Trong đó, VIB đặt mục tiêu đưa tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng lên 225.000 tỷ đồng vào cuối năm 2021. Huy động vốn tăng trưởng tương đương tăng trưởng tín dụng, lên 235.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trên 7.500 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 29% so với 2020, tập trung không chỉ vào mảng tín dụng truyền thống cho vay nhà và ô tô, mà còn tăng trưởng mạnh mẽ các mảng thu phí và dịch vụ phi tín dụng, mảng kinh doanh ngân hàng số. Hiệu suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu ROE tiếp tục ở mức top đầu toàn ngành từ 28-30%.
Là ngân hàng đầu tiên và duy nhất trong hệ thống ngân hàng đã đồng thời hoàn thành sớm cả 3 trụ cột Basell II và ứng dụng quản trị rủi ro thanh khoản NSFR theo Basel III, VIB dự kiến triển khai thí điểm nhiều hạng mục của Basell III để đảm bảo sự phát triển bền vững, tiên phong trên thị trường trong việc quản trị rủi ro hiệu quả song hành cùng tăng trưởng chất lượng.
Tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước, 2021 là năm thứ 2 VIB trình phương án không chia cổ tức tiền mặt để tăng vốn và tập trung phát triển các mảng kinh doanh trọng yếu. Dự kiến tại đại hội cổ đông lần này, VIB sẽ trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn, bao gồm tăng vốn bằng hình thức chia cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu 40% và dự kiến phát hành chào bán cổ phiếu. Vốn điều lệ dự kiến sau các phương án tăng vốn này khoảng 16.000 tỷ đồng.
VIB là ngân hàng bán lẻ có tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm trong 4 năm qua trên 50%, thuộc top đầu ngành với chất lượng tài sản tốt. Tỷ trọng tín dụng bán lẻ của ngân hàng đạt 84% tổng dư nợ tín dụng, đưa VIB trở thành một trong số ít các ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ cao nhất ngành với trên 95% dư nợ bán lẻ là dư nợ có tài sản đảm bảo. Nợ xấu vào cuối năm 2020 giảm dưới 1,5% trong bối cảnh không còn dư nợ tại VAMC.