Xu hướng tăng lãi suất bước vào giai đoạn cao trào

Lê Phan| 28/09/2022 09:00

Dường như việc tăng lãi suất và chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương (NHTƯ) nhiều nước đang bước vào giai đoạn cao trào sau hai năm nới lỏng để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Xu hướng tăng lãi suất bước vào giai đoạn cao trào

Các thị trường tài chính đang bị ảnh hưởng mạnh bởi chính sách tăng lãi suất của NHTƯ nhiều nước

Cao trào

Ngày 15/9/2022, NHTƯ Argentina đã tăng lãi suất chuẩn thêm 5,5%, lên mức kỷ lục 75% trong nỗ lực chống đà lao dốc đồng bản tệ và kiềm chế lạm phát. Động thái diễn ra một ngày sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này tăng gần 79%/năm trong tháng 8, nhanh nhất trong 30 năm. Đây là lần tăng lãi suất thứ 9 của NHTƯ nước này trong năm nay.

Thống kê cho thấy, các NHTƯ trên khắp châu Mỹ Latinh đã liên tục tăng lãi suất từ đầu năm đến nay để chống lạm phát cao, nhưng giá cả tiếp tục tăng nóng, tỷ lệ công nhân và doanh nghiệp sử dụng tiền mặt ở mức rất cao khiến chính sách tiền tệ kém hiệu quả hơn so với các nền kinh tế phát triển.

NHTƯ lớn nhất thế giới là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đang "đau đầu" với lạm phát, dù đã có đến 4 lần tăng lãi suất trong 8 tháng qua, trong đó có hai lần tăng 0,75% và đang hướng đến lần tăng thứ 5 trong cuộc họp vào tháng 9 này. Một số nhà phân tích dự đoán FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất vượt 3,8%. Các nhà kinh tế tại Deutsche Bank cho biết lãi suất của FED có thể đạt 5% trong năm tới, gần gấp đôi mức hiện tại.

Đầu tháng 9, NHTƯ châu Âu (ECB) cũng bất ngờ thông báo tăng lãi suất thêm 0,75%, đưa lãi suất chuẩn của khu vực lên mức 1,25% nhằm đối phó với lạm phát hiện ở mức khoảng 9%. ECB đã nhập cuộc cùng với hơn 40 NHTƯ trên thế giới, đã tăng lãi suất ít nhất 0,75% chỉ trong một đợt. Trước đó vào tháng 7, ECB cũng đã nâng 0,5% lãi suất. 

ECB cho biết dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong bối cảnh lạm phát vẫn còn quá cao và có khả năng duy trì trên mức mục tiêu trong một thời gian dài. Đối phó với sự giảm giá liên tiếp của đồng euro gần đây càng khiến lạm phát tồi tệ hơn, ECB buộc phải nâng mạnh lãi suất theo FED để thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa hai nền kinh tế.

NHTƯ Anh cũng đã có đến 5 lần tăng lãi suất chỉ trong 8 tháng, với tổng mức tăng thêm 1,5%. Đáng lưu ý là nếu như 4 lần tăng trước đó chỉ ở mức khiêm tốn 0,25%, thì lần tăng gần đây nhất vào đầu tháng 8 đã gấp đôi, 0,5%. Dường như việc tăng lãi suất và chính sách thắt chặt tiền tệ của các NHTƯ đang bước vào giai đoạn cao trào sau hai năm nới lỏng để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Trước khi "hạ nhiệt"?

Ngày 14/9/2022, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva đã nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các NHTƯ trên thế giới trong cuộc chiến chống lạm phát, cho rằng các thể chế tài chính cần phải kiên trì khi lạm phát vẫn ở mức cao.

Lạm phát cao tại châu Âu và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đều bị thúc đẩy bởi đà tăng vọt của giá năng lượng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, cộng với hiệu ứng đồng USD tăng cao, có thể thấy chừng nào chiến sự tại Ukraine vẫn còn tiếp diễn thì thế giới vẫn tiếp tục đối mặt gánh nặng giá năng lượng và hàng hóa duy trì ở mức cao.

Người đứng đầu IMF khẳng định, lạm phát cao vẫn còn dai dẳng và bao phủ trên phạm vi rộng hơn so với dự báo. Bà cho rằng, nhiều nhà kinh tế đã sai khi dự báo lạm phát sẽ "hạ nhiệt" trong năm 2022. Tuyên bố ấy được đưa ra một ngày sau khi Mỹ công bố dữ liệu cho thấy lạm phát trong tháng 8 của nước này tiếp tục tăng do chi phí thuê nhà và giá thực phẩm tiếp tục tăng cao.

Lạm phát cao tại châu Âu và nhiều nền kinh tế khác trên thế giới đều bị thúc đẩy bởi đà tăng vọt của giá năng lượng kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, cộng với hiệu ứng đồng USD tăng cao, có thể thấy chừng nào chiến sự tại Ukraine vẫn còn tiếp diễn thì thế giới sẽ tiếp tục đối mặt với gánh nặng giá năng lượng và hàng hóa duy trì ở mức cao.

Dù vậy, một số nhà kinh tế lo ngại rằng các NHTƯ đang hiểu sai về nền kinh tế toàn cầu nên vội vàng tăng lãi suất, khi mà việc nhiều quốc gia thắt chặt tín dụng cùng lúc có thể bóp nghẹt tăng trưởng toàn cầu, trong khi lạm phát hiện nay là đến từ chi phí đẩy do giá hàng hóa leo thang chứ không đơn thuần từ yếu tố tiền tệ.

Theo Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, lạm phát của Mỹ sẽ giảm trong thời gian tới nhờ hành động của FED. Bà khẳng định chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực phối hợp hành động cùng FED để thực hiện mục tiêu chung giảm lạm phát. Vì vậy, có cơ sở để kỳ vọng xu hướng thắt chặt tiền tệ của các nước sau giai đoạn cao trào sẽ chậm lại và "hạ nhiệt" dần, thậm chí có thể đảo chiều chuyển sang nới lỏng để hỗ trợ cho nền kinh tế đối mặt với suy thoái đang ngày càng đến gần. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xu hướng tăng lãi suất bước vào giai đoạn cao trào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO