“Vương quốc”gà nòi

PHAN LỮ HOÀNG HÀ| 21/01/2008 04:14

Lúc trời vừa rạng sáng, hàng răm chú gà trống cùng cất tiếng gáy vang dậy trong các khu vườn trái cây, hoa kiểng tại Chợ Lách, đó không phải loại gà nuôi thả vườn lấy thịt mà là gà nòi chính hiệu.

“Vương quốc”gà nòi

Lúc trời vừa rạng sáng, hàng răm chú gà trống cùng cất tiếng gáy vang dậy trong các khu vườn trái cây, hoa kiểng tại Chợ Lách, đó không phải loại gà nuôi thả vườn lấy thịt mà là gà nòi chính hiệu.

Gà nòi Chợ Lách

Ở đó, những nghệ nhân chuyên nghề cung cấp giống cây trồng, giống hoa kiểng cho nhà vườn cũng là những người đang nỗ lực gìn giữ nguồn gene của các giống gà nòi quý hiếm, gìn giữ nét đẹp truyền thống của thú chơi gà nòi vốn là một trong những nét độc đáo của văn hóa miệt vườn đất phương Nam.

Ông Ba Ký, nghệ nhân trồng cây kiểng tại xứ Cái Mơn (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre) tỏ ra rành rẽ về “lịch sử” nuôi gà nòi và thú chơi gà nòi từ xa xưa tại vùng đất này. Ông Ba nói, năm nay ông ngoài 60 tuổi nhưng ngay từ thời ông nội và cha của ông đã mê nuôi gà nòi, loại gà nòi “đúng bổn”.

Vậy là gà nòi được đổ giống và có mặt tại Chợ Lách phải hơn thế kỷ qua?... Ông Ba Ký hào hứng: “Trước đây, gà nòi hay phải kể gà Cao Lãnh, Gò Công, Hậu Giang, bởi vậy mới có câu hát “Gà nào hay bằng gà Cao Lãnh...”, nhưng hiện nay cần phải bổ sung thêm “Gà nào hay bằng gà Chợ Lách”!

Lý giải cho điều đó, ông Ba Ký nói: “Nhiều năm qua, có đến 30% hộ dân ở Vĩnh Thành sống nhờ vào gà nòi. Còn rộng ra cả huyện Chợ Lách, thì hiện đàn gà nòi tại đây phải hơn 100.000 con. Gà nòi Chợ Lách nuôi tập trung nhiều ở xã Long Thới, Sơn Định, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung, thị trấn Chợ Lách... mỗi hộ nuôi từ 30 đến 300 con, còn dưới 30 con thì đếm không xuể. Tất nhiên, gà nòi Chợ Lách thuộc hạng gà hay, có mã đẹp và phong phú hơn những nơi khác nên đàn gà mới phát triển mạnh đến thế”.

Gà nòi tại Chợ Lách được nuôi với hai giai đoạn chánh: Nuôi cho trưởng thành đến 8 tháng tuổi trở lên và o bế để chuẩn bị cho gà chọi; có thể nuôi trong quần chuồng, úp bội, thả lang với đủ loại gà, mọi sắc lông, chạng lứa dưới những khu vườn cây ăn trái sum xuê, quanh năm mát mẻ.

Tôi tìm đến một hộ nuôi gà nòi “giai đoạn 1” tại xã Long Thới cạnh sông Cái Gà. Đó là hộ ông Mười Khại, đã sống với nghề nuôi gà nòi giống trên 10 năm. Lần đầu trong đời tôi thấy gà nòi được nuôi tập trung nhiều đến vậy.

Trong sân vườn rộng 1,5 ha của ông Mười Khại, tôi được xem 10 chú gà nòi nọc (gà bố mẹ) do ông và người con trai tìm chọn lọc, rồi o bế, chăm sóc, gìn giữ gần 4 năm qua để tạo ra đàn gà con cháu có “tính khí” giống hệt cha mẹ, ông bà của chúng. Ô, điều, nhạn, hoe, chuối là năm màu chánh của gà nòi, ông Mười Khại đều có đủ. Nhưng riêng tôi, tôi trầm trồ mãi trước màu lông của con khét sữa (màu vàng nhạt lẫn vàng sậm) vì nó đẹp ngộ nghĩnh, tôi chưa từng thấy bao giờ.

Ông Mười Khại cười xòa: “Khi đổ gà (cho đạp mái) như pha màu sơn. Ví như con trống hoe (lông vàng) đem đổ với con mái ô (lông đen) nó sẽ nở ra con xám, con trống điều (lông đỏ) đổ với con mái ô sẽ ra con ô hoe (lông đen lẫn với vàng)..., có trên chục màu lông để gọi tên tượng hình riêng cho chúng”.

Không như gà tàu, gà nòi bay nhảy giỏi, vượt qua mương vườn như chơi, đêm lại ngủ trên cành cây, cho nên nuôi gà nòi thả vườn là tạo điều kiện để gà luyện kỹ năng lanh lẹ, gan dạ, có sức lực mạnh mẽ bền bỉ khi đối mặt địch thủ. Có phải gà nòi Chợ Lách nổi tiếng hay là từ cách nuôi “giai đoạn 1” như thế?

Cái nhạy bén của những nông gia đã quen với kinh tế thị trường (sản xuất cây giống, cây kiểng) cộng với niềm say mê từ cái thú chơi của cha ông đã thúc đẩy việc chăn nuôi, thuần dưỡng gà nòi Chợ Lách trở nên đủ sức thuyết phục những người hâm mộ.

Về thức ăn cho gà nòi, ông Mười Khại chẳng giấu giếm: “Tụi tôi cho chúng ăn lúa chắc, gạo tròn, gan heo, thịt bò, lòng đỏ trứng, rau cải, côn trùng, ăn đúng bữa trong ngày, nhiều ít theo sức trưởng thành của gà”. Nghe ông Mười nói về thức ăn cho gà nòi, quả những người “tay ngang” như tôi không hề nghĩ tới!

Lúc khề khà bên ly rượu đế với người con trai của ông Mười, tôi mới biết mỗi con gà nuôi đến trưởng thành (trên 2 kg, ngoài 8 tháng tuổi) của ông Mười bán ra phải tối thiểu 300.000 đồng/con, hoặc hơn thế nữa: bạc triệu/con nếu gà được thuần dưỡng đúng bổn, hay, có mã lông đặc biệt.

Ông Hai Đê ở ngoại vi thị trấn Chợ Lách thuộc hạng bậc thầy trong nuôi gà nòi “giai đoạn 2”, ông thuộc làu “kê kinh” của các bậc sư kê lưu truyền và nhiều công trình nghiên cứu về gà nòi của Vương Hồng Sển, Sơn Nam, Huỳnh Ngọc Trảng...

Ông Hai phân tích: “Gà nòi ở miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) được xếp vào các giống gà chọi Việt Nam, nhưng có nét đặc sắc riêng, phân biệt chúng với gà chọi miền Bắc, miền Trung và Đông Nam bộ. Trong khi gà chọi ở các địa phương khác thường ít lông, cổ bạnh, chân to, đá nhau bằng cẳng chân, gọi là gà đòn, thì gà nòi ĐBSCL, như tại Chợ Lách là gà cựa. Người ta nuôi các giống gà có cựa dài, mã lông đa dạng, tốt dộng, cứng xương, có khả năng sát thương cao khi thi đấu”.

Theo Hai Đê, việc chọn gà để nuôi “giai đoạn 2” chẳng dễ, phải có con mắt tinh tường trong nghề. Hai Đê ra thiệu như sau: “Nhất thì chân múi quăng ra/ Nhì thì lắc mặt, thứ ba né lồng (chân tướng, thao tác tự nhiên của gà). Tóm lại, gà được chọn phải là gà có dáng lùn liền, đầu xuôi đuôi dốc, bản cánh lớn, mắt, mỏ lanh lợi...”.

Hai ngày có mặt tại nhà Hai Đê, tôi thấy cả gia đình ông bận rộn gần như suốt ngày để chăm sóc, o bế những chú gà nòi đang hồi sung mãn, cỡ một năm tuổi. Buổi sáng sớm, gà nòi của Hai Đê được “tắm” tỉ mỉ bằng nước ấm, rồi đem phơi nắng, cho ăn. Chiều, trước khi gà ngủ, lại đem từng con tắm lần nữa rồi mới cho ăn. Đêm, từng con gà được chia ô, ngủ mùng để tránh muỗi đốt. Và cứ 10 ngày thì gà được cắt lông, vô nghệ để mình mẩy, chân đùi thêm rắn chắc.

Chỉ riêng phần vô nghệ, nghệ phải là nghệ tàu, có màu đỏ quạch, biết chỗ bán tìm mua mới có. Hai Đê tâm sự: “So với nuôi gà thịt, nuôi gà nòi vô khá hơn nhiều. Nhưng để có kết quả đó, người nuôi phải đầu tư khá nhiều công sức tiền của và theo một quy trình chặt chẽ, công phu gấp mười lần, thậm chí gấp trăm lần so với nuôi gà thịt.

Và hiển nhiên nếu một con gà nòi chỉ có mã ngoài, chẳng tài cán gì, thì giá có khi còn tệ hơn gà thịt. Thành bại phụ thuộc vào người nuôi”. Tôi ướm thử Hai Đê: “Ngoài cung cấp gà nòi cho khắp miền Nam, nghe nói hiện gà nòi Chợ Lách cũng có mặt tận bên Campuchia?”. Hai Đê: “Chắc vậy”.

Vô nghệ cho gà nòi

Thể thức chọi gà ngày xưa ở miệt vườn thật rạch ròi, mã thượng, sòng phẳng và mang đậm tính khẳng khái của người phương Nam: “kỳ tẩu, kỳ tử”, nghĩa là đá đến khi nào một trong hai con chạy, hoặc chết và kèm theo những giao ước do hai bên thỏa thuận, như “chết ăn chạy”, “đứng ăn nằm”, “bắt xác”, hay là hai con cùng lúc đều té chết thì con nào còn... nhíu đít kể như con đó ăn, hoặc, người chủ có thể chịu thua nửa chừng nếu cảm thấy gà của mình kém tài hơn đối thủ.

Rõ ràng nuôi gà nòi có kinh tế rất cao hơn so nuôi gà thịt vì gà nòi có “đầu ra”, mà đầu ra ấy là nhằm phục vụ cho các độ đá gà ăn tiền của những người có máu đỏ đen. Hiện nay, nhiều kẻ xấu lợi dụng thú chơi gà nòi để cờ bạc ăn thua, đã nghĩ ra những phương cách ác ôn như lắp cựa sắt cho gà nòi để chúng kết liễu nhau cho nhanh, phá lệ phân hiệp đấu, thay bằng cú “buông đuôi, ăn trót”...

Chính tệ nạn này đã làm mai một nghệ thuật chọi gà dân gian chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân miệt vườn và thú chọi gà bị “đặt ra ngoài vòng pháp luật” ở nhiều địa phương.

Song, chúng tôi nghĩ rằng, cái trò lợi dụng tục chọi gà để cờ bạc sẽ sớm bị loại trừ, còn nét đẹp truyền thống của thú chọi gà sẽ trở về với ý nghĩa đích thực của nó. Và đó cũng là sự mong mỏi của những nghệ nhân đang gìn giữ và phát huy nguồn gene của giống gà nòi quý tại Chợ Lách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
“Vương quốc”gà nòi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO