Việt Nam mở rộng nguồn cung nhập khẩu gỗ nguyên liệu

Lữ Ý Nhi| 23/11/2019 01:50

Tăng cường tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu có chứng nhận xuất xứ hợp pháp đến từ những thị trường mới là lựa chọn mang tính chiến lược cho việc phát triển bền vững của ngành chế biến gỗ Việt Nam.

Việt Nam mở rộng nguồn cung nhập khẩu gỗ nguyên liệu

Nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu còn tăng

Xuất khẩu gỗ và đồ gỗ Việt Nam tiếp tục tăng trưởng phấn khởi. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 9 tháng đầu năm 2019, kim ngạch của ngành đạt hơn 7,3 tỷ USD, tương đương 86% mục tiêu xuất khẩu toàn ngành trong năm 2019. Với mức tăng đều như hiện nay và thực tế đơn hàng đang thực hiện tại các doanh nghiệp (DN), các chuyên gia dự đoán, năm nay ngành gỗ sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hai con số, sớm hoàn thành mục tiêu xuất siêu 11 tỷ USD mà Chính phủ đề xuất.

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, thành quả của ngành gỗ có được không chỉ đến từ ảnh hưởng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, mà còn nhờ tổng hòa được rất nhiều yếu tố. Trong đó, đáng ghi nhận là chiến lược tổ chức nguồn nguyên liệu bền vững. Hiện Việt Nam đang có khoảng hơn 4,1 triệu hecta rừng trồng. Năm 2018, Việt Nam dùng hơn 36 triệu mét khối gỗ nguyên liệu hợp pháp để sản xuất nhưng tổng nhập khẩu chỉ hơn 8 triệu mét khối, phần còn lại là nguồn nguyên liệu bản địa. “Tiềm năng nguyên liệu bản địa Việt Nam rất lớn nhưng trong mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu thì việc nhập khẩu nguyên liệu, tạo độ phong phú cho sản phẩm gỗ Việt Nam là hết sức cần thiết”, Thứ trưởng khẳng định.

Hằng năm, các DN chế biến gỗ Việt Nam, bao gồm cả FDI và nội địa, bỏ ra trên 2 tỷ USD để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào Việt Nam. Tăng cường nhập khẩu nguyên liệu song song với chủ động phát triển nguồn nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam kiên quyết với việc thực thi các điều luật đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu gỗ. Do vậy, nguồn cung nguyên liệu này phải đảm bảo được nguồn gốc xuất xứ và tính hợp pháp.

Thêm những lựa chọn mới

Trong 9 tháng đầu 2019, Việt Nam nhập khẩu 1,9 tỷ USD gỗ nguyên liệu, tương đương với 80,3% kim ngạch nhập khẩu của cả năm 2018, bao gồm gỗ tròn, gỗ xẻ và ván các loại. Báo cáo từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, nguồn cung chủ yếu cho DN Việt Nam hiện nay là Mỹ, châu Âu... Tuy nhiên, thời gian gần đây, để đáp ứng cho sự đa dạng về chủng loại, những đơn vị cung ứng nguyên liệu đến từ những thị trường mới như Chile, New Zealand… cũng tăng hiện diện đáng kể, trong đó nổi bật là Chile.

Thống kê của Văn phòng Cục Xúc tiến Thương mại Chile tại Việt Nam (ProChile Vietnam), tổng kim ngạch trao đổi song phương từ 2014 đến nay tăng đều, trung bình ước tính khoảng 6%/năm. Riêng gỗ nguyên liệu, trong năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ Chile hơn 87 triệu USD gỗ thông, gấp đôi so với 4 năm trước đó.  

FICH-2011-0626-PCH-FC-7365-1574402244.jp

Năm 2018, Việt Nam nhập khẩu từ Chile hơn 87 triệu USD gỗ thông, gấp đôi so với 4 năm trước đó

Theo các DN chế biến gỗ, thông Chile đáp ứng được thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng vì ngoài chất lượng tốt, hình thức vân gỗ đẹp, mặt gỗ lớn, thì giá gỗ nhập khẩu còn rất cạnh tranh. Nguồn nguyên liệu này đáp ứng được tất cả tiêu chuẩn của các nhà sản xuất trong nước như chất lượng cao vì đảm bảo được độ cứng, bám đinh, ốc vít và sơn rất tốt. Chất lượng gỗ đồng đều, đẹp với màu gỗ sáng, bắt mắt. Ngoài ra, thông Chile mùi đặc trưng, có khả năng kháng sâu tự nhiên, là khắc tinh của mối mọt, thường được ứng dụng làm đồ chơi, vật dụng trong nhà, giường cho trẻ em…

Quan trọng hơn, ngoài chất lượng, tính thẩm mỹ, gỗ Chile còn đảm bảo được tính bền vững cho ngành bởi đây là nguồn nguyên liệu được chứng nhận hợp pháp. Trong số 2,4 triệu hecta đang được trồng tại Chile, có khoảng 1,6 triệu hecta đã có chứng chỉ FSC hoặc Certfor/PEFC, tương đương 70% diện tích. Tổng số, có 104 DN có chứng nhận truy nguyên xuất xứ sản phẩm. Ngoài ra, để đảm bảo việc truy nguyên nguồn gốc, việc khai thác gỗ tại Chile phải tuân thủ quy trình được quy định bởi Tập đoàn Lâm nghiệp Quốc gia (CONAF) - một cơ quan nhà nước với nhiệm vụ đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ xuất xứ từ Chile. Đây chính là nền tảng thuận lợi nhất cho hợp tác với các DN Việt Nam, bởi hầu hết sản phẩm chế biến gỗ Việt Nam xuất khẩu đi các thị trường các nước đều đòi hỏi các chứng chỉ bền vững này.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Trưởng đại diện thương mại ProChile Vietnam cho biết, các DN cung ứng nguyên liệu gỗ Chile đang rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Đại diện các thương hiệu nổi tiếng đến từ Chile như Asun, Bagaro, Forestal LV, Kimwood, Pacific Forest… đã trực tiếp đến Việt Nam để tìm kiếm đối tác, mở rộng kết nối. Ông Quang đánh giá: “Trong tương lai, kim ngạch giao thương hai phía chắc chắn sẽ có những phát triển đáng kể, nhất là trong lĩnh vực lâm nghiệp”.

Năm 2018, Chile xuất khẩu hơn 6,8 tỷ USD giá trị lâm sản ra thị trường nước ngoài, trong đó 2,7 tỷ USD là gỗ thông Radiata. Cả nước có 114.000 lao động trực tiếp và gần 180.000 lao động gián tiếp trong ngành. Ngoài các DN hoạt động liên quan đến việc sản xuất gỗ nguyên liệu, ngành lâm nghiệp Chile còn có hơn 200 DN thứ cấp khác, chuyên phụ trách lĩnh vực xuất khẩu. “Tất cả tạo nên sức mạnh tổng thể để công nghiệp chế biến gỗ và xuất khẩu lâm sản Chile có thể tiếp cận thị trường hơn 120 quốc gia trên toàn thế giới”, ông Quang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Việt Nam mở rộng nguồn cung nhập khẩu gỗ nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO