Taliban nắm quyền một năm, nữ giới Afghanistan 'chỉ cười cũng bị đánh'

An Bình| 09/08/2022 02:00

Bất chấp những lời hứa đem lại hòa bình và ổn định từ lực lượng Taliban, người dân Afghanistan ngày càng tuyệt vọng khi sống dưới sự cai trị của tổ chức này trong một năm qua.

Taliban nắm quyền một năm, nữ giới Afghanistan 'chỉ cười cũng bị đánh'

Maryam, đang học lớp 6, là học sinh giỏi nhất trong lớp của mình. Tuy vậy, theo quy định của lực lượng Taliban, thời gian Maryam được đến trường cũng sắp kết thúc. Nhưng cô bé 10 tuổi, với tên gọi được thay đổi để bảo vệ an toàn cho em, đã nghĩ ra một giải pháp để tiếp tục được đến trường thêm một năm nữa.

Maryam rất phấn khích khi giải thích kế hoạch của mình. "Cháu sẽ đảm bảo mình trả lời sai một số câu hỏi. Bằng cách này, cháu sẽ được đến trường thêm một năm để học lại lớp 6", Maryam chia sẻ. Đó là một lát cắt lột tả thực trạng ở Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban, gần một năm sau khi tổ chức này đánh bại các lực lượng chính phủ để kiểm soát toàn bộ đất nước vào ngày 15/8/2021.

Những tài năng trẻ sáng giá của quốc gia đang cố gắng tận dụng sự nhanh trí của mình để tự phá hoại thành tích bản thân. Vì trong hệ thống cai trị kỳ lạ được Taliban xây dựng ở Afghanistan, hành động này có thể là giải pháp duy nhất giúp họ tiếp tục được đến trường.

Trong suốt cuộc chiến với quân đội chính phủ Afghanistan và những cuộc đàm phán quốc tế với Mỹ, các nhà lãnh đạo Taliban đã khẳng định rằng tuy tổ chức này sẽ áp dụng một số biện pháp có phần hà khắc, nhưng sẽ đem lại hòa bình và ổn định cho đất nước sau hàng thập kỷ chìm trong xung đột và chiến tranh. Theo tuyên bố của phái đoàn Taliban tại các cuộc đàm phán, phụ nữ tại Afghanistan sẽ được đến trường và đi làm. Trong khi đó, nền kinh tế của Afghanistan, thoát khỏi sự tàn phá của chiến tranh, sẽ có cơ hội hồi phục và phát triển.

Một bé gái tham gia một lớp học bí mật tại Afghanistan. Ảnh: Guardian.

Một bé gái tham gia một lớp học bí mật tại Afghanistan. Ảnh: Guardian.

Khi hàng trăm nghìn người chạy trốn khỏi Afghanistan trong bối cảnh lực lượng Taliban lên nắm quyền, nhiều người khác tỏ ra lạc quan vì cuộc chiến cuối cùng đã chấm dứt. Tuy nhiên, gần một năm sau đó, sự lạc quan này ngày càng trở nên trống rỗng. Khi nói về sự thay đổi lãnh đạo của Afghanistan vào tháng 8/2021, lực lượng Taliban thường dùng những cụm từ như trước và sau "chiến thắng". Tuy nhiên, trên những con phố của thủ đô Kabul, những người dân thường lại sử dụng những cụm từ trước và sau "sự sụp đổ", hay "suqut", theo ngôn ngữ bản địa Dari của Afghanistan.

"Chỉ cười cũng bị đánh"

Sự lãnh đạo của Taliban tại Afghanistan nhuốm màu bạo lực và không được bất kỳ quốc gia nào, ngay cả những đồng minh của tổ chức này, chính thức công nhận. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Taliban cho các nhóm cực đoan càng trở nên rõ ràng hơn sau khi Mỹ không kích tiêu diệt thủ lĩnh Al Qaeda Ayman al-Zawahiri, người sống trong một căn biệt thự ở trung tâm thủ đô Kabul, vào đầu tháng 8.

Trước khi thông tin về vụ không kích được công bố, giới truyền thông toàn cầu trong nhiều tháng đã gần như quên mất sự tồn tại của Taliban. Tình hình căng thẳng ở Ukraine đã lôi kéo sự chú ý của thế giới khỏi những chính sách ngày càng hà khắc được Taliban áp dụng.

Tại Afghanistan, phụ nữ phải đối mặt với những hạn chế nghiêm ngặt hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Nữ giới đang bị cấm học lên cấp trung học và không được làm các công việc bên ngoài lĩnh vực giáo dục và y tế. Khi ra đường, ngoại trừ các chuyến đi rất ngắn, họ bị yêu cầu phải có đàn ông đi kèm. Ngoài ra, phụ nữ tại Afghanistan bị buộc phải che kín mặt khi ở nơi công cộng. Những quy định này đang khiến nhiều phụ nữ sống trong sợ hãi.

"Tôi đã 3 lần nhìn thấy những người phụ nữ bị lực lượng Taliban đánh đập trên đường phố. Đôi khi chỉ vì họ mặc những chiếc quần mà các chiến binh Taliban cho là quá bó. Tình trạng của họ sau khi chịu các hình phạt thật đáng thương", Farkhunda, 16 tuổi, người đã phải dừng việc học vào tháng 10/2021 và đang mắc chứng trầm cảm cho biết.

"Những lần khác, những cô gái chỉ cười hay nói chuyện to cũng bị đánh. Khi bạn đang mua váy hay các thứ khác, việc nói chuyện và bàn luận là không thể tránh khỏi", cô trải lòng. Farkhunda không có một bộ quần áo abaya dài màu đen mà Taliban quy định mọi phụ nữ phải mặc. Trong khi đó, gia đình cô quá nghèo để mua cho cô bộ quần áo này.

-4988-1660021343.jpg

"Từ khi quy định về quần áo được áp dụng, tôi đã phải dừng đi học. Tôi thà ở nhà còn hơn là gặp những tay súng Taliban trên đường phố", Farkhunda nói.

Nền kinh tế sụp đổ

Do các biện pháp cấm vận trao đổi thương mại được các quốc gia áp đặt lên Taliban, nền kinh tế Afghanistan đã sụt giảm khoảng 30% kể từ khi tổ chức này lên nắm quyền. Trong khi đó, nguồn viện trợ quốc tế được chính phủ trước sử dụng để duy trì hoạt động cũng dần cạn kiệt. Taliban đang gặp khó khăn trong việc quản lý đất nước sau khi lật đổ chính phủ trước của Afghanistan.

"Chúng tôi không có liên hệ với chính phủ trước, tuy nhiên lực lượng Taliban vẫn trừng phạt chúng tôi vì hoạt động trong thời gian chính phủ Afghanistan nắm quyền", chủ của một doanh nghiệp lớn, người đã phải sa thải gần 500 nhân viên của mình sau khi bị Taliban tịch thu thiết bị và rút giấy phép hoạt động, chia sẻ.

Người này cũng cho biết anh cảm thấy khó hiểu trước lối suy nghĩ ngắn hạn của lực lượng Taliban. Doanh nghiệp của anh bị buộc phải dừng hoạt động mặc dù lực lượng Taliban biết công ty này có thể mang lại nguồn thu lớn cho chính quyền. "Tôi đã đóng hơn 3 triệu USD tiền thuế cho Taliban trước khi tổ chức này lên nắm quyền. Rất nhiều doanh nghiệp đã phá sản. Nếu tình hình không được cải thiện, mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ hơn", người chủ doanh nghiệp nhận định.

Link bài viết

Với những người giàu có tại Afghanistan, sự thay đổi chính quyền lãnh đạo đã khiến cuộc sống trong sự thoải mái của họ chấm dứt. Tuy nhiên, phần lớn tầng lớp trung lưu chỉ trong một thời gian ngắn đã rơi vào cảnh đói nghèo. Khoảng 1/2 dân số Afghanistan giờ đây sống dựa vào viện trợ lương thực.

Sardar và vợ từng làm việc trong lực lượng an ninh của Afghanistan. Họ kiếm đủ tiền để mua một mảnh đất và xây nhà. Cả hai người sau đó đều bị sa thải khi Taliban lên nắm quyền. Giờ đây, vợ Sardar phải ở nhà trong khi anh hàng ngày phải tìm kiếm những công việc lao động tay chân. Mỗi tuần, nếu may mắn, Sardar sẽ được làm việc một ngày với mức lương chỉ 2 USD.

"Tôi chưa bao giờ làm những công việc như thế này. Tuy công việc thường rất khó khăn nhưng tôi phải nuôi sống gia đình mình. Tôi thề rằng cả nhà tôi không có quá 10 USD. Mẹ tôi bị tiểu đường và tôi không có đủ tiền mua thuốc cho bà", Sardar, người có 4 người con, chia sẻ về hoàn cảnh của mình.

Trong nhiều thời điểm, chính quyền mới do Taliban lập nên đã tỏ ra thờ ơ với những khó khăn trên khi nói với người dân Afghanistan rằng họ không nên trông chờ vào chính phủ mà nên tin rằng Thượng đế sẽ cung cấp đồ ăn cho họ. Tuy nhiên, lực lượng cũng hiểu rằng cuộc khủng hoảng hiện tại có thể làm sụt giảm nghiêm trọng lòng tin của người dân vào chính quyền mới của Afghanistan.

"Họ đang đánh mất niềm tin của người dân và họ biết điều đó", một nhà phân tích về Afghanistan có liên hệ với các lãnh đạo cấp cao của lực lượng Taliban cho biết. Từ trước khi lên nắm quyền, lực lượng Taliban được dự báo sẽ gặp khó khăn khi chuyển dịch từ việc lãnh đạo một phong trào nổi dậy vũ trang tập trung chủ yếu ở các vùng nông thôn sang vai trò điều hành một quốc gia.

Rahmanullah, 12 tuổi, nộp đơn xin trợ cấp tại nhà của thống đốc quận Jalrez, thuộc tỉnh Wardak. Cha của Rahmanullah đã bị sát hại ngay sau khi cậu chào đời. Rahmanullah giờ đây là người lao động chính phải cung cấp cho mẹ của mình. Ảnh: Guardian.

Rahmanullah, 12 tuổi, nộp đơn xin trợ cấp tại nhà của thống đốc quận Jalrez, thuộc tỉnh Wardak. Cha của Rahmanullah đã bị sát hại ngay sau khi cậu chào đời. Rahmanullah giờ đây là người lao động chính phải cung cấp cho mẹ của mình. Ảnh: Guardian.

"Điều hành một chính phủ là cơn ác mộng tồi tệ nhất với họ. Họ cảm thấy ngạc nhiên về những sự thay đổi và phát triển của đất nước", một nguồn tin có liên hệ với lực lượng Taliban cho biết. Cũng theo người này, lực lượng Taliban khi tiến vào Kabul đã cảm thấy bị ngợp trước những thay đổi của thành phố kể từ khi tổ chức này bị lật đổ vào năm 2001.

"Họ là một lực lượng có xuất phát từ nông thôn. Tuy đã kiểm soát các thành phố, nhưng thay vì thích ứng với cuộc sống thành thị, lực lượng Taliban muốn người dân ở đây phải thay đổi cách ăn mặc, tôn giáo và sở thích sao cho giống với họ", nguồn tin trên chia sẻ.

Cả một thế hệ những người Afghanistan được giáo dục và có học thức giờ đây đã và đang tìm cách rời khỏi quốc gia này. Mong muốn của những người này là dễ hiểu khi lực lượng Taliban trong nhiều năm qua sát hại rất nhiều chuyên gia và người nổi tiếng trong các lĩnh vực như truyền thông, dịch vụ xã hội và trong chính phủ. Tuy tình trạng giết người và trả thù hàng loạt mà nhiều người lo sợ khi Taliban lên nắm quyền đã không xảy ra, hàng chục người có liên hệ với chính phủ và lực lượng an ninh ở Afghanistan đã bị lực lượng này sát hại.

Trả lời phỏng vấn tờ Observer, một cựu thành viên của lực lượng tình báo Afghanistan cho biết tuy đã ra đầu hàng các chiến binh Taliban khi lực lượng này tiến vào thị trấn nơi ông đang sống, ông vẫn 3 lần bị bắt khi đang cố gắng tìm việc. Giờ đây, ông cho biết mình hiếm khi ra khỏi nhà.

Tình trạng chảy máu chất xám cũng khiến việc điều hành đất nước trở nên khó khăn. Ngân hàng Trung ương Afghanistan đang gặp nhiều khó khăn do bị cấm vận và đóng băng tài sản dự trữ. Một nhân viên trả lời phỏng vấn tờ Observer cho biết ngân hàng này đang phải cố gắng duy trì hoạt động mặc dù chỉ còn những nhân viên cấp thấp và cấp trung. Phần lớn những nhân viên giàu kinh nghiệm và lãnh đạo của ngân hàng này đã bỏ trốn sang nước ngoài.

Một trong những lĩnh vực hiếm hoi mà lực lượng Taliban đạt được thành công cho đến nay chính là chống tham nhũng, một vấn nạn đã hoành hành ở Afghanistan trong 20 năm qua. Tuy nhiên cuộc chiến chống tham nhũng của tổ chức này cũng đang có dấu hiệu chững lại.

"Tình trạng tham nhũng không còn tệ như dưới thời cựu Tổng thống Ashraf Ghani. Trong quá khứ, khi bạn có công việc phải giải quyết, mọi người trong bộ máy đều muốn một thứ gì đó. Giờ đây chỉ còn một vài người có tư tưởng tham nhũng, nhưng số lượng những người này trong chính quyền đang dần tăng lên", người chủ doanh nghiệp cho biết.

Làn sóng bạo lực quay trở lại

Giữa những hàng cây táo ở ngôi làng Ismail Khel, cách thủ đô Kabul một chuyến xe kéo dài một tiếng về phía Tây Nam, một lá cờ có in hình một bông hoa hồng, một bông hoa tulip và một chiếc máy bay không người lái đang ném bom được cắm giữa một số ngôi mộ.

Lá cờ in hình một bông hoa hồng, một bông hoa tulip và một chiếc máy bay không người lái đang ném bom được cắm giữa một số ngôi mộ ở làng Ismail Khel. Ảnh: Guardian.

Lá cờ in hình một bông hoa hồng, một bông hoa tulip và một chiếc máy bay không người lái đang ném bom được cắm giữa một số ngôi mộ ở làng Ismail Khel. Ảnh: Guardian.

Gần đó là một ngôi nhà bị bỏ hoang, nơi 14 năm trước, ít nhất 8 người phụ nữ và trẻ em đã thiệt mạng trong một cuộc không kích. Thi thể của những người này được chôn cất cạnh ngôi nhà của họ. Phía bên trái của những ngôi mộ, Haji Yahyah, 66 tuổi, vẫn sống cùng vợ và cháu gái trong một căn nhà tồi tàn, bị hư hại khi quả bom thứ hai được thả xuống cướp đi sinh mạng của con dâu và cháu trai ông.

Yahyah và gia đình của ông không thể sửa lại căn nhà do không được chính phủ Mỹ bồi thường. Họ phải ở lại đây do không còn nơi nào khác để đi. Theo những người dân làng Ismail Khel, đó là cuộc không kích duy nhất từng xảy ra ở khu vực này. Nhưng trong một thập kỷ qua, người dân ngôi làng này đã phải hứng chịu làn sóng bạo lực và chết chóc khi quân đội chính phủ và nước ngoài thường xuyên hạ cánh trong khu vực và tiến hành lúc soát các ngôi nhà.

"Chúng tôi có 4 ngôi mộ trong làng. 20 năm trước, chúng tôi chỉ có một. Một quỹ từ thiện đã đến đây để tìm những đứa trẻ đã mất bố hoặc mẹ và cung cấp lương thực cho chúng. Họ không thể tìm thấy một ngôi nhà nào trong làng mà không có ít nhất một đứa trẻ như vậy", ông Ainullah, 53 tuổi, cho biết.

Khi các nhà báo tới làng Ismail Khel, hầu hết người dân đều có những câu chuyện để kể về việc mất người thân là dân thường trong những cuộc đột kích của quân đội. Đôi khi những người này bị sát hại trước mặt con cái của họ. Những cuộc đột kích trong đêm này là một công cụ tuyển quân hữu hiệu và là một trong những lý do khiến các nước phương Tây và đồng minh thất bại ở Afghanistan.

"Rất nhiều người gia nhập Taliban do nỗi đau và tức giận sau các cuộc đột kích. Nếu cha hoặc con của bạn bị giết, liệu bạn có muốn báo thù? Cách để làm điều đó là gia nhập Taliban", Mohammad Habib, 26 tuổi, cho biết. "Rất nhiều người khi nghe tiếng trực thăng trong đêm sẽ tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo đẹp để khi chết cơ thể của họ được thanh tẩy và được ăn mặc đàng hoàng", Habib chia sẻ.

Mawli Jannat Gul, bị thương do mìn trong cuộc chiến của quân đội Mỹ tại Afghanistan, đến xin trợ cấp tại nhà của thống đốc quận Jalrez. Ảnh: Guardian.

Mawli Jannat Gul, bị thương do mìn trong cuộc chiến của quân đội Mỹ tại Afghanistan, đến xin trợ cấp tại nhà của thống đốc quận Jalrez. Ảnh: Guardian.

Ở một số khu vực của Afghanistan, nơi tiếng súng cuối cùng đã chấm dứt sau nhiều năm chiến tranh, cuộc sống của người dân bắt đầu trở lại bình thường. Một số trường học ở các quận miền Nam tỉnh Helmand và thành phố Kandahar bắt đầu mở cửa trở lại. Trong quá khứ, chính sự hiện diện của các tay súng và lời đe dọa của lực lượng Taliban đã khiến các trường học trên phải đóng cửa.

Tuy nhiên, ở một số khu vực khác, vốn nhiều năm qua không xảy ra xung đột, giờ đây bị tàn phá bởi làn sóng bạo lực, các cuộc đột kích và tình trạng cướp bóc tại các cơ sở dân sự như trường học hay phòng khám khiến nhiều người dân thường thiệt mạng.

Từ tỉnh Panjshir cho tới các quận như Baghlan và Balkhab thuộc tỉnh Sar-e Pol, hình ảnh và báo cáo về những tội ác giống như những hành vi đã từng giúp Taliban xây dựng lực lượng ngày càng được lan truyền rộng rãi. Dân thường bị sát hại, trường học bị biến thành căn cứ quân sự, các nhà thờ Hồi giáo bị phá hoại và nhà dân bị cướp phá.

Nguy cơ làn sóng bạo lực lan rộng hay nổ ra một cuộc nội chiến mới ở thời điểm hiện tại vẫn là rất nhỏ. Tuy nhiên, 21 năm trước, chính phủ Mỹ sau khi giành thắng lợi nhanh chóng trước Taliban vào năm 2001 đã từng nghĩ rằng mình có thể dễ dàng áp đặt một hệ thống chính trị lên Afghanistan, một quốc gia đa dạng nơi những tổ chức cực đoan có thể tìm được sự ủng hộ của người dân.

"Những ý kiến cho rằng phong trào Taliban có thể bị quét sạch bởi lực lượng quân đội Mỹ chỉ là mơ mộng hão huyền", Jolyon Leslie và Chris Johnson viết về tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Trung Đông trong cuốn sách Afghanistan: The Mirage of Peace, được xuất bản vào năm 2004.

Những phân tích chính xác của Leslie và Johnson vào thời điểm đó được coi là phi thực tế. Giờ đây, lực lượng Taliban đang đứng trước nguy cơ lặp lại sai lầm của quân đội Mỹ khi nghĩ chiến thắng trước quân đội chính phủ sẽ giúp tổ chức này áp đặt quyền kiểm soát của mình lên một quốc gia đa dạng như Afghanistan.

"Lực lượng Taliban chỉ đại diện cho lực lượng Taliban. Trong 9 tháng qua, một nửa dân số không được đại diện trong chính quyền Afghanistan", một chuyên gia về Afghanistan cho biết.

Bibi Asya đến thăm nhà cô chú tại làng Ismail Khel. Hai thành viên trong gia đình của cô đã bị sát hại trong các cuộc không kích trước khi Asya chào đời. Ảnh: Guardian.

Bibi Asya đến thăm nhà cô chú tại làng Ismail Khel. Hai thành viên trong gia đình của cô đã bị sát hại trong các cuộc không kích trước khi Asya chào đời. Ảnh: Guardian.

Giống với năm 2001, rất nhiều các nhóm dân tộc, nhóm tôn giáo và các cộng đồng văn hóa đã bị loại ra khỏi chính quyền chủ yếu bao gồm các viên Taliban có nguồn gốc từ cộng đồng người Pashtun. Nếu Taliban không thể ổn định được tình hình kinh tế và chính trị, những nhóm người trên - vốn có truyền thống xung đột trong quá khứ - có thể sẽ lại cầm súng một lần nữa để chống lại tổ chức này.

"Chỉ 2% dân số Afghanistan trong độ tuổi từ 60 trở lên. Ngoài ra, 45% dân số quốc gia này dưới 14 tuổi. Hãy cho một cậu nhóc 100 USD và một khẩu AK, bạn sẽ có một chiến binh. Chúng ta đang sống trong một quả bom hẹn giờ. Những đứa trẻ này lớn lên bên cạnh vũ khí và không cần 2 tuần để được huấn luyện. Chỉ một tiếng là đủ", một cựu binh đã từng trải qua nhiều cuộc nội chiến ở Afghanistan cho biết.

(Theo Zing News)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Taliban nắm quyền một năm, nữ giới Afghanistan 'chỉ cười cũng bị đánh'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO