Việt Nam ở đâu trong đợt chuyển dịch chuỗi cung ứng?

Quốc Thoại| 13/02/2021 06:00

Các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đang có cơ hội đón đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng từ các nhà đầu tư Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... ra khỏi Trung Quốc. Trong mắt các nhà đầu tư, đâu là cơ hội rõ ràng dành cho Việt Nam?

Việt Nam ở đâu trong đợt chuyển dịch chuỗi cung ứng?

Ông Hirai Shinji - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM: "Năm 2021 sẽ có nhiều công ty Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam"

Ông Hirai Shinji - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM

* Ông cho biết chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng của Nhật Bản sang Việt Nam như thế nào? Chính phủ Nhật Bản có chính sách gì hỗ trợ cho doanh nghiệp (DN) để làm việc này?

- Như chúng ta đã biết, dịch Covid-19 làm gián đoạn trầm trọng chuỗi cung ứng và gây tác hại rất lớn cho các ngành công nghiệp toàn cầu do sự thiếu hụt nguồn cung nguyên phụ liệu, linh kiện, đặc biệt cho DN Nhật. Từ đó, cộng đồng DN Nhật nhận ra họ lâm vào tình cảnh này do đã quá tập trung nhà máy sản xuất trong chuỗi cung ứng tại một nước. Do vậy, Chính phủ Nhật Bản ủng hộ chính sách đa dạng hóa chuỗi cung ứng và chuyển dịch một phần các nhà máy ra khỏi Trung Quốc để khi có gián đoạn bất ngờ xảy ra, như trong trường hợp bùng nổ dịch bệnh, thì không phải lâm vào tình huống như vậy nữa. Chính sách này không phải là di dời hết các nhà máy ra khỏi một nước mà là để giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng gây ra cho các ngành công nghiệp khi có biến động. Chính phủ Nhật Bản đã có chương trình hỗ trợ DN, cuối cùng đã chọn ra 60 dự án, trong đó có 30 dự án trong số này đã chuyển dịch sang Việt Nam.

* Ông có thể đánh giá kỹ hơn về khả năng xảy ra đợt dịch chuyển dòng vốn của các DN Nhật Bản khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam?

- Thật ra từ trước khi dịch bùng nổ thì nhiều DN Nhật đã chú ý đến Việt Nam và Việt Nam đã nằm sẵn trong danh sách các điểm đến đầu tư phổ biến. Trong những khảo sát của JETRO với các DN thành viên thì Việt Nam luôn nằm trong top ba DN Nhật Bản muốn đầu tư và trong lần khảo sát mới nhất thì Việt Nam nằm thứ hai, chỉ sau Trung Quốc và trước Thái Lan, với lý do chính là tốc độ tăng trưởng hằng năm thuộc hàng tốt nhất trong khu vực khiến quy mô nền kinh tế ngày một lớn, dẫn tới mức tiêu dùng của người trẻ ngày một tăng. Và hiện thời sau khi dịch bùng nổ, vị trí của Việt Nam càng được củng cố hơn khi nhiều công ty Nhật quan tâm đầu tư. Trước đây chỉ có các công ty sản xuất, giờ có thêm các công ty bán lẻ và dịch vụ như Aeon, Uniqlo, Matsumoto Kiyoshi... đang nghiên cứu để mở rộng quy mô tại Việt Nam. Trong năm 2021, sẽ chứng kiến thêm nhiều công ty sản xuất của Nhật Bản đến Việt Nam và họ sẽ không chỉ đầu tư làm nhà máy ở TP.HCM và các vùng phụ cận mà còn tìm đến đồng bằng sông Cửu Long.

"Hôm giao thừa Tết Dương lịch 2021, tôi xem TV thấy cảnh người dân ùn ùn tham dự các buổi bắn pháo hoa ở các thành phố lớn, điều này là minh chứng cho việc Việt Nam đã kiểm soát dịch Covid-19 tốt như thế nào. Vậy nên tiềm năng thu hút FDI trong năm 2021 là rất lớn vì Việt Nam đã khống chế cơ bản được tình trạng lây lan của đại dịch".

* Theo ông, sau đại địch, Việt Nam cần cải thiện lĩnh vực nào để thu hút và đáp ứng đợt dịch chuyển này?

- Việt Nam tính đến thời điểm này đã rất thành công trong việc kiềm chế và kiểm soát đại dịch Covid-19, vậy nên các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam đánh giá rất cao khả năng quản trị rủi ro tầm quốc gia của chính phủ Việt Nam. Năng lực này ở mức rất ổn định và đáng tin cậy khiến DN Nhật tin tưởng, mở rộng quy mô làm ăn tại Việt Nam. Giữa năm 2020, JETRO đã khảo sát các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam xem họ có kế hoạch mở rộng việc làm ăn hay không và nhận được câu trả lời là phân nửa trong số họ đã lên kế hoạch tăng tốc đầu tư và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Đó là một số liệu rất hứa hẹn.

Có hai lĩnh vực chính mà Việt Nam cần cải thiện để thu hút đầu tư, đó là cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông và logistics) và hoàn thiện chuỗi cung ứng (nguyên phụ liệu, linh kiện...) cho DN Nhật. Trong lần khảo sát tại các DN FDI của Nhật hồi giữa năm ngoái, Việt Nam đứng sau Trung Quốc và trước Thái Lan về độ hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Trong nội dung khảo sát, chúng tôi so sánh cả ba quốc gia trong nhiều lĩnh vực về môi trường đầu tư cũng như kinh doanh. Sau khi phân tích bảng khảo sát, kết quả cho thấy nhà đầu tư rất không hài lòng về cơ sở hạ tầng (đặc biệt là giao thông đường bộ và logistics) của Việt Nam, trong khi ở điểm này tỷ lệ không hài lòng ở Trung Quốc chỉ là 2-5% tổng số DN tham gia khảo sát, ở Việt Nam lên tới 20% (và có xu hướng tăng) và ở Thái Lan cũng tương đương. Đặc biệt, một số DN có ý định đầu tư sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long thì lo lắng khi muốn xuất khẩu phải vận chuyển hàng lên các cảng ở TP.HCM, tốn kém cả thời gian (3-6 tiếng) lẫn chi phí. Vậy nên chúng tôi trông chờ Việt Nam cải thiện cơ sở hạ tầng trong 3-5 năm tới. 

Về mặt cung ứng (nguyên phụ liệu, linh kiện...) thì DN Việt Nam cũng khá yếu, với cung ứng nội địa ở mức 37%, thấp hơn so với Trung Quốc (67,6%) lẫn Thái Lan (59,9%). Do vậy, yếu tố này cũng cần phải cải thiện nhiều.

* Việt Nam đã ký 15 FTA, trong đó 14 FTA có hiệu lực. Theo ông đó có phải lợi thế thu hút DN Nhật Bản tới Việt Nam?

- Chính phủ Việt Nam đã rất chủ động tham gia các FTA, vậy nên các công ty Nhật tại Việt Nam đang tranh thủ tận dụng tối đa cơ hội này, như nhập khẩu nguyên phụ liệu từ thị trường ASEAN hay các thị trường đã có FTA từ các nước lân cận để sản xuất hàng xuất khẩu tại Việt Nam. Đồng thời đây cũng là cơ hội cho DN Việt Nam tăng tốc cải thiện khả năng cạnh tranh của họ. Tuy chưa có dữ liệu chính xác về việc các công ty Nhật đã tranh thủ được bao nhiêu trong các khoản thuế suất họ được ưu đãi thông qua các FTA, nhưng tôi nghĩ, với việc nền kinh tế Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu thông qua các FTA thì cả DN Nhật và Việt Nam đều được hưởng lợi.

Gần đây, tôi có cơ hội gặp một số lãnh đạo địa phương của Việt Nam và rất ấn tượng với sự năng động của họ trong việc tìm cách thu hút vốn nước ngoài về địa phương mình, và lập ra chỉ số cạnh tranh tỉnh (PCI). Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và nhiều nhà đầu tư đánh giá công nhân Việt Nam có khả năng làm việc tốt và chính sách của Chính phủ cũng đang ủng hộ thu hút đầu tư FDI. 

Hinh-PV-ong-My-6350-1612238622.jpg

Ông Matthew Ference - Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM: "Doanh nghiệp Mỹ đã góp phần đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu"

Thương mại và đầu tư là hòn đá tảng của quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Mỹ. Những gì bắt đầu từ 25 năm trước với hầu như không có luồng thương mại hàng hóa hai chiều (bắt đầu từ số 0), đến năm 2020 đã tăng lên hơn 77 tỷ USD.

Mỹ cam kết đạt được thương mại tự do, công bằng và có đi có lại với Việt Nam cũng như môi trường đầu tư cởi mở, bằng cách giảm các rào cản thuế quan đối với thương mại và thúc đẩy cải cách theo định hướng thị trường hơn. Tôi tin rằng hợp tác Việt - Mỹ nhằm đảm bảo dòng chảy hàng hóa, đầu tư tự do và công bằng giữa hai nước sẽ dẫn đến sự thịnh vượng chung.

Những năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc đã tạo ra cơ hội cho các công ty Mỹ trong việc mang hàng hóa và dịch vụ chất lượng cao, công nghệ tiên tiến và các phương thức kinh doanh minh bạch vào thị trường Việt Nam. Các công ty Mỹ đã đầu tư hàng tỷ USD vào Việt Nam và góp phần đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra các cơ hội thị trường mới ở cả hai nước.

Đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh nhu cầu tạo ra các chuỗi cung ứng linh hoạt, an toàn và đa dạng trên toàn cầu. Thông qua việc không để dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng, Việt Nam có vị thế tốt để gia tăng hơn nữa dấu ấn của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu và thu hút các doanh nghiệp mới đang tìm cách đa dạng hóa hoạt động của họ. 

Các nhà đầu tư Mỹ đã đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực kinh tế, đứng thứ 11 trong số các nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam. Hầu hết tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam, như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Coca-Cola và P&G… Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch thương mại song phương Việt - Mỹ năm 2020 là 77 tỷ USD, trong khi năm 2019 đạt gần 75,7 tỷ USD, tăng 25,6% so với năm 2018. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Mỹ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam với những dự án quy mô lớn. Tính đến tháng 9/2020, Mỹ xếp thứ 11/138 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 1.063 dự án và tổng vốn đăng ký là 9,4 tỷ USD.

Hinh-PV-ong-Han-Quoc-4421-1612238623.jpg

Luật sư Kim Jong Gak - Chủ tịch Hội Hàn kiều TP.HCM: "Việt Nam cần chuẩn bị đón đợt chuyển dịch nông nghiệp từ Hàn Quốc"

Dịch bệnh và chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các doanh nghiệp (DN) Hàn Quốc đang ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam. Thời gian qua, do chi phí nhân công thấp mà các DN Hàn Quốc ở Việt Nam chủ yếu hoạt động trong ngành công nghiệp sản xuất như may mặc, giày da... Tuy nhiên, hiện tại các DN Hàn Quốc đang hướng đến những ngành không sử dụng nhiều lao động bởi đã tự động hóa trong sản xuất. Trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra, lĩnh vực liên quan đến dịch vụ, kinh doanh online cũng được chú trọng. Các DN lớn như Samsung đang đẩy mạnh hoạt động này. Lĩnh vực nông sản, thực phẩm cũng đang được DN Hàn kỳ vọng rất lớn. Bởi vì hiện tại, 80% nguồn lương thực, thực phẩm mà Hàn Quốc sử dụng là nhập khẩu từ nước ngoài do sản xuất trong nước không đủ cung cấp. Trong thời gian qua, Hàn Quốc nhập khẩu nhiều lương thực, thực phẩm từ Trung Quốc. Tuy nhiên, do thiên tai, dịch bệnh và giá cả leo thang ở Trung Quốc nên DN Hàn Quốc đang có kế hoạch chuyển hướng qua các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Mong rằng Việt Nam sẽ chuẩn bị thật tốt để đón cơ hội này. 

Hiện tại trong các khu công nghiệp của Việt Nam có rất nhiều công ty sản xuất của Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời gian qua, DN của chúng tôi đang gặp một số khó khăn như giá thuê mặt bằng, nhà xưởng đột ngột tăng cao, nên cần thiết phải có sự ổn định về giá cũng như việc cung cấp cơ sở hạ tầng và đảm bảo an ninh trật tự để DN Hàn Quốc yên tâm hoạt động. Chính phủ Việt Nam đã có những chính sách ưu đãi về thuế rất tốt cho các DN đầu tư, nên tôi không có ý kiến gì về phương diện này. 

Tuy nhiên, để thúc đẩy đầu tư hơn nữa, Việt Nam nên cải thiện một số phương diện, trong đó nên duy trì chính sách bảo hộ nhà đầu tư nước ngoài theo tiêu chuẩn của quốc tế. Các chính sách về thuế cần ổn định. 

Việt Nam đang thúc đẩy thực hiện các FTA và điều này được cộng đồng DN Hàn Quốc rất quan tâm, nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA). Đã có nhiều hội thảo mở ra để hướng dẫn DN Hàn Quốc về các FTA. KOCHAM (Hiệp hội DN Hàn Quốc đang đầu tư tại miền Trung và miền Nam Việt Nam) đã tổ chức giải thích những ưu điểm, lợi thế của VKFTA cho DN Hàn Quốc. Các công ty Hàn Quốc thường hoạt động theo hình thức nhập nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Hàn Quốc đưa sang Việt Nam sản xuất, sau đó xuất khẩu nên các FTA giữa Việt Nam đa phương hay song phương có ảnh hưởng rất lớn.

*** Nhật Bản, Hàn Quốc nằm trong top đầu FDI tại Việt Nam

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/12/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,53 tỷ USD, bằng 75% so với cùng kỳ năm 2019.

Do tác động của đại dịch Covid-19, việc sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2020 tuy giảm so với năm 2019 song mức độ giảm đã được cải thiện (giảm 2% so với năm 2019). Nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đang dần hồi phục và duy trì tốt sản xuất, kinh doanh và mở rộng dự án. Đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong năm 2020, trong đó Singapore dẫn đầu với tổng vốn gần 9 tỷ USD, chiếm 31,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn trên 3,9 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đăng ký 2,46 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam ở đâu trong đợt chuyển dịch chuỗi cung ứng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO