hội thông qua vào ngày 25/6/2025 và sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2026.
Tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức ngày 7/7, Thượng tá Triệu Mạnh Tùng - Phó Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết: trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 56 vụ việc liên quan đến hành vi mua bán trái phép dữ liệu cá nhân, với quy mô lên tới hơn 110 triệu bản ghi dữ liệu bị thu thập, trao đổi bất hợp pháp.
Thượng tá Tùng cho rằng, nhu cầu thu thập và khai thác dữ liệu cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh là hiện thực khách quan.
Tuy nhiên, lợi dụng nhu cầu này, nhiều tổ chức và cá nhân đã tiến hành thu thập dữ liệu trái phép nhằm phục vụ mục đích riêng, gây ra những rủi ro nghiêm trọng đối với quyền riêng tư và an toàn thông tin cá nhân của công dân.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị chủ quản hệ thống thông tin, nơi có chức năng thu thập, phân tích và xử lý dữ liệu cá nhân vẫn tồn tại những lỗ hổng đáng kể trong quy trình quản lý và vận hành dữ liệu.
Việc thiếu các quy định nội bộ chặt chẽ dẫn đến nguy cơ dữ liệu bị lộ lọt, bị đánh cắp hoặc bị khai thác, sử dụng trái phép. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tổ chức quản lý mà còn gây tổn hại trực tiếp đến khách hàng, đối tượng có dữ liệu bị xâm phạm.
Đáng lo ngại hơn, theo nhận định của Bộ Công an, nhận thức của người dân về quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân vẫn còn rất hạn chế. Tình trạng chủ quan, thiếu hiểu biết về giá trị và cách bảo vệ dữ liệu cá nhân đang tạo điều kiện cho các hành vi vi phạm diễn ra dễ dàng và với quy mô ngày càng lớn.
Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân đã được ban hành nhằm thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân. Đặc biệt, luật quy định mức xử phạt nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm nghiêm trọng, có thể lên đến 5% doanh thu của năm tài chính liền kề.
Thượng tá Triệu Mạnh Tùng khuyến nghị: “Người dân cần chủ động cập nhật, nghiên cứu Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân để hiểu rõ quyền lợi của mình và thực hiện quyền yêu cầu các tổ chức xử lý dữ liệu cá nhân phải tuân thủ nghiêm túc các quy định của pháp luật”.
Đối với các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động thu thập và xử lý dữ liệu cá nhân, Thượng tá Tùng nhấn mạnh: “Việc triển khai tuân thủ đúng quy định của Luật là yêu cầu bắt buộc để bảo vệ hệ thống dữ liệu nội bộ, tránh rủi ro pháp lý và các hình phạt nghiêm khắc khi luật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026”.