![]() |
Khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, bởi thông qua Hiệp định này, Hoa Kỳ sẽ mở rộng cửa cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là dệt may và da giày, hai ngành có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn sang thị trường Hoa Kỳ.
>>TPP: Mở cửa lớn vào siêu thị Mỹ
![]() |
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Tác động của Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương" (TPP) do Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM tổ chức ngày 17/7/2013 tại TP.HCM.
Dệt may chiếm ưu thế
Hiệp định Thương mại Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đến nay đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực như thị trường hàng hóa, hải quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa, rào cản kỹ thuật trong thương mại cũng như các lĩnh vực an toàn thực phẩm, dịch vụ và đầu tư. Hiệp định này sẽ mở rộng cửa cho thị trường xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Ông Lê Quốc Ân, nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh:
“Việc áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi (yarn forward) trong TPP sẽ thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào ngành công nghiệp dệt giúp tạo ra nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các sản phẩm may mặc có thể được xuất sang thị trường Hoa Kỳ với mức thuế nhập khẩu bằng 0%”.
Tuy nhiên, nhiều người lo ngại rằng, hiện nguồn nguyên liệu của ngành dệt may Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào nguồn nhập khẩu từ nước ngoài (nhập 86,7% vải – 2012), nhất là từ Trung Quốc và việc áp dụng quy tắc truy xuất xuất xứ nguồn gốc có thể cản trở cho ngành dệt may.
Để giải bài toán này, theo ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO tại TP.HCM cho rằng, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ có lợi thế trong kêu gọi đầu tư vào ngành này, đặc biệt là khâu kéo sợi và dệt vải.
“Không nên xem rào cản về nguyên tắc xuất xứ tính từ sợi trở đi (yarn-forward) là thách thức, bởi chính rào cản này sẽ kích thích các DN đầu tư vào các khâu mà chúng ta còn yếu”, ông An nhấn mạnh.
Ông Ray Nayler, quyền trưởng phòng kinh tế, Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM cho rằng, ngoài dệt may, da giày, sản phẩm từ gỗ, khi tham gia TPP, Việt Nam còn tăng cường khả năng tiếp cận thị trường cho các sản phẩm mới như phụ tùng ô tô và hải sản chế biến.
Ngoài ra, khi đã trở thành thành viên của TPP, Việt Nam còn nâng cao thêm vị thế của mình trên trường quốc tế và mở rộng quan hệ với các đối tác thiết yếu.
Đặc biệt, bất cứ lĩnh vực xuất khẩu nào của Việt Nam đang chịu thuế nhập khẩu cao tại một trong các thị trường tham gia TPP, trong đó có Hoa Kỳ sẽ được hưởng lợi đáng kể.
Nói về lợi thế của Việt Nam khi tham gia TPP, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, khi TPP có hiệu lực, Việt Nam sẽ tăng kim ngạch xuất khẩu (34%), tăng nhập khẩu (27%), thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tham gia vào chuỗi cung ứng quốc tế, tăng năng suất từ sức ép cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách thúc đẩy tăng trưởng…
Minh chứng cho điều mình nói, ông Herb Cochran đưa ra ví dụ, hiện các nhà cung cấp Hoa Kỳ chỉ cung cấp 30% cho Tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới Walmart, còn tới 70% dành cho các nhà cung cấp đến từ các nước khác, và Việt Nam có thể sẽ trở thành nhà cung cấp cho Walmart.
Cơ hội cải cách thể chế
Tại Hội thảo, ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO tại TP.HCM đặt vấn đề: Liệu TPP có thể là một cứu cánh về thể chế cho Việt Nam hay không?
Thảo luận về chủ đề này, các chuyên gia trong và ngoài nước đều thống nhất rằng, TPP sẽ có ích trong cải cánh hành chính ở Việt Nam, và điều này sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho các nhà đầu tư.
Ông Phạm Bình An cho biết, TPP vừa có tính toàn diện, hiện đại và tính mở. Tính toàn diện bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó có những lĩnh vực nhạy cảm. Tính hiện đại là áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế hướng tới kỷ nguyên toàn cầu hóa. Còn tính mở giúp các nước có thể tham gia, không phân biệt quy mô của nền kinh tế. Chính vì vậy, khi gia nhập TPP, Việt Nam tất yếu sẽ thúc đẩy cải cách thể chế.
Chuyên gia tư vấn đầu tư - TS. Lương Văn Lý đề xuất 3 việc Nhà nước cần phải làm ngay mà theo ông, lẽ ra 3 việc này Việt Nam phải làm từ những năm 2000, tức trước thời điểm gia nhập WTO.
Thứ nhất, Nhà nước cần xác định lại lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong sân chơi toàn cầu là ở đâu, lực lượng chủ lực của nền kinh tế là ai; thứ hai, Việt Nam dựa trên cơ sở nào để đi, để cất cánh; thứ ba là Việt Nam phải xây dựng “luật” chơi thật sự bình đẳng giữa DN quốc doanh và DN ngoài quốc doanh, hay giữa DN trong nước và DN nước ngoài làm ăn tại Việt Nam.
Theo TS. Lương Văn Lý, “luật” chơi phải dựa trên cơ sở minh bạch và công khai các chính sách, không phân biệt đối xử, đặc biệt là tính chịu trách nhiệm trong thực thi luật pháp. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, trong sân chơi thương mại toàn cầu cũng như khu vực nói chung, “nhân vật chính” không phải là Nhà nước mà không ai khác chính là DN.
TS. Lý kêu gọi cộng đồng DN Việt Nam hãy từ bỏ tâm lý làm gì thì làm cũng có Nhà nước đứng đằng sau. “Bản thân tôi cũng đang điều hành DN nên rất thấu hiểu vấn đề này”, ông nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia nhận định, thách thức của Việt Nam hiện nay là DN ngoài quốc doanh còn rất yếu kém và phần lớn là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm tới 90%). Trong khi đó, bộ máy của DN Nhà nước còn quá cồng kềnh, tỷ trọng còn cao. Lực lượng này mang sức ì lớn và khó tiếp cận với các tiêu chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, nói về vai trò của khối DN vừa và nhỏ, TS. Lương Văn Lý cho rằng, lực lượng chính tạo nên GDP cho nền kinh tế Việt Nam lại chính là DN vừa và nhỏ chứ không phải là các “ông lớn” như các nước phát triển.
Chính vì vậy, trước khi bước vào sân chơi TPP, Việt Nam cần phải lấp các lỗ hổng về chính sách và xác định lại vị trí của mình nhằm tránh những rủi ro có thể gặp phải.