Hộ chiếu vaccine: Chìa khoá từng bước mở cửa lại nền kinh tế

Bảo Quân| 14/09/2021 03:00

Hộ chiếu vaccine, hay thẻ xanh Covid-19, tuỳ theo tên gọi ở từng quốc gia, là công cụ ngày càng được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng, với hy vọng tái mở cửa nền kinh tế và tạo điều kiện nối lại các hoạt động văn hóa xã hội.

Hộ chiếu vaccine: Chìa khoá từng bước mở cửa lại nền kinh tế

Còn quá sớm để kết luận hộ chiếu vaccine có thực sự hiệu quả hay không. Tuy nhiên, cách triển khai và diễn biến tại các nước tiên phong có thể mang lại những bài học hữu ích.

Với việc đại dịch kéo dài trong 2 năm qua và chưa có dấu hiệu sẽ sớm chấm dứt, cùng sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến miễn dịch cộng đồng trở nên bất khả thi, hộ chiếu vaccine hay thẻ xanh Covid-19 ngày càng được nhiều nước áp dụng. Ngay cả khi chính phủ chưa ra quyết định, DN ở một số nước thậm chí đã bắt đầu yêu cầu xuất trình thẻ xanh Covid, miễn là chính quyền địa phương không ngăn cản.

Về cơ bản, đây là một chứng chỉ (điện tử hoặc bản cứng) giúp chủ sở hữu chứng minh bản thân đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc đã hồi phục sau khi mắc bệnh trong vòng 6 tháng. Tuỳ theo từng quốc gia, mà chứng chỉ này sẽ có tên gọi khác nhau, và đặc quyền dành cho người có hộ chiếu cũng khác nhau giữa các nước.

Không chỉ được sử dụng với mục đích mở cửa chào đón du khách quốc tế, hộ chiếu vaccine còn được sử dụng cho cả người dân bản xứ, hỗ trợ cấp quyền di chuyển hay tiếp cận dịch vụ, nhằm làm giảm tác động tiêu cực khi thực hiện phong toả.

"Thẻ thông hành vaccine ngày càng thực tế và dường như là hướng đi để trở lại trạng thái bình thường. Công cụ này càng được thảo luận và vận dụng nhiều, người dân càng muốn tiêm vaccine hơn, qua đó hỗ trợ cho mục tiêu chung là ngăn chặn sự lây lan của Covid-19", Alex Miller - CEO Upgraded Points, một công ty thúc đẩy dịch vụ hàng không nhận xét.

Link bài viết

Ý nghĩa với nền kinh tế

Với việc kịch bản "không Covid-19" ngày càng xa vời, nhất là sau khi nhiều biến chủng như Delta, Lambda hay gần đây nhất là Mu xuất hiện, yêu cầu cấp thiết của hiện tại là làm sao vừa đảm bảo sống chung với SARS-CoV-2 một cách an toàn, vừa từng bước khôi phục lưu thông.

Trong bối cảnh này, hộ chiếu vaccine được xem là chìa khoá sẽ giúp mở lối qua đại dịch, hỗ trợ từng bước khôi phục lưu thông và tái mở cửa nền kinh tế, cho đến khi tất cả dân số được tiêm vaccine đầy đủ. Khi được cấp cho người đã tiêm vaccine, nó sẽ cho phép họ tham gia các hoạt động kinh tế, cộng đồng và giúp họ yên tâm hơn về việc người bên cạnh cũng đã tiêm vaccine, tiến tới mục tiêu bãi bỏ hạn chế/cấm tụ tập đông người.

Trên thực tế, để tạo điều kiện kinh doanh cho các DN không thiết yếu vốn bị đóng cửa để phòng chống dịch, Đan Mạch đã bắt đầu thử nghiệm thẻ xanh Covid-19 gọi là Coronapas từ tháng 4/2021. Đây cũng là một trong các quốc gia đầu tiên ở châu Âu áp dụng thẻ xanh Covid-19 được số hóa, giúp người dân có thể tải về điện thoại thông minh.

Coronapas - một trong những chìa khoá giúp Đan Mạch vừa có thể tái mở cửa, vừa khống chế thành công dịch bệnh

Coronapas - một trong những chìa khoá giúp Đan Mạch vừa có thể tái mở cửa, vừa khống chế thành công dịch bệnh

Sau khoảng nửa năm áp dụng, Đan Mạch không chỉ vừa có thể tái mở cửa, vừa khống chế thành công dịch bệnh. Ngày 10/9/2021, nước này đã dỡ bỏ toàn bộ biện pháp phòng chống dịch, khi Covid-19 được xác định đã "không còn là mối đe dọa xã hội" nhờ vào quy mô tiêm chủng lớn, với 75,5% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và 72,8% được tiêm 2 mũi. 

Và, khi đạt được tỷ lệ tiêm chủng trong dân số, hộ chiếu vaccine đã có thể kết thúc vai trò của nó. Tại Đan Mạch, yêu cầu thẻ xanh vaccine tại các hộp đêm đã chính thức bãi bỏ từ ngày 10/9.

Chính phủ Anh vừa qua cũng quyết định hủy kế hoạch áp dụng thẻ xanh vaccine, dựa trên yếu tố tiên quyết là "có tỷ lệ tiêm vaccine tăng ổn định". Hiện, Anh đã tiêm hai liều vaccine Covid-19 cho hơn 80% dân số trên 16 tuổi và sẽ sớm thông báo về việc có mở rộng chương trình tiêm chủng cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi hay không.

Link bài viết

Bên cạnh đó, hộ chiếu vaccine cũng giúp tiết kiệm thời gian, nhân lực và kinh phí liên quan đến việc cách ly khi du khách nhập cảnh vào các nước. Từ đầu tháng 6/2021, Đức, Hy Lạp, Đan Mạch, Bulgaria, Séc, Croatia và Ba Lan đã triển khai hộ chiếu vaccine, để chuẩn bị cho mùa du lịch hè trở lại sau thời gian người dân bị hạn chế đi lại quá lâu.

Theo đánh giá từ các chuyên gia du lịch, hộ chiếu vaccine với những ưu việt của nó được xem là một trong những giải pháp mang tính toàn cầu hiệu quả, giúp nối lại giao thương quốc tế, thúc đẩy phục hồi kinh tế, nhất là ngành du lịch, cũng như thiết lập trạng thái bình thường mới cho đời sống xã hội.

Tuy nhiên, cần biết rằng, việc đi lại bằng hộ chiếu vaccine còn tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh tại các nước. Đơn cử, Liên minh Châu Âu (EU) ngày 30/8/2021 đã khuyến nghị 27 quốc gia trong khối khôi phục các hạn chế đối với khách du lịch từ Mỹ, trong bối cảnh các nước châu Âu và Mỹ đối mặt với tình trạng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tăng trong mùa hè do biến chủng Delta dễ lây lan hơn và người đã tiêm vaccine đầy đủ vẫn có khả năng dương tính với virus.

Theo đó, các quốc gia như Thuỵ Điển, Bulgaria, Na Uy đã cấm người đến từ Mỹ nhập cảnh, trong khi Hà Lan, Ý và Tây Ban Nha yêu cầu công dân Mỹ xuất trình thêm kết quả xét nghiệm âm tính trong 72 giờ, hoặc yêu cầu cách ly. Quy định cụ thể tuỳ theo chiến lược phòng dịch của mỗi nước.

Những vấn đề cần cân nhắc

Một trong số các lo ngại về hộ chiếu vaccine là công cụ này sẽ khiến quyền riêng tư bị xâm phạm. Tháng 4/2021, Nhà Trắng đã bác bỏ mô hình này với lý do cần bảo vệ các quyền công dân và sự riêng tư. Tuy nhiên, tại một số thành phố như New Orleans, New York và San Francisco, các địa điểm như nhà hàng hoặc nhà hát vẫn yêu cầu chứng nhận tiêm chủng.

Tại Đan Mạch, sở dĩ Coronapas được đón nhận là vì người dân không lo sợ thông tin cá nhân bị sử dụng sai mục đích, theo Giáo sư Michael Bang Petersen. Dư luận Đan Mạch quan tâm đến tính thực tế của công cụ hơn tranh cãi về phương diện đạo đức, thêm vào đó là niềm tin với chính quyền và văn hóa tinh thần cộng đồng của quốc gia.

Pháp bổ sung yêu cầu du khách vào tháp Eiffel phải xét nghiệm hoặc có chứng nhận Covid-19. Nguồn: AP

Pháp bổ sung yêu cầu du khách vào tháp Eiffel phải xét nghiệm hoặc có chứng nhận Covid-19. Nguồn: AP

Ngoài ra, sự thiếu công bằng cũng là một vấn đề nữa xung quanh hộ chiếu vaccine. Dù về nguyên tắc, tất cả mọi người nên được dễ dàng tiếp cận với nguồn vaccine nhưng trên thực tế, Tổng Giám đốc của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ quan ngại rằng: "Bình đẳng vaccine là thử thách mang tính thời đại của chúng ta. Và chúng ta đang thất bại".

Với nguồn vaccine hạn chế, triển khai hộ chiếu vaccine có thể đồng nghĩa với việc một số quốc gia sẽ được hưởng nhiều quyền tự do đi lại hơn những quốc gia khác. Tương tự, một số người nhất định thuộc đối tượng ưu tiên cũng sẽ được tiêm vaccine sớm hơn người khác.

Bên cạnh đó là vấn nạn hộ chiếu vaccine và giấy xác nhận xét nghiệm âm tính giả được bán trên thị trường chợ đen ngày càng tăng tại các nước đang triển khai hộ chiếu vaccine. Theo BBC, giá thấp nhất cho loại chứng nhận này là 150 USD và cao nhất là 750 USD, tùy theo loại vaccine. Đáng chú ý, dù số tiền này cao gấp nhiều lần so với giá thực tế của vaccine do Chính phủ cung cấp, song nhiều người vẫn chấp nhận mua chúng để đổi lấy quyền tự do đi lại và tiếp cận dịch vụ trong xã hội.

Link bài viết

Cuối cùng, triển khai hộ chiếu vaccine cho du khách quốc tế đòi hỏi các quốc gia trên thế giới phải có thông tin đầy đủ để áp dụng công cụ này một cách hiệu quả, an toàn. Hộ chiếu vaccine sẽ chỉ phát huy tối đa công dụng khi được cấp phát trong quá trình hợp tác giữa các nước, cùng chia sẻ bình đẳng nguồn vaccine cũng như thống nhất về các tiêu chí áp dụng.

Trong bối cảnh việc tiêm vaccine Covid-19 và diễn biến dịch không đồng đều trên thế giới, các nước cần hợp tác để xây dựng quy trình vaccine chung cho việc đi lại xuyên biên giới và các quy trình kiểm dịch cũng cần phải được tiến hành hài hòa. Công việc này đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ phục hồi ngành du lịch. Trên thực tế, dù đã triển khai hộ chiếu vaccine, song chính sự chồng chéo về thủ tục đi lại ở các nước châu Âu lại cản trở ngành du lịch khu vực này phục hồi.

Nghiên cứu của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã chỉ ra những khác biệt đáng kể trong cách các nước EU kiểm tra du khách nước ngoài. Hiện, đa số nước EU sử dụng chứng nhận Covid-19 có tên "EU Digital COVID certificate" (EUDCC). Tuy nhiên, trong số đó, 30% không chấp nhận test nhanh Covid-19, 19% không miễn xét nghiệm cho trẻ em, 41% không đón khách từ các quốc gia ngoài danh sách cho phép của EU dù họ đã tiêm chủng đầy đủ.

Sự phức tạp cũng thể hiện ở các biểu mẫu nhập cảnh và thủ tục dành cho khách du lịch. 45% quốc gia chấp nhận biểu mẫu trực tuyến, trong khi 33% chấp nhận song song bản cứng và trực tuyến. 11% chỉ chấp nhận bản cứng và hơn 11% không quy định biểu mẫu nào.

Đó là chưa kể những quy định tại Pháp, Italy về chứng nhận Covid-19 để được phép vào các địa điểm văn hóa, du lịch, nhà hàng, vui chơi giải trí… hay quy định về hạn sử dụng chứng nhận tiêm chủng trong 270 ngày mới được áp dụng tại Áo và Croatia.

Theo Phó chủ tịch Khu vực châu Âu của IATA Rafael Schvartzman, các nước châu Âu phải hợp tác và thống nhất về thủ tục đi lại: "Những nỗ lực triển khai chứng nhận EUDCC đang bị lãng phí bởi hàng loạt các quy trình chồng chéo. Làm sao du khách có thể tự tin đi du lịch khi các quy định quá khác nhau giữa các quốc gia EU? Họ không thể biết chắc liệu con cái mình có phải xét nghiệm hay không, hoặc họ sẽ phải làm biểu mẫu nào, trên giấy hay online hay không làm gì cả".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hộ chiếu vaccine: Chìa khoá từng bước mở cửa lại nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO