“Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa. Mọi hoạt động của các bên ở khu vực này mà không được sự chấp thuận của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam” - ông Lương Thanh Nghị nêu rõ.
>>Đội tàu cá Trung Quốc ào ra Trường Sa của Việt Nam
Vi phạm luật quốc tế
Theo báo chí Trung Quốc, một đội tàu gồm 30 chiếc tàu cá cùng 1 tàu tiếp tế hậu cần tổng hợp trọng tải 4.000 tấn và 1 tàu vận tải trọng tải 1.500 tấn của Trung Quốc đã rời đảo Hải Nam lên đường tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam hôm 6/5.
Đoàn tàu này dự kiến sẽ có chuyến đánh bắt trong 40 ngày. Cùng ngày, tàu Ngư chính 310 - tàu Ngư chính hiện đại nhất của Trung Quốc - cũng xuất phát tới vùng biển này trong một động thái được đánh giá là nhằm yểm trợ cho hoạt động trái phép của đội tàu trên.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị |
Một học giả Đài Loan - TQ nhận định, động thái trên cho thấy Trung Quốc ngày càng lấn tới trên Biển Đông trong bối cảnh ASEAN kêu gọi Trung Quốc quay trở lại bàn đàm phán để tìm giải pháp tránh nguy cơ xung đột trên biển.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 9.5, người phát ngôn Lương Thanh Nghị yêu cầu “mọi hoạt động của các bên ở khu vực biển Đông cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các nước liên quan”.
Tờ Philippines Inquirer ngày 9/5 cũng cho biết quân đội nước này đã tăng cường các hoạt động theo dõi và giám sát về đoàn tàu cá Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp trên biển Đông.
Phát ngôn viên quân đội Philippines - Thiếu tướng Domingo Tutaan - tuyên bố quân đội sẽ “thực thi” chủ quyền nếu đoàn tàu đánh cá Trung Quốc tiến vào lãnh thổ hoặc vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và hành động của họ sẽ tuỳ thuộc vào “những gì được xác minh”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cảnh báo Trung Quốc sẽ vi phạm luật quốc tế nếu để các tàu cá của nước này đánh bắt cá tại Trường Sa.
Trung Quốc “đe doạ” về xung đột quân sự trên biển
Trong khi đó, hãng tin Anh BBC dẫn một báo cáo mới ngày 8.5 của Cục Hải dương Trung Quốc đề cập “an ninh biển là trọng điểm trong an ninh quốc gia hiện nay” của nước này.
Theo nhận định của cơ quan nghiên cứu chiến lược hải dương Trung Quốc, “đe dọa an ninh biển chủ yếu của Trung Quốc hiện nay là tranh chấp chủ quyền biển đảo leo thang có thể dẫn đến xung đột quân sự”.
Theo BBC, điều này cho thấy giới hoạch định chính sách của Trung Quốc đã thừa nhận khả năng xung đột quân sự để có phương án đối phó phù hợp. Cũng theo báo cáo mới, “sự điều chỉnh chiến lược châu Á -Thái Bình Dương của nước lớn ngoài khu vực sẽ ảnh hưởng to lớn lâu dài cho an ninh biển của Trung Quốc”, với ám chỉ được ngầm hiểu về “nước lớn ngoài khu vực” nói trên là Mỹ.
Dù khẳng định “Trung Quốc tiếp tục kiên trì giải quyết hoà bình tranh chấp trên biển”, “không ngừng tăng cường xây dựng cơ chế tín nhiệm trên biển, tích cực triển khai hợp tác an ninh biển”, song trên thực tế, thời gian gần đây Trung Quốc đã có nhiều hoạt động theo hướng tăng cường khai thác nguồn lợi biển như điều tàu cá, chuyển giàn khoan dầu khí xuống biển Đông và đơn phương cấm đánh bắt tại một số vùng biển mà nước này tuyên bố chủ quyền. Hành động của Trung Quốc bị giới quan sát cho là “ngày càng mạnh bạo”.
Nhật phản đối Trung Quốc về chủ quyền Okinawa
Ngày 9.5, Nhật Bản cho biết đã chính thức trao công hàm phản đối Trung Quốc liên quan tới bài viết đăng trên Nhân dân Nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - trong đó các học giả nước này lên tiếng thách thức đòi chủ quyền đối với toàn bộ đảo Okinawa của Nhật Bản - nơi đặt nhiều căn cứ chủ chốt của Mỹ. Phát ngôn viên Chính phủ Nhật - Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga - gọi bài báo trên là “thiếu suy nghĩ”.
Bài viết dài đăng trên Nhân dân Nhật báo do hai học giả hàng đầu Trung Quốc chắp bút. Dẫn hiệp ước từ cuộc chiến Trung - Nhật và từ Đại chiến II, nhóm tác giả này cho rằng cần phải thảo luận lại quyền sở hữu chuỗi đảo Ryukyu, bao gồm cả Okinawa. Họ lý luận rằng Ryukyu từng là “nước chư hầu” của Trung Quốc trước khi bị Nhật Bản “thôn tính” cuối những năm 1800.
Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh hai cường quốc châu Á này vẫn bất hòa về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Về vấn đề này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh chỉ bình luận “quan điểm của bài báo là ý kiến của các nhà nghiên cứu”.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt - Trung gặp song phương Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần thứ 7 (ADMM-7) tại Brunei tối 7/5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phùng Quang Thanh đã gặp song phương Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh giữa Việt Nam và Trung Quốc còn một số vấn đề tồn tại trên biển do lịch sử để lại. Hai bên cần nghiêm chỉnh tuân thủ Thỏa thuận và nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, cùng nhau giải quyết tranh chấp trên biển thông qua đàm phán hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) và nỗ lực thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc... Về hợp tác quốc phòng, hai bên cần tiếp tục thúc đẩy chiến lược đối thoại quốc phòng, đẩy mạnh tiếp xúc, giao lưu, tham vấn ở các cấp để tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau; sớm triển khai đường dây nóng ở cấp Bộ Quốc phòng và cấp quân khu, Bộ đội Biên phòng; trao đổi về đào tạo học viên. |